Xuân Canh Tý 2020, nhạc sĩ Phạm Tuyên tròn 90 năm tuổi đời và 70 năm tuổi Đảng. Ông nói rằng, mùa xuân này có nhiều ý nghĩa đặc biệt với riêng mình. Cách đây tròn 60 năm, vào mùa xuân năm 1960, khi cả nước hòa trong không khí đón Tết Canh Tý, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, ông đã sáng tác ca khúc “Đảng đã cho ta một mùa xuân”.
Hồi ức về hoàn cảnh sáng tác, những câu chuyện đằng sau ca khúc vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của người nhạc sĩ được mệnh danh là “người chép sử bằng âm nhạc”.
Năm nay nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh nhật lần thứ 90, ông cũng vừa tròn 70 năm tuổi Đảng. Hòa vào không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, là một trong những nhạc sĩ được chứng kiến nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc và có những ca khúc gắn với những mốc lịch sử cụ thể, ông có chia sẻ điều gì?
Tôi nghĩ mình là nhạc sĩ hạnh phúc vì ở tuổi này, các bạn của tôi phần lớn mất hết rồi. Sinh nhật của tôi vào mùa xuân nên mỗi năm tôi đều được chúc mừng rất đặc biệt. Đó là nghe lại các ca khúc của mình trên sóng phát thanh, trên đài truyền hình.
Thật may mắn và tự hào vì mùa xuân của tôi gắn với mùa xuân của Đảng. Và những thành tựu tôi có được hôm nay cũng là nhờ lý tưởng Đảng soi chiếu.
Thời gian này, tâm trí tôi nhớ đến nhiều điều lắm. Tôi cứ hay lẩm nhẩm hát những ca khúc mà mình sáng tác trước kia, trong đầu cũng hay nghĩ đến những ca khúc mới.
Tôi không biết mình có còn đủ sức viết ra những ca khúc ấy không, nhưng với một người nhạc sĩ thì tâm hồn và trí óc không lúc nào ngừng sáng tác…
Trong mỗi dịp mừng Đảng, mừng Xuân như thế này, một trong những ca khúc được nhân dân cả nước yêu mến- “Đảng đã cho ta một mùa xuân” luôn vang lên. Nghe nói, ông sáng tác ca khúc này khi mới hơn 20 tuổi?
Cách đây 60 năm, cả nước đang đầy khí thế lao động, sản xuất mừng xuân mới, hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng. Sở Văn hoá Hà Nội (nay là Sở Văn hoá và Thể thao) mở những đợt sáng tác ca khúc mới, tôi cũng tham gia.
Tôi sáng tác ca khúc này khi đang học trên Việt Bắc. Khi đó nhà thơ Lê Đạt, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng có mang lên một số tài liệu tiếng Pháp. Tôi đọc, trong đó có câu rất cảm động: “Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”.
Lời thơ ấy cộng với số phận của con người quả cảm đã chạm vào trái tim tôi. Và tôi đã sáng tác “Đảng đã cho ta một mùa xuân” vào đúng dịp Ngày thành lập Đảng.
Lúc đó, với suy nghĩ của một thanh niên, tôi nhủ rằng, nên viết một ca khúc về Đảng gắn với mùa xuân mới, bởi lẽ có Đảng mới có một mùa xuân hoà bình, ấm áp như hôm nay.
Tôi hoàn thành ca khúc này chỉ vài ngày, kịp thu thanh và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng dịp Tết Canh Tý năm 1960.
Ca khúc được ông sáng tác trong thời gian rất ngắn, như thể ông chỉ ghi lại mạch cảm xúc có sẵn?
Quả thực, tôi không mất quá nhiều thời gian tìm mạch cảm xúc cho “Đảng đã cho ta một mùa xuân”. Bởi không chỉ riêng tôi, mỗi người dân Việt Nam đều nhận thức rằng, Đảng đã giúp toàn thể dân tộc thoát khỏi ách lao tù, nô dịch.
Chúng ta có cuộc sống ấm no, đầy ước vọng như ngày hôm nay là nhờ có Đảng dẫn đường.
Với tâm lý của một người trẻ, khi sáng tác, tôi muốn thể hiện ca khúc bằng một nhịp điệu trẻ trung và lãng mạn. Và tôi đã không thực hiện bài hát theo nhịp 2/4 như thường thấy mà chọn nhịp 3/4, với tiết tấu có phần bay bổng hơn: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời/Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân/Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm/Vầng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng/Bóng tối lui dần, tiếng chim vui hót vang/Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới/Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”.
Ngay khi viết xong, tôi đưa ca khúc cho Lê Dung (cố NSND Lê Dung- PV) và Thanh Hoa (NSND Thanh Hoa - PV) thể hiện. Sau bản thu âm lần 1, tôi có yêu cầu, ca khúc này cần hát chậm hơn một chút sẽ phù hợp với không khí mùa xuân.
Khi ca khúc được phát chính thức trên Đài Tiếng nói Việt Nam rất nhiều người nói rằng, “Đảng đã cho ta một mùa xuân” có nhịp điệu rất tươi trẻ, như là lời chúc Tết vậy.
Trong số những ca khúc viết về Đảng của ông, cũng có một ca khúc không nhắc một chữ nào đến Đảng nhưng khi nghe thì ai cũng biết là “Màu cờ tôi yêu” nói về sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin của nhân dân dành cho Đảng. Ông có thể chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc đặc biệt này?
Năm 80, tôi vào Sài Gòn. Trong không khí kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền tâm sự với tôi rằng đang có những vụ việc tiêu cực, khiến cho niềm tin của Đảng bị suy giảm. Cả tôi và anh đều có suy nghĩ rằng cần có gì đó để động viên tinh thần nhân dân, giữ niềm tin sắt son với Đảng.
Hôm sau, trước giờ ra sân bay về Hà Nội, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đưa cho tôi bài thơ mới viết có tên “Màu cờ tôi yêu”. Tôi cứ lẩm nhẩm lời bài thơ ấy và thấy nó như một bản nhạc viết sẵn.
Ca từ được viết với tình cảm thiết tha, sâu lắng nhưng vô cùng trong sáng, tươi tắn, phù hợp với không khí của cả nước đón mùa xuân trong giai đoạn đòi hỏi Đảng phải có những đổi mới để phù hợp với tình hình của đất nước lúc bấy giờ.
Tôi phổ thơ và cũng đưa cho Thanh Hoa và Lê Dung thu đầu tiên. Tôi có hỏi hai cô rằng, trong "Màu cờ tôi yêu" này thì thích đoạn nào nhất? Các cô ấy cười nói: “Cả bài này đoạn nào bọn em cũng thích, nói về Đảng nhưng rất nhẹ nhàng”.
Sau đó, “Màu cờ tôi yêu” được chọn phát trên Đài Truyền hình trong dịp Tết Canh Thân 1980 và trở thành ca khúc được yêu thích trong kho tàng ca khúc về Đảng.
Không chỉ có “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Màu cờ tôi yêu” hay ca khúc bất hủ, được xem như sức mạnh tinh thần của cả dân tộc “Như có Bác trong ngày đại thắng”; rất nhiều sáng tác của Phạm Tuyên được nhân dân yêu thích và hát vang mỗi dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước. Nhìn lại chặng đường sáng tác hơn 70 năm của mình, ông có suy nghĩ gì?
Tôi cảm thấy mình may mắn vì có những ca khúc được sáng tác vào những thời điểm thích hợp.
Tôi vẫn cho rằng mình có thuận lợi hơn so với nhiều nhạc sĩ cùng thời vì được làm việc tại một cơ quan báo chí là Đài Tiếng nói Việt Nam, thường xuyên cập nhật thông tin ở chiến trường. Ngày nào tôi cũng nghe tin tức trên đài, nên có được những thông tin tổng quát.
Có thể nói, “Như có Bác trong ngày đại thắng” là cả quá trình tích luỹ cảm xúc từ những năm tháng chiến đấu gian khổ của dân tộc cho đến khi nghe những tin thắng trận liên tiếp báo về vào cuối tháng 4/1975, kết hợp với tình cảm nhớ thương dành cho lãnh tụ luôn ở trong tim.
Đêm ngày 28/4/1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của đài có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ tôi đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”.
Ca khúc lập tức được thu thanh và được phát sóng trên toàn quốc vào ngày 30/4/1975. Tôi cũng như hàng triệu người Việt Nam, có chung cảm xúc hân hoan, tự hào trong ngày toàn thắng, và tôi chỉ là người ghi cảm xúc ấy thành lời hát mà thôi.
Có lẽ vì thế, ca khúc đã chạm vào trái tim của hàng triệu người, đến nay vẫn được nhân dân hát vang khi có niềm vui chung.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Phạm Tuyên vì những chia sẻ!
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn