Trả lời: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, chính thức có hiệu lực từ 15-4.
Theo đó, các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ như chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ năm tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 200 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy nổ.
Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị. b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau: a) Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật. b) Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. c) Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.
Về mức phí bảo hiểm, nghị định quy định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân tỷ lệ phí bảo hiểm.
Căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tỷ lệ phí bảo hiểm không thấp hơn tỷ lệ phí bảo hiểm.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Tác giả: Ban PL-BĐ
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn