Vẽ lại ý tưởng của người khác?
Mở đầu phiên tòa, đại diện bị đơn cho rằng phía nguyên đơn không đưa ra được bất cứ một chứng cứ, lập luận nào để chứng minh ông là tác giả.
Theo phía bị đơn, trước khi ông Linh vào làm việc cho công ty Phan Thị thì bị đơn đã có ý tưởng khai thác các đề tài điển tích nhân vật được truyền tụng, lưu danh trong truyền thống dân gian Việt Nam thành các bộ truyện tranh cho thiếu niên, nhi đồng.
Theo phía bị đơn, ông Linh từng chào hàng nhiều tác phẩm hình vẽ nhưng nhà xuất bản từ chối. Trong thời gian thử việc, ông Linh đã vẽ thử truyện tranhThánh Thiên nhưng không được chấp nhận do hình vẽ không đạt yêu cầu.
Sau đó, bà Hạnh đã gợi ý cho ông Linh vẽ phác 30 nhân vật dân gian và đích thân kèm ông Linh vẽ lại 4 hình ảnh nhân vật chính của chủ đề Thần Đồng Đất Việt cho đúng với hình dung của bà Hạnh.
Bà Hạnh không phải là họa sĩ nên cần người giúp tái hiện hình tượng các nhân vật này ra thế giới vật chất. Quá trình vẽ lại này cần sự tham gia của nhiều người, trong đó có ông Linh.
Trong văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả, ông Linh khẳng định trên cơ sở ký ức tuổi thơ và các mối quan hệ cộng đồng xung quanh, ông đã xây dựng ra 4 nhân vật chính.
Tuy nhiên, theo bị đơn, ông Linh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng các nhân vật của ông Linh không sử dụng ngôn ngữ miền Nam, trong bối cảnh Nam bộ, mà bối cảnh và ngữ thoại của các tập truyện chủ yếu là bối cảnh về ngôn ngữ miền Bắc.
Về phía nguyên đơn, họa sĩ Lê Linh vẫn giữ quan điểm cho rằng các biến thể do Phan Thị sáng tạo từ những nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo phải xin phép, hỏi ý kiến tác giả là ông nếu có chỉnh sửa trên tác phẩm gốc. Tuy nhiên, theo luật sư Vân Nam, trong trường hợp này không cần hỏi ý kiến Lê Linh vì quyền chủ sở hữu thuộc về công ty Phan Thị.
Họa sĩ Lê Linh bật khóc
“Tôi kính mong tòa xem xét kĩ lưỡng, cân nhắc đầy đủ các chi tiết để đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lí và công bằng. Bởi, quyết định này rất quan trọng đối với tôi cũng như các cộng sự. Tôi đã theo đuổi vụ kiện này 12 năm và có lí do của nó”, họa sĩ Lê Linh bật khóc.
Ngay lập tức đại diện của bị đơn phản bác: “Tranh chấp quyền tác giả giữa nguyên đơn và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, thực chất là tranh chấp quyền tác giả có mục đích lợi nhuận. Nguyên đơn là nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động với công ty Phan Thị của bà Hạnh, có nhiệm vụ vẽ minh họa các hình ảnh. Việc ký kết hợp đồng lao động với nhiệm vụ cụ thể như vậy, đã xác định mục đích của bà Hạnh là được sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, có thể xuất hiện trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ của nguyên đơn, để kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận cho công ty của mình”.
Còn phía luật sư nguyên đơn lại bác bỏ: “Với nội dung xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm, không đồng nghĩa là khi tác phẩm được hoàn thành thì ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả vì 2 người được giao nhiệm vụ nhưng vẫn có trường hợp chỉ có 1 người thực hiện, người kia thì không. Và thực tế cho thấy, chỉ có ông Linh là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, còn bà Hạnh chỉ góp ý, hỗ trợ thì không được công nhận là tác giả. Đáng lẽ Cục Bản quyền tác giả phải phát hiện ra sự việc này khi xem xét hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả cho Phan Thị. Có thể Cục Bản quyền đã sai sót khi chưa xem xét kỹ hồ sơ đã chấp nhận cấp Giấy chứng nhận cho Công ty Phan Thị và ghi nhận ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả”.
Vì tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa, đại diện Viện KSND TPHCM sẽ phát biểu quan điểm về vụ án trong thời gian tới.
Xuân Duy
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn