Không những tham quan, mua sắm những tấm lụa mượt mà, tại festival này, du khách sẽ được xem các nghệ nhân đến từ các tỉnh thành trong nước trình diễn kỹ thuật dệt lụa truyền thống của làng mình. Như làng dệt thổ cẩm Lũng Tám từ Hà Giang sẽ trình diễn những sắc màu kỳ lạ cho những người chuyên sưu tập thổ cẩm phải kinh ngạc.
Thổ cẩm làng Lũng Tám đã làm ngẩn ngơ du khách bởi má hồng sơn nữ bên khung dệt. Từ những bộ áo váy truyền thống, người làng Lũng Tám đã làm nên các sản phẩm hiện đại cho người phố như áo gối, ví, khăn rất đẹp...
Ví như làng lụa Nhữ Xá trình diễn kỹ thuật bí truyền nhuộm lụa từ thảo mộc thiên nhiên và những giá trị đã được các nhà khoa học thừa nhận. Làng đũi Nam Cao từ vứt khung dệt ra chuồng trâu được những người trẻ đầu tư, mở thị trường nay đã đưa sản phẩm ra thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang) thường sử dụng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau để làm ra sản phẩm khăn choàng, xà rông, hay các bức họa, khăn trải bàn phỏng theo các sự tích truyện cổ với sự thay đổi và phối màu chỉ một cách công phu...
Du khách tham quan và mua sắm tại festival lụa
Tùy độ khó của các sản phẩm mà thời gian dệt sẽ khác nhau. Một trong những bí quyết tạo màu sắc đẹp chất lượng cao là các nghệ nhân làng nghề đã dùng chất liệu tự nhiên để chế thuốc nhuộm, nhờ đó làm cho lụa óng ả mượt mà hơn.
Đồng bào dân tộc Thái sinh sống ở tỉnh Nghệ An vẫn phát triển nghề truyền thống ươm tơ và dệt lụa tơ tằm ở quê hương. Các nghệ nhân thuộc làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến đang làm nghề cổ truyền nhiều trăm năm, với những hoa văn truyền thống, đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức phi chính phủ giúp đỡ để xây dựng thành làng nghề phục vụ du lịch tại Nghệ An.
Các nghệ nhân Chăm ở Ninh Thuận trình diễn dệt thổ cẩm với các hoa văn của trang phục cưới Chăm. Đoàn nghệ nhân Cơtu Quảng Nam sẽ giới thiệu văn hóa Cơtu thông qua nghệ thuật thổ cẩm và những khung dệt cổ truyền được gìn giữ đưa từ Tây Giang đến Hội An.
Các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật ươm tơ, dệt lụa
Ở festival làng lụa lần này, các làng lụa trong Nam ngoài Bắc đã khẳng định sự phát triển mới, đem máy móc vào dệt kiểu truyền thốngtrình diễn cho khách xem để giới thiệu mô hình làng nghề gắn với du lịch.
Dường như các làng nghề đã có một con đường phát triển dựa vào du lịch, dựa vào những doanh nhân trẻ khai phá thị trường và dựa vào sự sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ đang say mê lụa Việt.
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn