Khi tiếng huýt sáo là âm giai nghệ thuật

Thứ bảy - 08/04/2017 16:45
Nếu bạn huýt sáo hay, điều đó có nghĩa bạn mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ. Trong âm nhạc, dù ít được nhắc đến, nhưng tiếng huýt sáo cũng là một thứ âm giai nghệ thuật đặc biệt và người nghệ sĩ huýt sáo hay trên thế giới này không có nhiều.

Khi tiếng huýt sáo là âm giai nghệ thuật

Đôi khi, nữ nghệ sĩ người Mỹ Molly Lewis (27 tuổi) cảm thấy thật khó để có thể giải thích cho người đối diện hiểu chính xác nghề nghiệp của cô là gì, sẽ thật kỳ khôi khi nói “tôi là một người huýt sáo”, nhưng đó lại chính là những gì mà Lewis làm thường ngày.

Molly Lewis là một trong số ít những nghệ sĩ huýt sáo chuyên nghiệp trên thế giới, cô thường được mời biểu diễn… huýt sáo trong các buổi hòa nhạc. Đối với Molly, huýt sáo là sự pha trộn giữa âm thanh tự nhiên và điều kỳ diệu thuộc về tâm hồn.

Thường khi phải giải thích về nghề nghiệp của mình, để khỏi phải nói nhiều, cô liền “vui miệng” huýt một điệu sáo ngắn dành tặng cho người đối diện. Thực tế, ai cũng có thể tập huýt sáo và đều có thể huýt được, nhưng khi là một nghệ sĩ huýt sáo chuyên nghiệp, đòi hỏi phải luyện tập nghiêm túc và có thể biểu đạt các cao độ, các tình cảm rất đa dạng.

Tiếng huýt sáo điêu luyện của những nghệ sĩ huýt sáo đích thực có thể là một thứ âm giai tuyệt đẹp mà không một thứ nhạc cụ nào có thể bắt chước.

Molly biểu diễn “Điệu nhảy của những linh hồn hạnh phúc” trong vở opera “Orpheus và Eurydice” của nhà soạn nhạc người Pháp C.W. Gluck

Molly là một trong rất ít nghệ sĩ trên thế giới nâng tầm huýt sáo lên thành bộ môn nghệ thuật. Ở Los Angeles, nơi cô sinh sống và hoạt động nghệ thuật, Molly thường biểu diễn huýt sáo trực tiếp trên sân khấu, tham gia các buổi hòa nhạc, và thu âm cho nhạc phim…

Thần tượng của cô là cố nghệ sĩ huýt sáo khiếm thị người Mỹ Fred Lowery (1909-1984), người từng rất nổi tiếng hồi thập niên 1930 và đã có những bản thu đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng âm nhạc Billboard của Mỹ. Sinh thời, ông Lowery từng nói: “Huýt sáo là một món quà phép thuật, cho thấy rằng thực sự có nơi nào đó trên thế giới này vốn dành cho phép thuật”.

“Huýt sáo còn là một bộ môn nghệ thuật thiên bẩm, bởi bạn không thể nào học huýt sáo theo một chuẩn mực cụ thể, đó thực sự là thứ phép thuật kỳ diệu để nghe và để nhìn”, Molly chia sẻ thêm.

Molly lần đầu biết rằng trên thế giới này có những bậc thầy huýt sáo sau khi được xem bộ phim tài liệu “Pucker Up” (2005) kể về những người huýt sáo cừ khôi tham gia một cuộc thi quốc tế dành riêng cho những người yêu huýt sáo.

Khi tiếng huýt sáo là âm giai nghệ thuật - Ảnh minh hoạ 2
Nữ nghệ sĩ huýt sáo người Mỹ Molly Lewis

Sau đó, cô lại được cha mẹ tặng một album của nghệ sĩ huýt sáo người Mỹ Steve Herbst. Thoạt tiên, cha mẹ của Molly tặng con gái đĩa phim và album huýt sáo như một sự khích lệ, bởi cô huýt sáo khá nhiều. Nhưng cha cô đã nhìn thấy ở con gái tài năng thực thụ và rất nghiêm túc hứa với cô rằng sẽ đưa con tới dự cuộc thi huýt sáo cấp quốc tế.

Đến năm 2012, hai cha con thu xếp để cùng đến thị trấn nhỏ Louisburg thuộc bang Bắc Carolina, nơi diễn ra sự kiện tổ chức thường niên dành cho những người yêu huýt sáo từ khắp nơi trên thế giới đến đọ tài, sự kiện đã được tổ chức từ năm 1973.

Dù vậy, tại thời điểm năm 2012, Molly mới chỉ là người thích huýt sáo, chưa phải một nghệ sĩ chuyên nghiệp, cô không hề có ý định biến việc huýt sáo trở thành một nghề để theo đuổi. Việc đến dự cuộc thi của những người yêu huýt sáo đã giúp Molly có trải nghiệm về một cộng đồng kỳ lạ, ít được biết đến.

Những người theo đuổi huýt sáo nghiêm túc không có nhiều, sự kiện tổ chức thường niên tại thị trấn Louisburg là một trong rất ít sự kiện để những người yêu huýt sáo được gặp gỡ, giao lưu. Không giống như những nhạc công khác, người yêu huýt sáo phải tự học, tự rèn luyện, mỗi người có phong cách đặc trưng riêng, khó bắt trước.

Khi tiếng huýt sáo là âm giai nghệ thuật - Ảnh minh hoạ 3

Mỗi năm, có khoảng vài chục người từ khắp nơi tìm về Louisburg để trong vòng 3 ngày cùng nhau biểu diễn, đó là một cuộc chơi rất đa dạng, rất kỳ lạ. Về sau, Molly đã nhập cuộc và đã tham gia dự thi dù không đoạt giải. Nhưng việc được biết đến một cộng đồng yêu huýt sáo đã giúp cô có thêm động lực để theo đuổi sở thích có phần kỳ quặc của mình.

Molly chuyển tới sống ở Los Angeles và bắt đầu hợp tác với các đoàn phim. Việc mà Molly thường nhận làm là lồng tiếng huýt sáo cho nhạc phim hoặc cho nhân vật. Molly tin rằng kinh đô điện ảnh hẳn phải có nhu cầu đối với biệt tài huýt sáo của cô, bởi như trong phim của vị đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino, ông rất thích sử dụng tiếng huýt sáo.

Đúng như Molly dự đoán, không khó tìm việc khi sở hữu một biệt tài “hiếm có khó tìm”. Rất nhanh chóng, Molly thậm chí còn có thừa việc để làm…

Nếu bạn huýt sáo hay, điều đó có nghĩa bạn đang mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ. Trong âm nhạc, dù ít được nhắc đến, nhưng tiếng huýt sáo cũng là một thứ âm giai nghệ thuật đặc biệt và người nghệ sĩ huýt sáo hay trên thế giới này không có nhiều.

Tiếng huýt sáo trong một phân cảnh của “Kill Bill Volume 1” (Cô dâu báo thù 1 - 2003)

Nghệ sĩ huýt sáo chuyên nghiệp người Hà Lan Geert Chatrou huýt sáo bản “Der Holle Rache” trong vở opera “Cây sáo thần” của nhà soạn nhạc người Áo Mozart

Tác giả: Bích Ngọc Theo Atlas Obscura/Rolling Stone

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây