Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, theo chiều dài lịch sử Việt Nam, ngày trước lụa chỉ dành cho vua chúa và những người có chức sắc, các tiểu thư, những người có địa vị trong xã hội; chính vì vậy cả một hệ thống dệt tơ tằm đi theo họ.
Trải qua chiều dày lịch sử, chất lượng của lụa Việt Nam cũng phát triển theo và đã có những làng lụa được hình thành để phục vụ cho hệ thống đó. Nhưng đến thời nay, rất nhiều năm người ta quên đi, trước tiên vì người ta quen dùng vải sợi tổng hợp, vì đời sống nó thế, người ta quên bẵng Việt Nam có chất liệu lụa rất đẹp và rất có giá trị.
Tại festival lụa này, tập hợp tất cả những loại lụa từ những làng nghề về như: Lụa Nha Xá (hiện nay thị phần lụa Nha Xá bao trùm cả khu vực miền Bắc nhưng không ai biết Nha Xá là ai cả, đó là một loại lụa rất tốt nhưng không ai biết đó là Nha Xá); còn ở miền Nam còn có lụa Bảo Lộc họ còn xuất khẩu đi Nhật, họ may Kimono cho Nhật vì thế chất lượng của lụa rất cao.
“Câu chuyện lụa Việt Nam ngày hôm nay, tại festival lụa này nó có một ý nghĩa lớn, đó chính là từ truyền thống họ đưa đến hiện đại và ngày hôm nay những con người đi theo con đường này họ có được những giá trị, khẳng định được những giá trị nhất định của họ”, bà Minh Hạnh chia sẻ.
Trong câu chuyện lụa ngày hôm nay mình có được những gì? Bà Minh Hạnh cho rằng, chất lượng mình tốt rồi nhưng mình thiếu sự nối kết giữa nhà thiết kế, vì nếu như không có kết nối được sự sáng tạo của nhà thiết kế thì lụa cũng chỉ là mảnh vải, không nói lên được một cái tinh thần gì cả và không toát lên được những giá trị của lụa.
Trước tiên vì lụa rất đắt, nếu như không có thiết kế đúng thì lụa trở nên cũ kĩ và nó sẽ bị lãng quên thì đó chính là mục đích của việc gầy dựng lên được, những người yêu nghề họ đã mày mò tìm kiếm, khám phá ra.
Theo bà Minh Hạnh, giai đoạn thứ 2 là giai đoạn họ sẽ kết hợp với những người làm thiết kế để có thể tạo ra những sản phẩm mới và kích thích thị trường.
“Lụa thật ra là một cô gái đẹp đỏng đảnh và kiêu kỳ, cho nên để giữ gìn được lụa là cả một vấn đề của mình, bây giờ chính công nghệ đã làm cho cô gái đẹp đỏng đảnh, kiêu kì ấy bớt vẻ đỏng đảnh đi mà trở nên thân thiện hơn và vẫn là giữ chất sang trọng của nó. Chính công nghệ và thiết kế cho mình được tính năng của lụa như hiện nay, thực ra tất cả mục đích rồi cũng dẫn đến việc khẳng định giá trị của các thương hiệu lụa của Việt Nam và mở rộng được thị trường”, bà Minh Hạnh khẳng định.
Bà Minh Hạnh trao đổi với PV
Hiện nay lụa Việt Nam đã xuất khẩu đi Nhật Bản và các nước khác nhưng bà Minh Hạnh hy vọng người Việt trong nước sẽ dùng lụa nhiều hơn, vì lụa thích nghi với môi trường, trời nóng mặc sẽ mát, trời lạnh mặc sẽ ấm.
“Đó là một sản phẩm của Việt Nam vậy mà mình bỏ quên, mình lại đi xài những thứ gì gì đó, quan trọng là việc kích cầu cho được người Việt sử dụng. Mà muốn dùng được mình lại không hô hào, phong trào nữa mà mình phải chứng minh được rằng chất lượng của lụa là như thế này, mẫu mã của lụa hấp dẫn và giá cả hợp lý… Đó là những cái mà mình phải đặt để vào trong đấy”, bà Minh Hạnh nói.
Bà Hạnh đưa một ví dụ bà đang mặc áo lụa làm bằng tay của làng Nam Cao Thái Bình, những người nghệ nhân 70-80 tuổi họ vẫn còn sống, họ cứ ngồi tuốt tơ ở trong nước lạnh và có thể dệt được thế này.
Hoặc như lụa Nha Xá bao trùm cả một vùng miền Bắc tuy không có thương hiệu nhưng nó đã được xuất đi rất nhiều qua một số đơn hàng của các nhà thiết kế và họ đã làm những loại áo mặc cho mùa hè.
“Muốn khẳng định được mình phải có sự hội tụ trong một festival như thế này và mình đưa ra những mẫu mã mới. Lần này các nhà thiết kế cần chung tay với các nghệ nhân để làm cho lụa có một diện mạo mới và hấp dẫn hơn đối với công chúng”, bà Minh Hạnh chia sẻ.
Tác giả: C.Bính-Q.Thắng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn