Khi theo dõi các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đầu bếp, nhiều khán giả hẳn sẽ tự hỏi nguyên liệu tươi sống còn thừa, cũng như những món ăn đã được các thí sinh chế biến, sẽ được xử lý như thế nào, sau khi hoạt động ghi hình kết thúc. Mới đây, những bí mật hậu trường đã được tiết lộ.
Khi theo dõi các chương trình thi nấu ăn, như “MasterChef”, chúng ta có thể thấy ngay rằng với mỗi món, giám khảo chỉ “nhấm nháp” tí chút, đĩa đồ ăn hầu như còn nguyên vẹn.
Cuộc thi “MasterChef” lần đầu ra mắt khán giả xem truyền hình tại Anh hồi năm 1990. Xuyên suốt các phiên bản “MasterChef” dành cho thiếu nhi, cho người lớn, cho người nổi tiếng… được sản xuất tại các quốc gia khác nhau, có những tiêu chí được tuân thủ chặt chẽ.
Chẳng hạn, ban giám khảo nào cũng sẽ luôn nhắc nhở các thí sinh sử dụng tiết kiệm nguyên liệu chế biến, không “phóng tay” sử dụng thừa thãi, lãng phí. Nếu thí sinh sử dụng một lượng nguyên liệu quá lớn để chế biến món ăn, rất có thể thí sinh đó sẽ bị giám khảo nhắc nhở và coi như bị một điểm trừ.
Đặc biệt, các món ăn đã được các thí sinh chế biến cũng không được phép để bỏ phí sau khi việc ghi hình kết thúc. Vậy điều gì xảy ra với những thực phẩm tươi sống không dùng đến, và còn những món ăn đã được chế biến thì sao?
Giám khảo - người dẫn chương trình cuộc thi “MasterChef” (Anh) - ông Gregg Wallace (53 tuổi) đã tiết lộ cách xử lý như sau: “Đối với thực phẩm tươi sống, chúng tôi thường ưu tiên chia cho các bạn trẻ trong ê-kíp hậu trường, cũng như những thí sinh trẻ tuổi, các bạn ấy vừa mới bắt đầu sự nghiệp và thường còn phải vật lộn với những khó khăn kinh tế trong cuộc sống.
“Đối với những món ăn đã được chế biến, chúng tôi sẽ ăn ngay trên phim trường, thường các bạn thí sinh không còn nhu cầu ăn uống sau khi đã căng thẳng thi đấu, ê-kíp hậu trường sẽ cùng nhau ngồi lại tận hưởng bữa ăn sau khi kết thúc một buổi ghi hình. Thường, để mọi việc diễn ra nhanh gọn và tiện lợi, mỗi người chủ động tự mang một bộ dao dĩa của riêng mình”.
Thông tin này được cựu thí sinh của cuộc thi “MasterChef” (Anh), phiên bản dành cho đầu bếp chuyên nghiệp - cô Louisa Ellis xác nhận: “Thực phẩm và đồ ăn rất hiếm khi bị vứt đi sau khi kết thúc chương trình, nếu không có lý do xác đáng. Luôn có sẵn các thành viên trong ê-kíp hậu trường sẵn sàng giúp ‘tiêu thụ’.
“Nguyên nhân để đồ ăn có thể được phép vứt đi chỉ là khi món đó chế biến quá tệ, có thể gây rối loạn tiêu hóa cho người ăn”.
Đối với chương trình thi làm bánh - “The Great British Bake Off” (Anh), quy tắc có thay đổi một chút. Bởi bánh sau khi làm xong có thể để được lâu hơn, nên đối tượng đầu tiên được ưu tiên mang bánh thừa về, chính là các thí sinh. Họ là người chế biến và cũng chính là người tận hưởng thành quả sau khi buổi ghi hình kết thúc.
Đại diện chương trình tiết lộ: “Những người làm bánh luôn muốn được tự mình thưởng thức cũng như mời những người khác cùng mình nếm bánh, để đánh giá thành quả chế biến của họ, vì vậy, sau mỗi buổi ghi hình, chúng tôi đều đưa hộp cho các thí sinh, để họ có thể mang bánh mình đã làm về nhà. Nếu còn có bánh thừa, chúng tôi sẽ chia tiếp cho ê-kíp ghi hình”.
Ngoài ra, bánh của người chiến thắng vòng thi sẽ được dành để các thí sinh khác nếm thử. Một thí sinh có tên Ali từng tham gia cuộc thi “Bake Off” còn hài hước chia sẻ rằng: “Nhiều thành viên trong ê-kíp ghi hình đã nhét sẵn một bộ dao dĩa trong túi quần để sẵn sàng thưởng thức sau khi buổi ghi hình kết thúc”.
Thí sinh Chetna Makan từng tham gia “Bake Off” hồi năm 2014 cũng thích thú nhớ lại trải nghiệm của mình tại cuộc thi: “Không chỉ có những thành viên trong ê-kíp ghi hình hào hứng với các món bánh, mà ngay cả các thí sinh chúng tôi cũng vậy. Chiếc bánh của những thí sinh nhận được nhiều lời khen ngợi thường ‘hết bay’ nhanh chóng”.
Giám khảo Prue Leith (78 tuổi) của “Bake Off” thậm chí còn tiết kiệm đến mức sau khi mọi người đã ăn uống xong xuôi, bà đi vun lại những mẩu bánh thừa vào một chiếc hộp và đem về cho các thú cưng trong nhà ăn. Nếu có hôm nào nhiều quá, thú cưng trong nhà không ăn hết, bà mang sang cho thú cưng nhà hàng xóm.
Ngoài ra, còn một chi tiết khá gây tò mò nữa, đó là các món ăn khi được đưa đến cho giám khảo “MasterChef” nhận xét có còn nóng sốt không? Thực tế, món ăn khi đó có thể đã nguội.
Thí sinh Louisa Ellis từng tham gia cuộc thi “MasterChef” (Anh), phiên bản dành cho đầu bếp chuyên nghiệp, tiết lộ: “Sau khi bạn hoàn thành việc chế biến, các món ăn sẽ nằm yên vị tại chỗ một lúc để các quay phim tìm được góc độ đẹp ghi hình món ăn.
“Khi món ăn được đưa tới chỗ giám khảo để nhận xét, có thể nó đã bắt đầu nguội, nếu bạn là người cuối cùng được giám khảo nhận xét, đồ ăn sẽ càng nguội, nhưng ban giám khảo sẽ cân nhắc tới yếu tố này để bạn không bị thiệt thòi”.
Theo tiết lộ từ ê-kíp thực hiện “MasterChef” (Anh), các giám khảo thường đi quanh quan sát các thí sinh chế biến đồ ăn và nếm thử lần đầu ngay từ khi đồ ăn còn nóng, cảnh này thường không xuất hiện trên truyền hình. Khi thí sinh mang đồ ăn lên để giám khảo chấm điểm chính thức, lúc này họ sẽ quan sát thêm cả nghệ thuật trang trí, trình bày.
Tác giả: Bích Ngọc Theo The Sun
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn