Ngày 6/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai trong lực lượng Công an toàn tỉnh. 100% huyện, thành phố, xã, phường, tổ dân phố thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của Tổ công tác triển khai, thực hiện Đề án 06 trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại Công an các huyện, xã.
Hiện nay Công an tỉnh đã triển khai, thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, trong đó có: 11 dịch vụ công của Bộ Công an, Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 2.681 hồ sơ và 5.460 hồ sơ thuộc 14 dịch vụ công của Sở, ngành. Tập trung phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực hiện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích của Đề án về: Giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế xã hội; phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đến nay đã có 49 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD để khám, chữa bệnh; cập nhật 598 trường hợp thuộc diện trợ cấp Covid-19 theo Nghị Quyết 68, chi trả trợ cấp cho 360 trường hợp với số tiền trên 300 triệu đồng. Đến ngày 18/5/2022, toàn tỉnh đã thu nhận 263.136 hồ sơ CCCD đạt 95.1%; cấp 1.2025 tài khoản định danh điện tử cho Công dân; thu nhận 1.635 hồ sơ CCCD cho người sinh năm 2004, 2007 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Công tác tuyên truyền về Đề án được công an các đơn vị, địa phương thực hiện trực tiếp với công dân đến thực hiện các thủ tục hành chính; qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; phát động phong trào; phương tiện thông tin đại chúng; trên không gian mạng, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội được người dân sử dụng nhiều như Zalo, facebook. Các lỗ hổng bảo mật được phát hiện kịp thời và khắc phục thành công, đảm bảo an ninh an toàn đường truyền dữ liệu.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định: Đối với dịch vụ Công trực tuyến mức độ quan tâm, sử dụng của các tổ chức, cá nhân chưa cao. Phần lớn do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, hạn chế trong tiếp cận các ứng dụng công nghệ; sử dụng số điện thoại không chính chủ, vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại hoặc mạng internet không ổn định ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện…
Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu: Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ cần sáng tạo trong thực hiện, khắc phục khó khăn về con người, cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tạo sự thống nhất cao trong phối hợp trao đổi thông tin cũng như đưa ra giải pháp thực hiện một cách đồng nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với cấp cơ sở. Các thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên tự kiểm điểm vai trò và nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng tham mưu đối với Ban chỉ đạo tỉnh./.