Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) cho 7 di tích. Theo đó, di tích Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Tối 29/1, tại Khu Di tích chiến thắng Xương Giang, UBND tỉnh long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang. Tham dự buổi lễ có: Ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; Bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam… cùng hàng nghìn người dân và du khách.
Trong diễn văn khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Trưởng Ban Tổ chức Tuần Văn hoá du lịch năm 2020 ôn lại Chiến thắng Xương Giang oanh liệt cách đây 593 năm. Gần 600 năm trước, khi dân tộc Đại Việt còn chìm trong ách đô hộ của nhà Minh, từ vùng đất Lam Sơn, người anh hùng Lê Lợi cùng nhiều nghĩa sĩ đã dấy cờ khởi nghĩa.
Giữa năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã mở rộng, củng cố vùng giải phóng, thừa thắng kéo quân ra Bắc bao vây thành Đông Quan. Tướng nhà Minh là Vương Thông cố thủ tại đây và xin triều đình cử 15 vạn quân cứu viện. Nhận thấy thành Xương Giang nằm ở vị trí trọng yếu, cửa ngõ phía Bắc tiến về Đông Quan nên Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ tham mưu nghĩa quân đã quyết định hạ thành nhằm chặt đứt con đường cứu viện của địch.
Cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn tiến hành vây hãm thành Xương Giang. Thành Xương Giang bị hạ trước khi Liễu Thăng kéo 10 vạn quân tới biên giới Việt - Trung chỉ 10 ngày, thời gian vừa đủ để quân và dân ta chuẩn bị chiến đấu với lực lượng viện binh hùng hậu của địch.
Trên đường tiến về giải cứu Đông Quan, ngày 10-10-1427, Liễu Thăng cùng hơn 1 vạn quân địch bị quân ta mai phục tiêu diệt tại ải Chi Lăng. 5 ngày sau đó, tướng Lương Minh cùng viện binh khi tới Cần Trạm lại bị quân ta vây đánh. 3 ngày sau, trong trận Hố Cát, hàng vạn quân giặc tiếp tục bị ta tiêu diệt.
Sau khi bị chặn đánh ở Chi Lăng, Cần Trạm, Hố Cát, tuy bị thất bại nặng nề nhưng quân Minh do Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Hoàng Phúc chỉ huy vẫn cố liều chết tiến về thành Xương Giang nhưng khi về tới đây thì thành đã bị quân ta đánh chiếm, giặc phải đắp luỹ cố thủ ở ngoài đồng chờ đạo quân thứ hai do Mộc Thạnh cầm đầu đến ứng cứu. Ngày 3-11-1427 nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích quân Minh ở Xương Giang. Toàn bộ tướng lĩnh chỉ huy từ Thôi Tụ, Hoàng Phúc, Sử An, Trần Dung... cùng hàng vạn quân lính bị bắt hoặc bị ta tiêu diệt.
Chiến thắng Xương Giang đã ghi thêm chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc, chấm dứt 20 năm đô hộ của nhà Minh đối với nước Đại Việt. Lễ hội chiến thắng Xương Giang được tổ chức trọng thể vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm.
Cùng với Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, tỉnh Bắc Giang cũng khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2020 với chủ đề “Bắc Giang - Vùng đất thiêng Tây Yên Tử”.
Được biết, Tuần Văn hoá du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2020 diễn ra từ ngày 29/1 đến hết ngày 12/2 (tức từ ngày mùng 5 đến hết ngày 19 tháng Giêng năm Canh Tý).
Anh Thế
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn