Trong số 21 quả pháo nổ tự chế được thu giữ, có 18 quả pháo đã hoàn thiện, cùng với khoảng 01kg hỗn hợp chất bột dùng để chế tạo pháo nổ tự chế được H cất giữ tại nhà. Ngày 20/12/2023, tại cơ quan Công an, M.T.H sinh năm 2008 trú tại xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn khai nhận: Những nguyên vật liệu làm pháo được H đặt mua bằng các ứng dụng điện thoại di động shoppee, lazada… và cách làm cũng được H thực hiện theo hướng dẫn trên mạng xã hội.
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng gần Tết, tình trạng thanh thiếu niên học sinh mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi học cách tự chế pháo để sử dụng trái phép vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ về những vụ tai nạn thương tích do pháo gây nên. Hậu quả đó không chỉ cá nhân phải gánh chịu mà để lại gánh nặng cho toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ANTT trên địa bàn.
Khi đốt các loại pháo không được phép hoặc đốt pháo khi chưa đủ 18 tuổi, đốt pháo mua ở những nơi không được phép bán… Người dân có thể bị phạt tiền. Về hình phạt bổ sung, người đốt pháo trái phép sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài ra, khi có pháo để đốt trái phép, hầu hết người mua sẽ vi phạm thêm quy định tàng trữ, mua pháo, thuốc pháo trái pháp luật. Ngày 31/12/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Theo quy định tại Điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp 5 lần so với mức phạt cũ. Nếu là tổ chức vi phạm quy định, thì mức phạt sẽ cao gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân./.