Trong buổi họp báo thường kỳ Quý II/2018 diễn ra chiều nay (5/7), trả lời báo chí về quan điểm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trước sự phản ứng của dư luận đối với triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” diễn ra từ 21/6 và dự kiến kéo dài tới 31/12 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM, bà Trần Thị Thu Đông - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, đầu năm 2018, đơn vị tổ chức triển lãm đến từ Hàn Quốc có đến Cục xin tổ chức triển lãm này tại Hà Nội.
Tuy nhiên, do xét thấy triển lãm này nhạy cảm và hình ảnh quá ám ảnh đối với người xem nên Cục đã từ chối cấp phép. Bên cạnh đó, Cục cũng xét thấy triển lãm không phải triển lãm ảnh, tranh, tượng… mà là triển lãm nội tạng và cơ thể người, cái này lại không thuộc lĩnh vực quản lý của Cục nên Cục đề nghị đơn vị tổ chức có thể xin cấp phép ở Bộ Y tế hoặc một đơn vị nào đó.
Bà Thu Đông cho rằng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có chức năng quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có các nghị định quản lý mảng mỹ thuật và nhiếp ảnh còn định quản lý triển lãm hiện chưa có. Cục đang xây dựng dự thảo nghị định về triển lãm để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Liên quan đến câu hỏi “Liệu Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM có được quyền cấp phép tổ chức triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người”?, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, chiều qua (4/7), Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có trao đổi nhanh với Bộ.
Sau khi trao đổi đã thống nhất gửi văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM báo cáo quá trình cấp phép và giải pháp xử lý vấn đề này trước những dư luận trái chiều. Vào ngày mai (6/7), đích thân Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ vào TP.HCM để xem xét triển lãm, làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM và BTC triển lãm rồi có báo cáo độc lập trình Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
“Triển lãm này từng diễn ra ở nhiều quốc gia. Các quốc gia đều có những phản ứng hai chiều, trong đó ý kiến phản đối nhiều hơn ủng hộ…”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, việc cấp phép này do Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM thực hiện nên Bộ sẽ chờ báo cáo chính thức mới đưa ra ý kiến.
Trước đó, triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người) đã được nhựa hóa bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn giác người. Triển lãm 2 tầng chia thành 8 khu với các chủ đề: hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh. Giá vé để vào xem triển lãm được niêm yết với mức giá 200.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi triển lãm diễn ra đã vấp phải nhiều sự phản đối từ phía người dân lẫn giới chuyên môn. Nhiều người dân đến xem triển lãm cho rằng, họ không cảm nhận được tính giáo dục từ triển lãm mà chỉ cảm thấy rùng rợn, sợ hãi và ám ảnh.
TS. Vũ Thế Long - người đã có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học cho rằng, triển lãm là một sự bẩn thỉu về tư duy, bẩn thỉu về đạo đức… và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại bày tỏ, việc lấy cơ thể người ra để trưng bày - triển lãm như thế là thiếu sự nhân văn, nhân bản. Và ông không ủng hộ lối làm triển lãm phi nhân tính như thế. Bản thân ông khi xem những hình ảnh trong triển lãm không thấy nghệ thuật mà lại cảm thấy rùng rợn lẫn ám ảnh.
Ông Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ, TT & XH) chia sẻ, cần kịch liệt lên án những kẻ đem xác người để kinh doanh, phục vụ mục đích thương mại nhưng lại được che đậy dưới cụm từ “vì khoa học”.
“Xét về tâm linh và đạo đức của người Á Đông, không có người chồng nào nhẫn tâm hiến thi thể của vợ và đứa con chưa sinh của mình để phục vụ khoa học và cũng không có bố mẹ nào nhẫn tâm hiến thi thể đứa bé sơ sinh của mình để người khác nhìn ngó như thế này”, ông Nguyễn Trọng Anh bức xúc.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn