Mỗi dịp đến ngày 19/8, ngày Cách mạng thành công, cũng là ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, trên mọi ngõ ngách của dải đất hình chữ S đều rộn ràng vang lên giai điệu ca khúc bất hủ “Mười chín tháng Tám”, nhắc lại lịch sử hào hùng của dân tộc.
"Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín tháng Tám. Ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề. Mười chín tháng Tám. Chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam...".
Và cứ mỗi dịp này, anh Đỗ Lê Chi, con trai cố nhạc sĩ Xuân Oanh lại bồi hồi. “Khi hành khúc vang lên, rất sôi động, gợi nhớ về thời hào hùng của dân tộc. Ca khúc thúc giục lòng yêu nước, yêu dân tộc, quyết tâm về độc lập dân tộc. Vào thời điểm như thế này, ca khúc rất ý nghĩa.
Là một người con, tôi rất tự hào về người cha của mình. Ông đã vươn lên từ khó khăn, gian khổ. Chúng tôi được kế thừa từ cha lòng yêu nước nồng nàn, khát khao độc lập dân tộc. Khi sáng tác ca khúc này, cha tôi còn trẻ lắm, mới 22 tuổi”, anh Đỗ Lê Chi chia sẻ với phóng viên .
Theo anh Đỗ Lê Chi, cha anh kể lại, ngày 19/8/1945, từ sáng sớm tinh mơ, Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Hàng vạn người được tập hợp thành đội ngũ từ các làng xã ngoại thành và các huyện thuộc tỉnh Hà Đông cũ theo các ngả đường rầm rập tiến vào nội thành. Họ mang theo khẩu hiệu, cờ và các loại vũ khí thô sơ như mã tấu, dao phát bờ, câu liêm...
Ở nội thành, nhà máy, công sở đều nghỉ việc. Các chợ vắng hẳn người. Nhiều hiệu buôn đóng cửa. Lớp lớp người xuống đường tham gia đoàn người hừng hực khí thế. Cả một biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Chẳng mấy chốc, quảng trường chật ních người reo vang chiến thắng...
Nhạc sĩ Xuân Oanh khi đó là con trong một gia đình tiểu thị dân nghèo có cha làm thợ may. Mẹ mất từ năm 6 tuổi nên đến 14 tuổi, học xong tiểu học trường Pháp thuộc, ông bắt đầu tự kiếm sống bằng đủ các nghề: Thợ đúc, thợ mỏ, dạy học, vẽ tranh, nhạc công phòng trà.
Năm 19 tuổi, ông lên Hà Nội. Từ một người chỉ học đến lớp 4 tiểu học, lấy tự học làm đầu và sự nỗ lực đã giúp ông thông thạo 4 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc. Ông đã dịch hàng chục cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nước ngoài sang tiếng Việt… Cũng chính ông tự học âm nhạc để sáng tác nhạc và chơi nhạc. Ông cũng đã tự mày mò để vẽ nên những bức tranh sơn dầu đẹp để treo trong gia đình.
Vào thời điểm sáng tác ca khúc “Mười chín tháng Tám”, Xuân Oanh đã sớm giác ngộ cách mạng, được nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số đồng chí khác dìu dắt, hướng dẫn tham gia công tác tuyên truyền, cụ thể là đi phát hành các tờ báo Hồn Nước, Cờ Giải Phóng.
Sáng sớm ngày 19/8 lịch sử, Xuân Oanh đã nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên Nhà hát Lớn Hà Nội. Mọi người hối hả, khẩn trương và vô cùng phấn khích. Người ta hô vang những khẩu hiệu "Việt Minh muôn năm!". Tâm trạng ông lúc đó rất khó tả, bèn nảy ý nghĩ sáng tác một ca khúc đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại này của toàn dân tộc.
Thế là ông cứ vừa đi, vừa lẩm nhẩm những câu hát đầu tiên: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu lên đường chiến đấu cho tương lai…". Ông lấy mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ đầu tiên. Hễ viết được câu nào thì ông lại bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn cùng hát theo câu ấy.
Họ thuộc và hát trôi chảy, ông lại nghĩ tiếp câu sau cho đến hết bài. Không hiểu sao, ông cho ra đời bài hát khá dễ dàng, có thể nói là không mất công nghĩ ngợi nhiều. Để rồi, từ đường Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì ca khúc cũng được sáng tác xong.
Lúc sinh thời, ông từng khẳng định rằng, chính cái không khí lịch sử, tình cảm của đồng bào đã giúp ông sáng tác nhanh như vậy. Sau đó bài hát đã đi vào lòng người trong niềm hân hoan và tự hào.
Anh Đỗ Lê Chi tiết lộ: “Điều đặc biệt là khi cha tôi sáng tác, ông chẳng nghĩ gì đến tên ca khúc, chỉ cố làm sao cho số đông người dễ hát, dễ thuộc. Sau khi hướng dẫn xong cả bài, khi mọi người đã hát trôi chảy, bỗng có người hỏi: "Này nhạc sĩ ơi, thế ca khúc này tên gì?", khi ấy, ông mới sực nhớ là chưa nghĩ tên. Ông nghĩ mãi, cuối cùng bèn nói: "Hôm nay là ngày 19/8. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi ngày này. Thôi, lấy luôn tên bài là “Mười chín tháng Tám". Sau đó ông hỏi mọi người thấy thế có được không? Tất cả thống nhất: "Được đấy". Phải nói rằng, chính không khí lịch sử, chính sự đồng lòng của mọi người đã đặt tên cho ca khúc. Cái tên vừa cụ thể, giản dị vừa ý nghĩa, gắn liền với dấu mốc lịch sử”.
"Mười chín tháng Tám" đã trở thành một ca khúc đi cùng năm tháng và nhạc sĩ Xuân Oanh không phải sửa chữa gì thêm: "Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề. Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam. Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung".
Ca khúc này có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng rãi tới người dân Hà Nội thời điểm đó. Ngay trong ngày 19/8/1945; ca khúc được in ở một hiệu sách và phát trên sóng phát thanh.
Ngoài ca khúc “Mười chín tháng Tám”, sau này, nhạc sĩ Xuân Oanh còn là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: "Quê hương anh bộ đội"; "Thổn thức mùa xuân"; "Hồ Chí Minh - Người là muôn ánh sao"; "Ngôi sao thế kỷ"; "Hà Nội ở Lâm Đồng"; "Trời sẽ trong xanh lại"...
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhạc sĩ Xuân Oanh chuyển về làm ở bộ phận thông tin, tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam ngày nay. Nhờ có nền tảng là vốn ngoại ngữ phong phú nên ít lâu sau, ông nhận nhiệm vụ sang làm phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam; Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ghi nhận sự cống hiến của ông đối với đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Độc lập hạng ba (năm 1998) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).
Trong những năm tháng chiến đấu giành độc lập dân tộc, ca khúc “Mười chín tháng Tám” cũng đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người chiến sĩ khắp mọi miền đất nước, không chỉ ở thành phố Hà Nội mà ở khắp cả nước...
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn