Trận đấu diễn ra dưới điều kiện thời tiết tương tự, cùng thời điểm giữa Thái Lan và Mông Cổ, trong khuôn khổ bảng H, cũng thuộc vòng loại U23 châu Á, phải lùi khoảng 1 giờ đồng hồ, vì mặt sân Supachalasai tại Bangkok lênh láng nước.
Khác biệt lớn nhất giữa trận cầu diễn ra tại Bangkok và trận đấu ở sân Thống Nhất nằm ở chỗ trọng tài điều khiển trận Thái Lan – Mông Cổ là ông Rowan Arumughan (Ấn Độ) đủ dũng khí để cho trận đấu tạm hoãn, trong khi trọng tài Yu Ming Hsun (Đài Bắc Trung Hoa) không có cái dũng khí đấy.
Về cơ bản, điều kiện mặt sân Thống Nhất và sân Supachalasai trong 2 trận đấu vừa nêu là y hệt nhau: Mưa trắng trời, sân sũng nước, bóng không thể lăn.
Chúng ta đang nói về môn bóng đá, cầu thủ vào sân để đá bóng, mà khi bóng không thể lăn, thì cầu thủ không thể đá bóng và người xem không thể thưởng thức một trận bóng đá đúng nghĩa.
Nhưng bóng trên sân Thống Nhất vẫn bị buộc phải lăn (nói chính xác hơn là bị buộc phải… bay), dẫn đến hàng loạt rủi ro, thậm chí nguy hiểm có thể nẩy sinh.
Đặt trường hợp trận đấu dưới điều kiện thời tiết như thế, nhưng trọng tài và BTC trận đấu vẫn buộc 2 đội thi đấu ở các giải châu Âu như Anh, Ý hay Tây Ban Nha, thì nhà tổ chức gặp phiền phức, thậm chí đối diện với nguy cơ bị kiện tụng từ nhiều phía chứ chẳng chơi.
Đầu tiên đó là rủi ro về mặt sức khoẻ cho cầu thủ, nguy cơ đụng chạm đến quyền lợi của các công ty bảo hiểm (mà thường thì giá trị bảo hiểm đôi chân của các cầu thủ ở châu Âu lên đến nhiều triệu USD).
Thứ nhì là rủi ro quá lớn đối với hình ảnh của giải đấu và hình ảnh của nhà tài trợ. Và thứ ba là ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thưởng thức của người xem, những đã trực tiếp mua vé vào xem một trận bóng đá cấp độ châu lục, chứ không phải vào xem các cầu thủ... tát nước bằng chân, trên một mặt sân bì bõm nước.
Tiếc sau khi trọng tài người Đài Bắc Trung Hoa thiếu dũng khí và cũng không linh hoạt trong việc vận dụng luật, cả hai HLV của 2 đội là các ông Nguyễn Hữu Thắng (U22 Việt Nam) và Kim Shin Hwan (Đông Timor) dù đều nhất loạt than phiền về thời tiết, về mặt sân sau trận đấu, nhưng không ai lên tiếng bảo vệ sức khoẻ cầu thủ của mình ngay trong quá trình trận đấu diễn ra, dưới điều kiện thời tiết vừa nêu.
Đặc biệt là HLV Nguyễn Hữu Thắng, người thường xuyên than về điều kiện sân tập, điều kiện sân thi đấu, than về các ca chấn thương của cầu thủ trong tay mình suốt từ giải này qua giải khác, từ năm ngoái đến năm nay, nhưng đứng trước sự việc cần lên tiếng, trước các quan chức AFC, ông lại… im re.
Còn nhớ, 2 năm trước, cũng tại vòng loại U23 châu Á ở sân Shah Alam ở Selangor - Malaysia, người tiền nhiệm của HLV Hữu Thắng là HLV Miura từng đấu tranh mạnh mẽ cho quyền lợi của các cầu thủ, khi gặp cơn mưa lớn lúc đang đá với Macau (Trung Quốc), khiến bóng không thể lăn.
Những nhân vật khác cần được nhắc đến ở đây chính là các quan chức VFF xuất hiện hàng loạt ở sân Thống Nhất tối 19/7, những người bình thường rất… oai khi đụng đến các vấn đề thời sự của bóng đá trong nước, đến khi đối diện với thiếu sót trầm trọng từ giải đấu lại chọn giải pháp im lặng.
Tác giả: Trọng Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn