Sau khi tổ chức hôn lễ, các cặp đôi mới cưới thường sẽ cùng nhau tận hưởng một kỳ nghỉ gọi là “trăng mặt”, tiếng Anh là “honeymoon”. “Trăng mật” là thời điểm để các cặp đôi dành trọn thời gian cho nhau, tạm thời quên đi tất cả những gì thuộc về cuộc sống thường nhật mà họ sẽ bắt đầu phải cùng nhau đối diện sau khi trở về từ kỳ nghỉ “trăng mật”.
Nhưng tại sao lại gọi là… “trăng mật”? Chuyến đi này thực ra có gì liên quan tới mật và tới trăng? Và truyền thống “trăng mật” sau hôn lễ từ đâu mà có, có từ khi nào?
Thực tế, “trăng mật” thoạt tiên không liên quan gì tới một chuyến đi, hay một kỳ nghỉ. Từ này thoạt tiên được dùng không liên quan gì tới ý nghĩa hiện tại của nó.
“Trăng mật” được ghi nhận lần đầu xuất hiện trong một cuốn thơ tiếng Anh cổ, viết năm 1546, tác giả là biên kịch kiêm nhà thơ người Anh John Heywood. Trong một bài thơ, khi Heywood nói về tình yêu và nghệ thuật, ông đã sử dụng cụm từ “trăng mật” để nói về cảm giác vui vẻ.
Lần tiếp theo từ “trăng mật” được tìm thấy trong một văn bản, là trong cuốn tự truyện viết năm 1592, bởi nhà soạn kịch người Anh Robert Greene. Trong một câu chuyện, nhà soạn kịch có viết: “Sau cùng, cặp đôi lấy nhau, ngày đó trôi qua với những điệu nhảy và trăng mật kéo dài một tháng”.
Từ “trăng mật” được dùng trong câu văn của biên kịch Robert Greene để chỉ về quãng thời gian kéo dài một tháng sau khi hai người lấy nhau. Cách sử dụng ở đây đã phần nào nói lên ý nghĩa của từ “trăng mật” đang được nói đến.
Có “mật” bởi đây là giai đoạn ngọt ngào. Có “trăng” bởi hàm ý về một tuần tăng, nghĩa là một tháng - một tháng của những điều ngọt ngào, hạnh phúc. Ngoài ra, hình ảnh trăng tròn, trăng khuyết trong một chu kỳ cũng là hình ảnh giàu tính biểu tượng để nói về tình cảm lứa đôi.
Sau những lần được ghi nhận xuất hiện trong văn bản này, từ “trăng mật” bắt đầu được người dân Anh nói riêng và người dân nhiều nước phương Tây sử dụng để chỉ quãng thời gian mới cưới của một cặp đôi sau hôn lễ.
Dù vậy, phải tới 200 năm sau “trăng mật” mới trở thành một từ gắn với ý nghĩa về một kỳ nghỉ, một chuyến đi. Ý nghĩa này lần đầu xuất hiện vào năm 1791, trong một tuyển tập truyện ngắn của tác giả người Đức - Johann Karl August Musäus.
Trong một câu chuyện, tác giả có nhắc tới từ “trăng mật” và một kỳ nghỉ ở xa: “Cặp đôi mới cưới dành trăng mật của mình ở Augspurg trong niềm hạnh phúc lứa đôi và niềm vui giản dị, như cặp đôi đầu tiên được ở trong vườn Địa đàng”.
Một văn bản cổ nữa cũng ghi nhận sự sử dụng từ “trăng mật” với ý nghĩa gắn liền với một chuyến đi, là trong một cuốn truyện được viết bởi nữ nhà văn người Anh Maria Edgeworth, xuất bản tại London hồi năm 1804.
Trong cuốn truyện có câu: “Ông bà Ludgate bước xuống tàu để tới Margate, tận hưởng trăng mật theo đúng phong cách thời thượng”. Có thể thấy kể từ thời kỳ này, cách sử dụng từ “trăng mật” bắt đầu gắn liền với những chuyến đi và trùng khớp với ý nghĩa của từ này trong đời sống văn hóa đương đại hôm nay.
Tác giả: Bích Ngọc Theo Insider
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn