TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi?

Thứ bảy - 29/09/2018 12:53
Dinh Thượng thơ nay là Sở Thông tin - Truyền thông được xây dựng từ thế kỷ XIX sẽ bị đập bỏ nếu phương án cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của chính quyền TPHCM được triển khai (nơi làm việc của 8 cơ quan, với hơn 1.800 người). Song nhiều nhà khoa học cho rằng công trình cần được bảo tồn vì mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, kiến trúc đô thị.

Ngày 28/9, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tổ chức hội thảo “Đánh giá giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc tại địa điểm 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1” - tòa nhà Sở Thông tin – Truyền thông TP.

TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi?
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Toàn cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, báo cáo UBND TPHCM

Tại đây, chuyên gia sử học Trần Hữu Phúc Tiến cho biết qua các tài liệu trong và ngoài nước mà ông bỏ công thu thập, nghiên cứu thì tòa nhà Sở Thông tin - Truyền thông hiện nay, trước đây có tên gọi là Dinh Thượng thơ mang ý nghĩa về nhiều mặt: kiến trúc, lịch sử, văn hóa, không gian đô thị…

Theo ông Tiến, nền đất Dinh Thượng thơ là một dấu tích quan trọng của Thành Gia Định và là dấu tích tiêu biểu của thời kỳ người Việt bắt đầu khai phá, thành lập Sài Gòn. Vào mùa xuân 1790, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) cho xây Thành Gia Định tại vùng đất cao thuộc địa phận làng Tân Khai - một trong 40 ngôi làng đầu tiên của người Việt trên đất Sài Gòn.

Vùng đất này được người Pháp gọi là Đồi Thành lũy. Đây là khu đất trải rộng từ rạch Thị Nghè xuống đến đường Đồng Khởi ngày nay. Đỉnh đồi là khu vực đài truyền hình thành phố hiện giờ, chân đồi là khu vực công viên Chi Lăng, bao gồm Dinh Thượng thơ.

TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi? - Ảnh minh hoạ 2
Dinh Thượng thơ nay là Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, nằm ở góc đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (ảnh: Google maps)

Căn cứ vào các sử liệu, ô đất giáp ranh đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Lê Thánh Tôn ngày nay chính là đất của pháo đài ở cổng thành phía Nam, mang tên Càn Nguyên của Thành Gia Định. Năm 1860, người Pháp đã quy hoạch làm đất xây dựng Dinh Thượng thơ và đằng sau dinh này là Dinh Xã Tây (nay là trụ sở UBND TPHCM).

“Đây là vị trí cao thuận lợi xây công thự. Đường Lý Tự Trọng nối một mạch cơ quan quan trọng của chính quyền Nam Kỳ và Sài Gòn lúc đó, khoảng cách chỉ là đi bộ thôi. Ví dụ như trường Trần Đại Nghĩa trước là Dinh Soái phủ Nam Bộ. Từ đó đi bộ mấy bước là tới Dinh Thượng thơ - cơ quan quan trọng thứ 2 sau Dinh Thống đốc (bây giờ là Bảo tàng TP), Khám Lớn (giờ là thư viện Tổng hợp), Sở Học chánh (bây giờ là Sở Giáo dục)…”, ông Tiến nói.

Chuyên gia sử học đánh giá đây là quy hoạch khu hành chính hoàn chỉnh. Dấu tích mở đầu của lịch sử hành chính đô thị và hành chính quốc gia hiện đại.

TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi? - Ảnh minh hoạ 3
Dinh Thượng thơ đứng trước nguy cơ bị đập bỏ (ảnh: Nguyễn Quang)

Từ đó, ông Tiến đề nghị không chỉ bảo vệ, tôn tạo Dinh Thượng thơ mà nên mở rộng ra là bảo vệ không gian xưa của Sài Gòn. “Không chỉ hoài cổ, thương tiếc Sài Gòn xưa mà cũng là có sản phẩm du lịch, giáo dục văn hóa lịch sử cho thế hệ trẻ. Trong tình hình thành phố thiếu sản phẩm du lịch thì việc bảo tồn khu vực này và Dinh Thượng thơ giúp có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Hậu - Tổng thư ký Hội Sử học TPHCM - cho biết đã hơn 130 năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, tòa nhà Dinh Thượng thơ ở góc đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác đã biến mất.

Dinh nằm ngay ở trung tâm thành phố mà xung quanh là Nhà hát TP, tòa án, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, trụ sở UBND TP… Tất cả những công trình này có mỹ thuật cao, có nhiều chuyện lịch sử gắn liền. “Đó chính là giá trị truyền thống, lịch sử, ký ức của Dinh Thượng thơ trong tổng thể khu vực cảnh quan trung tâm thành phố”, bà Hậu nói.

TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi? - Ảnh minh hoạ 4
TS Nguyễn Thị Hậu đề nghị cần sớm đưa Dinh Thượng thơ vào danh sách bảo tồn

Từ đó, TS Hậu đề nghị cần nhanh chóng đưa Dinh Thượng thơ vào danh mục kiểm kê di tích để đánh giá toàn diện giá trị của công trình. Đồng thời, lấy ý kiến của nhân dân vì “di sản là tài sản và ký ức” của nhiều thế hệ cộng đồng cần được bảo vệ và di truyền cho đời sau. Gìn giữ tòa nhà không chỉ về phương diện văn hóa mà còn là chiến lược kinh tế, bởi di sản cũng làm ra giá trị kinh tế.

“Sự mất mát về di tích vật chất là tòa nhà, con đường hay bùng binh, cây xanh… không đáng sợ bằng mất mát ký ức, mất đi một phần lịch sử đồng thời là tình cảm của cộng đồng và du khách đối với thành phố”, bà Hậu chia sẻ.

Dưới góc nhìn quy hoạch phát triển đô thị, TS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc UBND TPHCM mở rộng trụ sở làm việc, tập trung một số sở, ngành, với hơn 1.800 con người tại khu vực trung tâm dễ gây áp lực lớn cho giao thông.

Ông Chính đặt vấn đề tại sao thành phố không mở rộng trung tâm hành chính ở khu đô thị mới Thủ Thiêm mà lại chọn ở ô phố Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn.

Thành phố phải giữ gìn nguyên trạng, bảo tồn Dinh Thượng thơ, không nên làm biến dạng công trình này để phát huy giá trị hơn nữa trong tương lai và quy hoạch chi tiết không gian khu vực này để có cái nhìn tổng thể về không gian kiến trúc đô thị.

TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi? - Ảnh minh hoạ 5
TS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - đặt vấn đề chính quyền TPHCM mở rộng trụ sở, tập trung đông người gây áp lực giao thông khu vực trung tâm

Ông Chính phân tích, thành phố có nhiều cách để cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của chính quyền. Hơn nữa, với việc xây dựng đô thị thông minh, tư tưởng cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, cách điều hành của chính quyền thành phố sẽ có thay đổi, người dân cũng suy nghĩ khác về hành chính. Do đó, thành phố cần cân nhắc vì xã hội, người dân rất quan tâm việc bỏ hay tồn tại Dinh Thượng thơ.

Mới đây, Đại sứ Bruno Angelets, Trưởng phái bộ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị bảo tồn và không phá hủy tòa nhà cổ này.

Bên cạnh nhiều ý kiến bảo tồn Dinh Thượng thơ thì cũng có đại biểu đề nghị cần có đánh giá khách quan hơn về giá trị của công trình này, xét trong bối cảnh chính quyền thành phố cần mở rộng trụ sở làm việc.

Ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng bảo tồn công trình này chỉ vì lý do có tuổi đời trên 100 năm và tổ chức lấy ý kiến của người dân, chuyên gia để gây áp lực là thiếu khách quan.

Theo ông, một công trình nằm ở ngay quận 1, sau lưng UBND TP mà bị bỏ quên không xếp hạng và không được tôn trọng là điều đáng suy nghĩ. Có thể vì công trình chưa đủ sức hấp dẫn, chưa gây ấn tượng cho cộng đồng, nghĩa là “giá trị nơi chốn đô thị” chưa đạt.

“Người dân thành phố, các nhà khoa học, các kiến trúc sư rất ít người biết đến công trình này và trong ký ức của họ không tồn tại hình ảnh của một công trình di sản”, ông Vạn nhận định.

TPHCM: Vì sao phải bảo tồn Dinh Thượng thơ hơn 130 tuổi? - Ảnh minh hoạ 6
Ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng cần đánh giá khách quan việc gìn giữ Dinh Thượng thơ trong bối cảnh mở rộng trụ sở UBND TPHCM (ảnh: Nguyễn Quang)

Theo ông, nếu TPHCM cần mở rộng trụ sở thì việc giữ lại công trình cổ này sẽ cản trở cho dự án xây dựng một tổ hợp đủ tầm, đủ tỷ lệ phù hợp với khu đất và yêu cầu sử dụng. Việc dịch chuyển công trình này vào bên trong như phương án thiết kế trước đây của một đơn vị nước ngoài cũng là cách bảo tồn tồn tuy không giữ nguyên vẹn.

Hội thảo ghi nhận ý kiến của 15 chuyên gia, nhà khoa học. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Toàn cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ, báo cáo UBND TPHCM.

Tác giả: Quốc Anh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây