Mùa đông năm 1984, tôi được ban giám đốc Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội mời tham gia giảng dạy lớp văn học của Cung. Tôi rất mừng vì được đem kiến thức của mình truyền dạy cho lớp trẻ.
Nhưng tôi nghĩ, tôi phải có một sự ra mắt với tư cách là một người thày thế nào thật riêng biệt. Tôi lại vừa được nhà thơ Định Hải tặng một tập thơ thiếu nhi của ông. Mở ra đọc, tôi thấy quá tâm đắc với bài thơ “Bao nhiêu điều lạ”.
Tôi thấy hoàn toàn có thể hát bài thơ này lên được: “Én có gì lạ - Báo mùa xuân sang - Đất có gì lạ - Cánh mai vàng ươm…” Nhưng để không phải là hát thơ (poet sing) mà là ca khúc cho thiếu nhi, tôi đã thêm chữ “và” vào trước chữ “đất”: “Én có gì lạ - Báo mùa xuân sang - Và đất có gì lạ - Cánh mai vàng ươm…” Từ đó tôi hình thành được đoạn đầu ca khúc.
Tận dụng thơ Định Hải, tôi cho hát lại giai điệu bằng thi ảnh trong bài thơ của ông; “Nắng có gì lạ - sáng bừng không gian - và gió có gì lạ - thắm khăn quàng bay…” Nhưng nếu chỉ đến thế với đoạn đầu ở nhịp 6/8, bài thơ chưa thể biến thành ca khúc được. Bởi vậy, tôi đã viết thêm đoạn sau ở nhịp 2/4 với tiết tấu Disco sôi nổi: “Có bao nhiêu điều lạ - Trong những ngày xuân sang - Có bao nhiêu điều lạ - Ngời sáng tuổi thơ em.”
Viết xong ca khúc, tôi rất tự tin về món quà này. Ngày tôi trình làng ở Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội thì không phải là trình làng chỉ một lớp văn học mà với tất cả các học sinh của Cung, rất đông. Tôi đã ôm guitar hát “Mùa xuân bao điều lạ” say sưa và được tặng lại một không gian pháo tay của các em khiến tôi ứa nước mắt vì cảm động.
Ngay mùa xuân 1985, “Mùa xuân bao điều lạ” đã được vang lên trên làn sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi sau đó là trên VTV. Từ đó “Mùa xuân bao điều lạ” trở thành giai điệu ấu thơ cho bao thế hệ đến ngày hôm nay. Cảm ơn Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội đã cho tôi một thăng hoa ấu thơ để đời.
Theo "Mùa xuân bao điều lạ" - Nguyễn Thụy Kha
(Trích “Nhâm Nhi Tết”, NXB Kim Đồng, 2019)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn