Tại VCK giải U23 châu Á hồi tháng 1 năm nay ở Trung Quốc, Quang Hải là tác giả của bàn thắng giúp U23 Việt Nam dẫn trước Hàn Quốc 1-0 (chung cuộc chúng ta thua ngược 1-2), là tác giả của bàn thắng duy nhất giúp đội bóng của HLV Park Hang Seo đánh bại Australia 1-0 ở vòng bảng.
Đến vòng knock-out, Quang Hải ghi cả 2 bàn vào lưới Qatar, giúp đội tuyển U23 Việt Nam từ chỗ 2 lần bị dẫn trước, gỡ hoà 2-2, rồi đánh bại đối phương trong loạt sút luân lưu.
Trong trận chung kết giải đấu ấy ở thành phố Thường Châu (Trung Quốc), Quang Hải là tác giả của bàn thắng gỡ hoà 1-1 cho đội tuyển U23 Việt Nam vào lưới Uzbekistan, tiếc rằng đội thua chung cuộc 1-2 trong hiệp phụ.
Chưa dừng lại tại đây, Quang Hải tiếp tục ghi bàn duy nhất, giúp Olympic Việt Nam đánh bại Nhật Bản 1-0 tại vòng bảng nội dung bóng đá nam Asiad 2018.
Dẫu biết Nhật Bản không mang thành phần mạnh đến với Indonesia, họ chỉ dùng lứa cầu thủ U21, tức kém các đội bóng khác 2 – 3 tuổi. Tuy nhiên, đánh bại đại diện của bóng đá Nhật Bản ở một giải chính thức tầm châu Á chưa bao giờ là điều dễ dàng với bóng đá Việt Nam.
Chỉ trong vòng 7 tháng, Quang Hải chọc thủng lưới 5 đại diện của 5 nền bóng đá hàng đầu châu Á gồm Hàn Quốc, Australia, Qatar, Uzbekistan và Nhật Bản, điều hiếm có cầu thủ Việt Nam nào làm được trong sự nghiệp.
Điều đáng nói nữa là các bàn thắng của Quang Hải đến từ những cách thức khác nhau, khi cần cầu kỳ thì cầu thủ này biết cách cầu kỳ khiến đối phương phải trầm trồ, lúc cần đơn giản lại cực kỳ đơn giản.
Những bàn thắng hoặc đến từ những tình huống cố định, hoặc cũng có thể đến từ những pha bóng “sống”, tức là rất đa dạng về tình huống, không rập khuôn và thể hiện sự thích ứng với tính chất của từng đối thủ, tính chất của từng thời điểm.
Ví dụ như những pha kết thúc 1 chạm vào lưới Hàn Quốc và Australia, khi thời gian và không gian dứt điểm là rất hạn hẹp dành cho người nhận bóng và kết thúc (cụ thể là Quang Hải), lúc lại là pha ngoặt bóng đến 2 lần để làm… “trôi” toàn bộ hệ thống phòng ngự của Qatar, theo cách cầu kỳ nhất mà đối phương không thể đoán được ý đồ của Quang Hải, trước khi anh vuốt một đường bóng như cầu vồng vào lưới đội bóng Tây Á.
Hoặc chỉ cần đơn giản là đá bóng thật nhẹ nhưng chính xác vào lưới Nhật Bản, khi thủ môn của đối thủ đã lỡ bộ. Hay nắn nót từng động tác, chỉnh vị trí đặt bóng đến từng cm, để thực hiện pha đá phạt hàng ràng vào lưới Uzbekistan.
Vì Quang Hải không có một kiểu đi bóng hoặc dứt điểm rập khuôn, nên đối thủ càng khó đoán ý đồ của cầu thủ này. Là người rất giỏi về kỹ thuật, nhưng Quang Hải không lạm dụng kỹ thuật như một vài ngôi sao khác của bóng đá nội, là cầu thủ ngôi sao, nhưng Quang Hải không tự đặt mình vào tư thế ngôi sao khi thi đấu, không đá để chờ đồng đội phục vụ, mà đá để phục vụ toàn đội.
Đá thấp hơn rất nhiều tiền đạo trong đội tuyển U23 Việt Nam và giờ là Olympic Việt Nam, nhưng Quang Hải ghi nhiều bàn thắng đẹp và bàn thắng quan trọng hơn bất kỳ tiền đạo nào khác. Thành danh nhờ vai trò đá cánh, nhưng Quang Hải lại có thể đảm đương vị trí tiền vệ tổ chức, và chơi sáng tạo hơn bất kỳ tiền vệ sáng tạo nào của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Ngay đến cựu HLV Nguyễn Thành Vinh dù rất kiệm lời nhưng vẫn thẳng thắn đánh giá: “Sở dĩ Olympic Nhật Bản không sắc bén bằng Olympic Việt Nam vì họ thiếu một cầu thủ sáng tạo cỡ như Quang Hải của chúng ta!”.
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn