>> Kỳ trước: Trăm năm lịch sử thời trang nhìn từ sàn catwalk
Xuất hiện mối quan hệ giữa nhà mốt danh tiếng và ngôi sao nổi tiếng
Năm 1952, nhà thiết kế Hubert de Givenchy giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên của mình. Khi đó, mối quan hệ hợp tác thân thiết giữa Givenchy và minh tinh điện ảnh Audrey Hepburn đã giúp ông nhận được nhiều sự chú ý.
Givenchy đã thiết kế phục trang cho vai diễn của Audrey Hepburn trong những bộ phim nổi tiếng như “Sabrina” (1954) hay “Breakfast at Tiffany’s” (1961). Mối quan hệ giữa Givenchy và Audrey Hepburn trở thành một hình mẫu lý tưởng cho sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi” giữa nhà tạo mốt và các ngôi sao. Cho tới hôm nay, mối quan hệ dạng này vẫn rất thăng hoa.
Xuyên suốt thập niên 1960, các show trình diễn thời trang vẫn còn được tổ chức khá kín đáo, nhiều nhà mốt vẫn bị nỗi lo sợ sao chép thiết kế gây ám ảnh, vì vậy, họ thường không mời nhiếp ảnh gia tới chụp hình.
Năm 1956, một nhà thiết kế người Pháp có tên Gaby Aghion - người sáng lập ra thương hiệu Chloé, đã mời giới báo chí tới quán café để giới thiệu bộ sưu tập đầu tay của mình. Đó là một cuộc gặp gỡ thân mật, cởi mở đầu tiên, đầy tính tiên phong, rời xa khỏi không gian salon kín đáo của nhà mốt và hình thành nên sự tương tác không thể thiếu giữa thời trang và truyền thông.
Sự xuất hiện và lớn mạnh của đồ may sẵn
Mặc dù thời trang cao cấp vẫn thống trị, nhưng vào năm 1960, một nhóm các nhà mốt, trong đó có Carven và Nina Ricci đã bắt đầu cho ra mắt những bộ sưu tập đồ may sẵn. Đến năm 1966, nhà thiết kế Yves Saint-Laurent cũng mở cửa hiệu chuyên bán đồ may sẵn.
Sự khởi đầu của catwalk hiện đại
Hồi thập niên 1970, thời trang may sẵn còn lấn át cả thời trang cao cấp “haute-couture”, sàn catwalk lúc này thực sự trở thành nơi phô diễn các bộ sưu tập mới, khác hẳn thái độ e dè của các nhà mốt trước đây khi không dám mời phóng viên và nhiếp ảnh gia tới chụp hình show.
Tại Paris, có quá nhiều nhà thiết kế giới thiệu bộ sưu tập mới hai lần một năm vào vụ xuân/hè và thu/đông, nên đến năm 1973, Hiệp hội Thương mại Thời trang Pháp đã được thành lập để hợp nhất các show. Đây chính là sự ra đời của Tuần lễ Thời trang Paris.
Sự phục hưng của thời trang Châu Âu
Hồi đầu thập niên 1980, London (Anh) trở thành tâm điểm của sức sáng tạo thời trang. Nhà thiết kế Vivienne Westwood trở thành cá tính độc đáo, mới lạ của thời trang Anh. Những show của Vivienne Westwood gây tranh cãi, có những yếu tố… sống sượng, là một sự chống đối lại những chuẩn mực truyền thống của giới thời trang trước đó.
London bỗng trở thành điểm đến mới của thời trang, nơi luôn có những xu hướng mới hoặc nổi đình đám, hoặc gây tranh cãi. Lúc này, các nhà mốt bắt đầu tận dụng sàn catwalk với những chiêu thức mới để thu hút sự chú ý.
Nếu London là điểm đến để tìm kiếm những tài năng mới, thì Paris trong thập niên 1980-1990 là trái tim văn hóa tinh hoa của thời trang. Tháng 4/1981, Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto đến từ Nhật thực hiện show ra mắt ở Paris, với phong cách thiết kế có chất “quái dị”, đi ngược lại sự bóng bẩy, gợi cảm mà các nhà mốt Paris vốn hướng đến trước đó.
Kỷ nguyên của siêu mẫu
Thập niên 1990, sự chú ý chuyển dịch từ show và nhà thiết kế sang người mẫu, với những siêu mẫu đình đám trở thành nhân vật thống trị sàn catwalk, thu hút sự quan tâm lớn.
Lạ lẫm những không gian tổ chức show thời trang
Năm 1989, nhà thiết kế người Bỉ Martin Margiela trở thành một trong những nhà tạo mốt tiên phong “ngó lơ” những chuẩn mực trong cách tổ chức show diễn thời trang. Trước đó, các nhà mốt thường tổ chức trình diễn trong không gian rộng rãi, lịch sự; còn Margiela lựa chọn một sân chơi dành cho trẻ em đã cũ nát, xuống cấp, nằm ở ngoại ô Paris (Pháp).
Không gian biểu diễn không có ghế ngồi, người dân và trẻ nhỏ ở gần đó được mời tới xem trình diễn. Các người mẫu bước đi như thể họ đang đi bộ bình thường trên phố. Sân khấu với lối sắp đặt tự do, phóng khoáng, bớt đi tính hình thức, khuôn mẫu đã trở thành một ý tưởng được nhiều nhà mốt khác học theo.
Năm 1996, nhà tạo mốt Alexander McQueen tổ chức show diễn trong không gian nhà thờ ở thành phố London (Anh). Đây được xem là một sự kiện đánh dấu mốc, khi thời trang giờ đây không chỉ còn đơn thuần là váy áo. Thời trang giờ là sự tổng hòa của không gian, địa điểm, không khí, tinh thần mà một nhà mốt chuyển tải tới người dự show.
Kỷ nguyên công nghệ số và sự tác động tới thời trang
Công nghệ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các show thời trang. Năm 1998, nhà thiết kế người Áo Helmut Lang là một trong những người đầu tiên tận dụng Internet, Lang đã giới thiệu show thu/đông của mình trên mạng.
Nhớ lại thời điểm ấy, Lang nhận định: “Tôi đã cảm nhận thấy về một kỷ nguyên mà Internet sẽ phát triển lớn mạnh hơn những gì người ta có thể hình dung, vì vậy, tôi đã nghĩ đó là khoảnh khắc thích hợp để thử thay đổi quan niệm thông thường trong giới thiệu show thời trang”.
Về sau, năm 2010, nhà tạo mốt người Anh Alexander McQueen trở thành nhà thiết kế đầu tiên “livestream” show trình diễn của mình. Sang năm sau, đã có nhiều nhà thiết kế ở Tuần lễ Thời trang New York cũng “livestream” show diễn của họ.
Giờ đây, khi một show thời trang diễn ra, cư dân mạng trên khắp thế giới rất có thể theo dõi trực tiếp qua mạng, nếu chương trình không được “livestream” một cách bài bản bởi nhà mốt, hay các kênh truyền thông, thì rất có thể sẽ được giới thiệu thông qua các tài khoản mạng xã hội của các khách dự show.
>> Kỳ trước: Trăm năm lịch sử thời trang nhìn từ sàn catwalk
Tác giả: Bích Ngọc Theo Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn