Trong 2 bàn thắng của Công Phượng vào lưới Đông Timor tối 19/7, một bàn là đến từ pha đá phạt đền, xem như không cần bàn sâu. Bàn còn lại là tình huống đi bóng từ cánh trái vào trung lộ rồi dứt điểm vào góc hẹp.
Công Phượng có thể nhanh chân trong tình huống vừa nêu, cũng có thể thủ môn Augosto Da Silva của Đông Timor đổ người chậm, hoặc cả hai. Vấn đề là, nếu đánh giá Công Phượng nhanh chân, thì phải hỏi tiếp ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam nhanh chân hơn ai?
Nói như HLV kỳ cựu Lê Thuỵ Hải, cứ phải chờ đến trận gặp Hàn Quốc hãy khen U22 Việt Nam cũng chưa muộn. Tức là Đông Timor yếu quá, cầu thủ của đội bóng này như cầu thủ học sinh thì việc nhanh hơn họ, đi bóng qua họ là điều đương nhiên, dưới con mắt của người làm chuyên môn.
Đặt trường hợp nếu gặp đối thủ khác, trước những hàng phòng ngự khác, Công Phượng có đi bóng qua người hàng loạt như trước Đông Timor hay không? Có đảm bảo được việc giữ bóng rất lâu nhưng không bị mất bóng hay không?
Nhìn lại quá trình Công Phượng khoác áo các đội tuyển Việt Nam trong khoảng 2 năm qua, không khỏi giật mình khi số trận mà tiền đạo đang khoác áo HA Gia Lai chơi hay lại ít hơn hẳn các trận anh đá vật vờ. Số lần anh làm mất bóng và mất nhịp tấn công của đồng đội trong các trận quan trọng lại nhiều hơn hẳn số lần anh toả sáng từ những pha giữ bóng của mình.
Thỉnh thoảng cũng có lúc Công Phượng thi đấu rất bùng nổ, nhưng thường thì đấy là trong các trận cầu với những đối thủ yếu, còn ở các trận quan trọng, trước những đội bóng có thể tranh chấp với U22 Việt Nam hoặc đội tuyển Việt Nam, Công Phượng chủ yếu… “tắt điện”.
Cụ thể Công Phượng cực kỳ mờ nhạt trong trận bán kết gặp Myanmar tại SEA Games 28 năm 2015, sau khi đã chơi rất hay trước chính đối thủ này ở trận… giao hữu trên sân Cẩm Phả trước đó ít tuần. Công Phượng cũng gần như mất hút tại AFF Cup 2016.
Không thể đòi hỏi mọi cầu thủ, nhất là các cầu thủ tấn công phải chơi hay trong mọi trận đấu, ở mọi tình huống. Tuy nhiên, đặc điểm của mẫu cầu thủ dạng Công Phượng là anh chỉ hiệu quả khi nổi bật ở trên sân, chứ anh không phải dạng tiền đạo chơi vật vờ, nhưng lại bất thần có các bàn thắng quyết định, kiểu Trần Minh Chiến, Huỳnh Quốc Cường hay Phan Thanh Hùng ngày trước.
Cái khó nữa trong việc đánh giá Công Phượng còn nằm ở chỗ 2 năm qua, Công Phượng lên tuyển và nhận suất đá chính không phải nhờ phong độ ở giải vô địch quốc gia, mà nhận suất đá chính nhờ cái tên… Công Phượng.
Thành ra, người ta càng khó đánh giá cầu thủ nổi tiếng nhất nước có phải là cầu thủ hiệu quả hay không? Có phải là mẫu cầu thủ tối cần thiết với đội tuyển hay không? Vì kỳ thực người ta cũng chưa thấy đội tuyển nếu không dùng Công Phượng sẽ mạnh hơn hay yếu đi, do Công Phượng lúc nào cũng được đá chính?
Sẽ là vô nghĩa nếu Công Phượng cứ tiếp tục là ngôi sao của các trận cầu chênh lệch về mặt đẳng cấp, về mặt trình độ, nhưng lại mất hút trong những trận đấu quan trọng, có tính quyết định. Nếu Công Phượng làm được điều ngược lại, tức là chứng tỏ khả năng của mình trước các đối thủ mạnh, tin rằng sự nghi ngờ về năng lực thực của cầu thủ này sẽ tự nhiên mất đi!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn