Theo Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, Di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu (thuộc xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là một mốc son lịch sử ghi dấu sự ra đời sớm nhất của tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở Bạc Liêu và trong khu vực lúc bấy giờ.
Đây là tiền đề, nền tảng để các Chi bộ, Đảng bộ Bạc Liêu phát triển sau này và lãnh đạo các phong trào cách mạng của quần chúng, góp phần giành lấy ngọn cờ độc lập dân tộc cho Tổ quốc.
Năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã khởi công công trình tái hiện, tôn tạo nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu, với tổng diện tích hơn 2.300m2, kinh phí đầu tư trên 4 tỷ đồng.
Khu di tích có các hạng mục, như: Bia kỷ niệm, Nhà trưng bày (tái hiện lại kiểu nhà 3 gian của gia đình ông Trần Văn Tiện ở trước đây, là địa điểm diễn ra các cuộc họp của Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh), Nhà nghỉ chân, cùng với hệ thống sân, đường, hàng rào, cây xanh và các công trình phụ khác.
Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2011.
Trong các hạng mục của khu di tích, nổi bật nhất là Bia kỷ niệm, có chiều cao hơn 13m. Trên cùng là biểu tượng 2 cánh tay nâng lá cờ Đảng, thể hiện sự trân trọng, nhờ ơn Đảng dẫn dắt trong đấu tranh chống phong kiến và thực dân.
Chính giữa Bia kỷ niệm là hình hoa hướng dương (nhụy hoa), có bức tranh phù điêu diễn tả cuộc họp Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh và mặt sau của bức phù điêu là phần tóm tắt về Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Bạc Liêu.
Anh Nguyễn Văn Tuân (quản lý khu di tích) cho biết, Bia kỷ niệm mang ý nghĩa gắn liền với sự ra đời, hoạt động và tôn vinh của Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh nói riêng và Đảng bộ Bạc Liêu nói chung.
Khu di tích cũng thường là nơi diễn ra một số hoạt động như kết nạp đảng viên, lễ kỷ niệm, uống nước nhớ nguồn,… của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương.
Chi bộ Đảng đầu tiên của Bạc Liêu ra đời như thế nào?
Theo tài liệu, trước năm 1930, ở Bạc Liêu phong trào yêu nước lên cao, các cuộc nổi dậy của giai cấp nông dân chống cường hào ác bá cấu kết với thực dân cướp đất diễn ra quyết liệt.
Điển hình là 2 cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 1927 ở làng Ninh Thạnh Lợi (thuộc huyện Hồng Dân ngày nay) và năm 1928 tại Đồng Nọc Nạng, làng Phong Thạnh, quận Giá Rai (nay thuộc thị xã Giá Rai).
Có thể nói, từ năm 1927 là thời điểm Bạc Liêu tiếp nhận được ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, mở đầu cho sự ra đời tổ chức tiền thân của Đảng. Đó là sự ra đời của các tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên tại Bạc Liêu vào năm 1929.
Sau khi thống nhất Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) tại Bạc Liêu, các tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên đều được chuyển thành Chi bộ Đảng cộng sản, trong đó có Chi bộ làng Phong Thạnh.
Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh được thành lập vào tháng 2/1930, gồm 3 người: Ông Nguyễn Văn Uông làm Bí thư, ông Trần Văn Tiện và ông Châu Văn Lục. Địa điểm diễn ra lễ kết nạp đảng viên cho 3 người vào Chi bộ là tại vườn nhà của ông Trần Văn Tiện.
Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh đã tổ chức các Hội, như: Hội tương tế ái hữu, Hội nhà giàn, Hội nhạc lễ,... do ông Nguyễn Văn Uông làm Trưởng ban. Thông qua hoạt động công khai của các Hội này, các đảng viên trong Chi bộ đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đến với các tầng lớp nhân dân.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh cùng với các Chi bộ khác tổ chức treo cờ Đảng, biểu ngữ, rãi truyền đơn ở một số nơi trong tỉnh Bạc Liêu.
Đặc biệt, tại thành Bạc Liêu chưa có cơ sở Đảng, nhưng một số thanh niên công chức yêu nước như ông La Kim Lý (Tào Văn Tỵ), ông Huỳnh Kim Kế, ông Huỳnh Chấn Gia, được biết có Đảng Cộng sản chủ trương đánh Tây, nên các ông đã tự động cùng nhau làm 2 lá cờ đỏ búa liềm với dòng chữ gắn vào cờ “Cộng sản đánh Tây”. Hai lá cờ này được các ông treo ở bến đò giữa (nay thuộc phường 5, TP Bạc Liêu) và trước cổng thành lính mã tà (nay trên đường Trần Phú, TP Bạc Liêu).
Tại Giá Rai, những năm 1930 - 1931, qua các cuộc đấu tranh của nông dân, việc treo cờ Đảng, biểu ngữ, rãi truyền đơn của Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh đã làm cho kẻ thù hết sức hoang mang trước uy thế của Đảng Cộng sản. Từ đó, ảnh hưởng của Đảng ngày càng sâu rộng trong nhân dân.
Hiện nay, các tài liệu, hiện vật về những đảng viên đầu tiên của Chi bộ làng Phong Thạnh và những thanh niên yêu nước làng Phong Thạnh không còn nhiều. Những hiện vật được trưng bày tại khu di tích, như: Hiện vật, tài liệu của ông Nguyễn Văn Uông (Bí thư đầu tiên), đờn cò của ban nhạc lễ đình Phong Thạnh, lu đựng nước uống phục vụ cho đảng viên của Chi bộ năm 1929 -1931,... là những vật chứng vô cùng quý giá, đánh dấu một số hoạt động của Chi bộ Đảng làng Phong Thạnh trong những năm đầu mới thành lập.
Huỳnh Hải
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn