Những ngày gần đây, dư luận cả nước đang rất quan tâm đến vụ việc TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) mở phiên tòa xét xử hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 19-11-2016 trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương.
Hai bị cáo bị đưa ra xét xử là Ngô Văn Sơn (40 tuổi, trú tại thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) – là tài xế xe Innova và Lê Ngọc Hoàng (còn gọi là Vũ Văn Hoàng, 33 tuổi, trú tại thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) – là tài xế xe container.
Liên quan đến vụ việc này chúng ta cùng tìm hiểu trách nhiệm quản lý, sử dụng và bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn mà nguyên nhân là “phương tiện giao thông - nguồn nguy hiểm cao độ” gây ra. Vậy nguồn nguy hiểm cao độ là gì?
Ths-luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy, cho biết, khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Khi tai nạn giao thông xảy ra thì cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (do chính chiếc xe gây ra) hay do lỗi của người điều khiển.
Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy. |
Nếu người điều khiển chiếc xe đang di chuyển đúng luật, đúng phần đường, làn đường, đúng tốc độ mà xảy ra sự cố nổ lốp xe, đứt dây phanh,... gây tai nạn thì đó được coi là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (không có yếu tố lỗi của con người), khi xác định trách nhiệm bồi thường thì thuộc trách nhiệm của người chủ sở hữu chiếc xe hoặc trách nhiệm bồi thường thuộc về người đang quản lý, chiếm hữu sử dụng chiếc xe (nếu người quản lý sử dụng không đồng thời là chủ sở hữu (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác).
Điều 601 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
“…Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. 2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. |
Còn nếu tai nạn xảy ra do hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thì đây thuộc trường hợp bồi thường do có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản,... của người khác. Do có yếu tố lỗi (lỗi vô ý). Cơ chế xác định thiệt hại trong trường hợp này là có yếu tố lỗi, có thiệt hại và có mối quan hệ nhân quả giữa yếu tố lỗi với thiệt hại. Trường hợp này người phải bồi thường thiệt hại là người điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn (hoặc người giao phương tiện giao thông cho người không đủ tuổi) điều khiển gây tai nạn phải bồi thường.
Điều 584 BLDS 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. 2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”. |
Mặt khác, nếu người điều khiển giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn dẫn đến thiệt hại về tính mạng, thiệt hại lớn về sức khỏe và tài sản của người khác còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015.
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%: g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. 4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. |
Như vậy, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 15 năm.
Trở lại vụ việc “xe Innova đi lùi trên cao tốc - 4 người tử vong, 6 người bị thương” xảy ra vào ngày 19-11-2016 trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, TAND thị xã Phổ Yên xác định bị cáo Ngô Văn Sơn và bị cáo Lê Ngọc Hoàng đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, áp dụng khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, tòa tuyên phạt Ngô Văn Sơn 10 năm tù giam kể từ ngày 20-11-2016 và Lê Ngọc Hoàng 8 năm tù giam kể từ ngày 17-2-2017.
Về trách nhiệm bồi thường, tổng số tiền bồi thường cho các nạn nhân và người bị hại là 1.409.209.000 đồng. Tòa xác định lỗi của bị cáo Ngô Văn Sơn 2/3, trách nhiệm bồi thường là 939.472.000 đồng, trừ số tiền đã bồi thường trước đó là 232.500.000 đồng, còn lại phải bồi thường tiếp 706.000.000 đồng.
Đối với bị cáo Lê Ngọc Hoàng, tòa xác định 1/3 lỗi, phải bồi thường 469.000.000 đồng, trừ 20.000.000 đồng đã bồi thường, bị cáo Hoàng phải bồi thường tiếp số tiền còn lại.
Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 19-11-2016 trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương. |
Tòa cũng xác định chiếc xe đầu kéo BKS 98C - 07917, rơmoóc BKS 89R - 004.85 do Hoàng điều khiển là thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hiếu Thảo, do vậy công ty này phải có trách nhiệm bồi thường thay cho bị cáo Hoàng.
Ngoài ra, bị cáo Ngô Văn Sơn và bị cáo Lê Ngọc Hoàng phải có trách nhiệm hỗ trợ tiền chăm sóc ông Trần Thế Khoa (nạn nhân trong vụ tai nạn, hiện đang trong tình trạng sống thực vật) mỗi tháng 10 triệu đồng kể từ tháng 12-2016 cho đến khi ông Khoa chết. Trong đó, bị cáo Sơn chịu trách nhiệm 7 triệu đồng và bị cáo Hoàng chịu trách nhiệm 3 triệu đồng.
Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này cũng là hồi chuông cảnh báo cho những ai vẫn còn coi thường Luât Giao thông, coi thường tính mạng của chính mình cũng như tính mạng của người khác. Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông cần tuân thủ các quy định về luật giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi đường, cũng để giảm thiểu trách nhiệm dân sự và hình sự khi có sự cố tai nạn xảy ra trên đường.
Tác giả: Việt Cường
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn