Nghị định quy định, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư; có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Có bộ máy chuyên trách cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên; cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động...
Nghị định quy định, doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi lao động tại lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị giới thiệu với phía Đài Loan, được xem xét giới thiệu với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan đi làm việc tại Đài Loan.
Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 2 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị giới thiệu với phía Nhật Bản, được xem xét giới thiệu để đưa người lao động đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.
Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm giúp việc gia đình tại nước tiếp nhận thuộc khu vực Trung Đông không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong vòng 2 năm, tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị lần đầu.
Theo Nghị định này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyết định việc cấp, đổi, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận người lao động Việt Nam bị phía nước tiếp nhận lao động trục xuất, hoặc bị buộc về nước theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ Công an xử lý kịp thời các hành vi đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, hoặc lợi dụng hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đưa người Việt Nam sang nước ngoài với mục đích khác. UBND cấp tỉnh hiện quản lý Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2020.
Tác giả: Nguyễn Hưng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn