Đó là khẳng định của nhà nghiên cứu Phạm Tấn, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa tại Hội thảo khoa học: “Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và phát huy, bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa”.
Hội thảo khoa học lớn nhất trong nhiều năm qua
Sáng 29/9, UBND huyện Lang Chánh phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học: “Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và phát huy, bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa”.
Hội thảo có đại diện của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Di sản Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, các sở, ban, ngành và huyện Lang Chánh. Hội thảo là sự kiện văn hóa, hoạt động khoa học lớn nhất của huyện Lang Chánh trong nhiều năm qua.
Lang Chánh là vùng đất cổ, có quá trình giao thoa, tiếp biến và hội nhập về văn hóa lâu đời giữa các tộc người Thái, Mường và Kinh.
Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (KNLS) (1418-1427), nhân dân huyện Lang Chánh đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc khởi nghĩa.
Ngày nay, nhiều ngọn núi, dòng sông, con suối, bản làng của Lang Chánh vẫn còn in đậm dấu chân nghĩa quân Lam Sơn (NQLS); nhiều địa danh do Lê Lợi đặt tên, nhiều sự tích, truyền thuyết dân gian vẫn còn lưu giữ và đã được xếp hạng di tích - danh thắng cấp tỉnh, như: Thác Ma Hao, Chùa Mèo và thác Huối Láu.
Hội thảo là dịp để công bố những tư liệu, nghiên cứu mới nhằm đánh giá rõ hơn, sâu sắc hơn vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của nhân dân Lang Chánh trong cuộc KNLS.
Theo đánh giá tại hội thảo, Lang Chánh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa đa tộc người, lưu giữ trong lòng một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác các di tích, lễ hội, danh lam thắng cảnh và các loại hình văn hóa dân gian trong việc phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục và phát huy.
Từ đó, rất cần sự nghiên cứu chuyên sâu, có chương trình điều tra tổng thể, toàn diện và đưa hệ thống di tích này vào công tác bảo vệ thường xuyên, để di tích tồn tại trong cộng đồng dân cư một cách bền vững. Đồng thời, gắn với phát triển du lịch, để phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội...
Chí Linh Sơn - nơi nghĩa quân Lam Sơn 3 lần rút quân về
Theo nhà nghiên cứu Phạm Tấn, Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa: Chí Linh Sơn là dãy núi ở miền Tây Thanh Hóa được Lê Lợi và các văn thần đầu triều Lê đặt tên. Còn dân gian vẫn quen gọi là dãy núi Pù Rinh (hay Bù Rinh).
Đây là dãy núi cao, lớn và rất hiểm trở, thuộc địa bàn huyện Lang Chánh và một phần của huyện Thường Xuân ngày nay. Địa hình tuy hiểm trở, nhưng từ đây có thể đến các vùng đất khác của Thanh Hóa cũng như vào Nghệ An, thậm chí sang Lào.
Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy nên vùng rừng núi Chí Linh đã sớm được Lê Lợi lựa chọn làm căn cứ nương náu, bảo tồn lực lượng khi gặp lâm nguy. Chí Linh đã trở thành căn cứ địa quan trọng thứ hai, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa.
Theo ghi chép của sử sách xưa, NQLS hoạt động ở vùng núi rừng phía Tây Thanh Hóa trong 6 năm (1418-1423). Đó là khoảng thời gian NQLS phải “nằm gai nếm mật ” và trải qua biết bao gian khó, nhưng nhờ rừng núi che chở và sự đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Mường, Thái ở xung quanh mà nghĩa quân vẫn tồn tại.
Theo Thạc sĩ Lê Trí Duẩn, Trưởng ban nghiên cứ và biên soạn Lịch sử Thanh Hóa: Nhà Minh đem quân xâm lược, đô hộ nước ta, thi hành một chính sách thống trị cực kỳ tàn bạo, nhằm khuất phục nhân dân ta, biến nước ta thành quận, huyện của chúng.
Nguyễn Trãi đã khắc họa bức tranh khổ cực tột cùng của nhân dân ta: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.
Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở núi rừng Lam Sơn và từ một cuộc khởi nghĩa đã trở thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, lập ra vương triều thịnh trị tồn tại 360 năm trong lịch sử Việt Nam.
Trong thời gian đầu, đã có 3 lần, NQLS rút lui về rừng núi Chí Linh. Từ đây, nghĩa quân cơ động đi các nơi trên địa bàn miền tây Thanh Hóa để tổ chức đánh địch theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, tổ chức mai phục và đón đánh địch một cách bất ngờ...tạo nên nhiều chiến công vang dội.
Cũng nhờ có địa bàn rừng núi rộng lớn mà khi bị kẻ thù bao vây, truy sát, nghĩa quân vẫn có thể tiến, lui một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Thậm chí trong cả 3 lần rút lui và nương náu tại Chí Linh Sơn với những tháng năm đầy gian khổ, nhưng cứ mỗi lần như vậy, lực lượng và ý chí chiến đấu của nghĩa quân vẫn không ngừng được củng cố, tăng cường.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu không có thời gian hoạt động ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa (nhất là thời gian nương náu, bảo tồn, phát triển lực lượng ở Chí Linh Sơn) thì chắc chắn Lê Lợi và NQLS không thể có chiến thắng ở giai đoạn phản công chiến lược từ 1424 đến lúc kết thúc cuộc chiến tranh (1427).
Chí Linh Sơn dưới sự nhìn nhận, đánh giá của các văn thần thời Lê thì đó là một dãy núi “thiêng” có tầm vóc và ý nghĩa vô cùng to lớn, xứng đáng được ca ngợi mãi muôn đời.
Cũng nhờ núi ấy mà Lê Lợi đã làm nên “nghiệp đế bình phong nước nhà”, và cũng nhờ núi ấy mà nước ta mới được bước vào thời kỳ độc lập dài lâu và bền vững nhất trong thời phong kiến Việt Nam.
Đã 6 thế kỷ trôi qua, nhưng từ núi Lam Sơn (nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa) đến rừng núi Chí Linh vẫn mãi là biểu tượng văn hóa sáng ngời tinh thần yêu nước và sự quật cường dân tộc mà Lê Lợi và NQLS cùng nhân dân xây đắp nên.
Đến nay, ở rừng núi Chí Linh và ở những bản làng của đồng bào dân tộc Mường, Thái xung quanh vẫn còn lưu giữ, in đậm nhiều câu chuyện, truyền thuyết rất sinh động...
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn