Là người từng có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học, ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện triển lãm nội tạng và cơ thể người tại TP.HCM đang gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận?
Triển lãm về cơ thể con người không phải mới xuất hiện trên thế giới. Cách đây hơn 40 năm, tôi có dự một cuộc triển lãm mang tên “Người đàn bà thủy tinh” tại Hà Nội. Đó là hình một người phụ nữ trong suốt làm bằng chất liệu nhựa, bên trong có các bộ phận giải phẫu học như: tim, gan, phổi, lách, ruột… Mọi người muốn chiêm ngưỡng hiện vật này phải đi vòng quanh để xem.
Hiện vật ấy do nước Cộng hòa Dân chủ Đức mang sang triển lãm tại Việt Nam và sau đó tặng lại cho Đại học Y Hà Nội đặt trong Viện Giải phẫu học để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy. Nước Đức là một đất nước rất nổi tiếng về làm những mẫu vật ấy để phục vụ cho giảng dạy và học tập.
Thời điểm đó, khi đi xem triển lãm đặc này, tôi cảm thấy rất khoái chí bởi được nhìn thấy tận mắt cơ thể của một con người và vỡ ra bao nhiêu điều về những bộ phận bên trong cơ thể người.
Sau này, khi học lên cao hơn, trong phòng thí nghiệm của trường tôi có treo những bộ xương hoặc những tranh giải phẫu học để dạy cho học sinh về cơ thể con người… Tôi thấy đó là những trưng bày rất tiến bộ, có ích cho việc giáo dục, không có gì phản cảm cả. Đó là một cách giảng dạy về khoa học một cách nghiêm túc.
Thời gian sau, có dịp tôi sang Paris - Pháp để trình bày một báo cáo khoa học về con người và môi trường. Trong chương trình, tôi được mời đến dự một cuộc hội thảo khá lớn tại Bảo tàng Con người. Tại bảo tàng này, họ có trưng bày một số vật mẫu về sự hình thành của con người từ lúc ra đời, trưởng thành đến lúc qua. Trong đó, có những vật mẫu biểu thị cho giá trị con người về giải phẫu học, y học, xã hội học… Có những vật mẫu họ làm rất giống cơ thể người và trưng bày một cách rất khoa học.
Lần này, lúc đầu tôi không quan tâm lắm vì triển lãm tổ chức ở TP.HCM. Nhưng khi xem thông tin và hình ảnh qua báo chí, cả clip phỏng vấn đại diện BTC, tôi nhận thấy triển lãm này có mấy vấn đề không ổn.
Vậy dưới góc nhìn của ông, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” có những gì không ổn, thưa ông?
Thời tôi có dịp được cộng tác với các vị giáo sư đầu ngành của Đại học Y Dược Hà Nội như GS Đỗ Xuân Hợp, GS Nguyễn Quang Quyền… là những người đã rất tâm huyết với bộ môn giải phẫu, tôi thấy các cụ dạy sinh viên rất kỹ về việc tôn trọng xác người trong y học. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp đo đạc hàng trăm sọ người trong Viện Giải phẫu học và hướng dẫn một số sinh viên về cơ thể người cũng nhấn mạnh với sinh viên việc tôn trọng xác người là một đạo đức trong y học.
Ở các nước phương Tây và phương Đông, khi giảng dạy cho sinh viên học về bộ môn này đều dạy sinh viên biết tôn trọng cơ thể. Hàng năm, ngành y đều có một ngày lễ để sinh viên ngành y tưởng nhớ đến những người đã hiến xác cho y học. Ngay người làm trong y học cũng rất ý thức và kính cẩn đối với những người đã hiến thân xác để phục vụ cho khoa học.
Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” lần này lại không như thế. Họ dùng ngôn từ rất khôn ngoan theo kiểu hù dọa người ta hút thuốc lá có hại như thế nào, bệnh ung thư nguy hiểm ra sao… Nhưng theo tôi, không thiếu gì cách để giáo dục người dân về sự nguy hại của thuốc lá hoặc thực phẩm độc hại gây ung thư.
Việc lấy xác người thật ra để phô diễn và dọa dẫm là hành vi thiếu văn hoá. Ít nhất là nó không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam từ xưa tới nay đều có truyền thống tôn trọng những người đã quá cố và họ không bao giờ làm những điều “phanh thây xẻ xác” người đã mất ra như thế. Trong trường hợp này, tôi cho rằng, họ đã mang xác người ra làm trò đùa. Có nhiều vật mẫu không thể hiện được giá trị nào về mặt khoa học cả.
Theo ông, triển lãm này liệu gây ảnh hưởng hoặc gây tác động tiêu cực gì đối với người xem?
Theo tôi, đây là một thứ văn hóa quái dị của một nhóm người quái dị mà họ thích trường phái ấy. Đại diện cho BTC triển lãm này có lí giải đã từng mang đi nhiều nước triển lãm và được các nước cho phép nhưng thực tế là có nhiều nước họ cấm. Cụ thể, nước Úc họ từng cấm triển lãm này. Tôi cho rằng, việc họ đưa triển lãm này vào Việt Nam là với mục đích kinh doanh không lành mạnh.
Việc triển lãm đáng ra phải được cấp phép theo đúng quy trình mà ông Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phát biểu thẳng là BTC từng đến xin Cục cho triển lãm ở tòa nhà Keangnam - Hà Nội nhưng Cục không đồng ý vì không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tôi cho rằng, ông Cục trưởng Vi Kiến Thành có cách nhìn đúng.
Ông Cục trưởng Vi Kiến Thành đã nói thế rồi nhưng tại sao BTC triển lãm này lại xoay được vào TP.HCM để xin Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cấp phép cho triển lãm mà lại triển lãm ngay Nhà Văn hóa Thanh niên. Đây là một hành động vi phạm pháp luật. Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người đã cấp phép cho tổ chức triển lãm cuộc triển lãm này.
Ở những khía cạnh khác, tôi thấy những vật mẫu trưng bày rất phản cảm. Từ những bào thai trong bụng mẹ đến những hài nhi vừa ra đời. Đó là một sự bẩn thỉu về tư duy, bẩn thỉu về đạo đức cho nên tôi không tán thành cuộc triển lãm này. Tôi không thấy giá trị giáo dục nào ở cuộc triển lãm này cả. BTC tổ chức đã cố đánh vào sự tò mò của người xem để mà bán vé chứ chẳng có ý nghĩa giáo dục gì ở đây cả. Nếu giáo dục kiểu đó thì cũng là lối giáo dục bẩn thỉu, không thể chấp nhận được.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn