Sáng nay (25/1) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra buổi họp báo về Hội chữ Xuân Kỷ Hợi. Theo đó, Hội chữ Xuân năm nay sẽ diễn ra từ 29/01 đến 17/2. Lễ khai mạc và triển lãm thư pháp diễn ra vào hồi 16h ngày 29/01 tức ngày 24 tháng Chạp năm Mậu Tuất.
Hàng ngày mở cửa đón khách đến xin chữ và tham gia các hoạt động từ 08h00 đến 20h00. Riêng đêm ngày 30 tết hoạt động đến 02h00 ngày mùng 01 tết. Các ngày mùng 1, 2 và mùng 3 tết sẽ hoạt động đến 22h00.
Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trưởng BTC Hội chữ Xuân cho biết, công tác khảo tuyển được tổ chức nghiêm túc và minh bạch. Đã tuyển chọn được 39/68 người viết thư pháp có trình độ vào viết tại Hội chữ Xuân. Trong đó, 37 người chuyên về chữ Hán – Nôm, 2 người chuyên về chữ Quốc ngữ.
“Mục đích của Hội chữ Xuân là nâng cao thư pháp và hướng tới trình độ thẩm mỹ cho người dân. Những năm trước, không gian tổ chức được bố trí dọc hai bên Văn Miếu – Quốc Tử Giám nên rất chật chội và khó kiểm soát. Vì thế, năm nay BTC sẽ đưa tất cả các hoạt động của Hội chữ Xuân vào khu vực hồ Văn để bài trí một cách hài hoà, có điểm nhấn.
Tất cả các ông đồ khi tham gia Hội chữ Xuân đều phải ký một bản cam kết với những quy chế mang tính ràng buộc với BTC. Bất kỳ ai vi phạm quy chế đều sẽ bị đình chỉ tại chỗ và đình chỉ vĩnh viễn. Ngày xuân, chúng ta đi xin chữ để hướng tới những gì tốt đẹp trong ngày xuân mà có ứng xử không đẹp thì phải loại bỏ”, ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Kiêu, tâm lý của người dân mỗi khi đi xin chữ đầu xuân là thích được xin chữ của những người cao tuổi. Vì thế, BTC vẫn mời những người khảo tuyển là những bậc cao tuổi tham gia.
Bên cạnh việc viết chữ - cho chữ thì Hội chữ Xuân Kỷ Hợi còn có cả triển lãm với chủ đề “Văn hiến”. Chủ đề nhằm hướng tới tôn vinh, đề cao những giá trị tinh thần, phát huy truyền thống văn hiến nghìn năm và khích lệ các thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, thể hiện trách nhiệm kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong khuôn viên Hội chữ Xuân sẽ trưng bày 30 bức thư pháp chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ có kích thước quy định.
Bên cạnh các hoạt động chính, du khách khi đến với Hội chữ Xuân còn có cơ hội được tham gia trải nghiệm và tìm hiểu các quy trình làm giấy dó; Tìm hiểu về ba dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàn;
Tham quan các gian hàng làng nghề truyền thống như: lụa tơ tằm, sơn mài, khảm trai, mây tre đan nghệ thuật, gốm sành sứ, hoa, cây cảnh, mâm ngũ quả ngày tết và các chương trình lễ hội hoa chữ, nghệ thuật, trò chơi dân gian.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chữ Xuân còn có lễ hội hoa đăng thả đèn xuống mặt hồ với mong muốn cho một năm mới An khang - Thịnh vượng - Như ý. Các chương trình ca nhạc dân gian tổng hợp, quan họ, ca trù, hát xẩm, hát xoan, bài chòi, chèo, chầu văn…
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn