“The Irishman” (hay còn có tên “I Heard You Paint Houses”) là một phim điện ảnh làm về đề tài tội phạm do đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese dàn dựng, dựa trên câu chuyện về những con người và sự việc có thật. Phim có sự tham gia diễn xuất của những tài tử gạo cội như Robert De Niro, Al Pacino, và Joe Pesci.
Chuyện phim xoay quanh nhân vật Frank Sheeran (nam diễn viên Robert De Niro), một lái xe tải trở thành một sát thủ làm việc cho trùm tội phạm Russell Bufalino (nam diễn viên Joe Pesci). Russell là sếp chủ chốt của Frank, nhưng Frank có lúc còn làm việc cho cả Jimmy Hoffa (nam diễn viên Al Pacino), một nhân vật quyền lực, chủ một nghiệp đoàn vận tải.
Hoffa có cách xử lý công việc pha trộn “chính - tà” nên cần có những bàn tay can thiệp như Frank Sheeran. Frank làm việc cho cả Russell và Jimmy. Cả hai người này đều quý mến, tin tưởng Frank, trông cậy vào sự trung thành của ông ta. Tất cả họ đều quen biết nhau và hợp tác với nhau, cho tới khi mục đích và lợi ích va chạm vào nhau.
Tháng 9/2014, sau nhiều năm gặp khó khăn trong việc thực hiện bộ phim, sau cùng “The Irishman” đã chính thức được triển khai. Bộ phim sử dụng những kỹ xảo mới mẻ giúp đưa các tài tử gạo cội trở về những năm tháng tuổi trẻ với diện mạo trẻ trung trên màn bạc.
Với kinh phí sản xuất 159 triệu USD và thời lượng 209 phút, “The Irishman” là một trong những phim tốn nhất và dài nhất trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Martin Scorsese.
“The Irishman” nhận được rất nhiều lời khen ngợi dành cho nghệ thuật dàn dựng của đạo diễn và nghệ thuật diễn xuất của dàn diễn viên. Phim nhận được rất nhiều đề cử tại các giải thưởng. Tại giải Oscar, phim nhận được tới 10 đề cử, bao gồm đề cử ở những hạng mục quan trọng như Phim - Đạo diễn - Nam phụ - Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.
Phim được nhiều chuyên trang điện ảnh khen ngợi là siêu phẩm của thể loại gangster. Bộ phim u ám, buồn bã, được đạo diễn Scorsese so sánh như “một lễ tang trọng thể” ông dành cho thể loại phim gangster đã từng làm nên danh tiếng cho ông.
Các tài tử gạo cội đã cùng diễn xuất hoàn hảo trong phim, để làm nên một tác phẩm điện ảnh có tính biểu tượng, là một câu chuyện buồn về thế giới tội phạm, bạo lực và sự lừa gạt, những ký ức và sự mất mát.
Với bộ phim kinh điển “Goodfellas”, đạo diễn Scorsese đã từng khắc họa sức hấp dẫn của những tay gangster trong thế giới ngầm, ông cho thấy ở đó cũng có một cuộc sống thú vị và hay ho. Những cảnh quay dài trong “Goodfellas” đã từng mê hoặc người xem.
Với “The Irishman”, đạo diễn Scorsese một lần nữa sử dụng những cảnh quay dài ngay ở đầu phim nhưng là để “lột trái” thế giới gangster. Người xem bắt đầu bước vào hành trình “lột trái” ấy từ... nhà dưỡng lão.
Ở đó, giữa những hành lang tĩnh lặng, giữa bước chân của những y bác sĩ, những sắp đặt đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng, có một ông già sẽ kể cho ta nghe những phi vụ ghê rợn mình từng thực hiện.
Những phi vụ được khắc họa khá đa dạng, có lúc rất hài hước, có lúc thật rùng rợn, nhưng tất cả đều nhuốm một màu lạnh lẽo, ảm đạm, vô nghĩa lý. Tất cả những việc ấy được thực hiện, rồi bị lãng quên, chẳng còn gì là “oai phong, đáng nể” sau ngần ấy thời gian. Và cái chết luôn cận kề trong từng phi vụ được khắc họa. Cái chết cũng đã cận kề với Frank Sheeran nay đã già lụ khụ.
Trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng hồ, người ta cảm thấy phim tựa như một hơi thở hắt ra, một tiếng thở sau cuối, yếu đuối, trong những sắc màu nhàn nhạt của cảnh phim. Ánh sáng trong phim là cả một nghệ thuật để nói lên tâm trạng phim. Phim vừa dài, vừa u tối, ảm đạm.
“Dài như tiểu thuyết của Dostoyevsky, tối như tranh của Rembrandt”, đó là lời bình của tờ New York Times về bộ phim của Martin Scorsese.
Nhân vật ta sẽ cùng đồng hành trong suốt 3 tiếng rưỡi của phim là Frank Sheeran, một tay sát thủ có biệt danh “The Irishman”, vai diễn do tài tử Robert De Niro đảm nhận. Trong cuộc đời mình, Sheeran đã sát hại nhiều người theo lệnh của trùm tội phạm Russell Bufalino, trong đó có cả Jimmy Hoffa, một chủ tịch nghiệp đoàn vận tải từng một thời là người anh em gắn bó của Frank Sheeran.
Thời thế thay đổi, giờ đây, ở trong nhà dưỡng lão, Frank Sheeran biết rằng cái tên Jimmy Hoffa không còn ý nghĩa gì nhiều, nhưng đã có thời, đó là cái tên làm dấy lên nỗi sợ hãi và cả sự ngưỡng mộ trong rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp. Giờ đây, ông già Frank ngồi nhớ về những phi vụ mình từng thực hiện và đặc biệt là Jimmy Hoffa - người từng là sếp, là bạn, là... nạn nhân của ông ta.
Sau sự biến mất đầy bí ẩn của Jimmy Hoffa hồi năm 1975, đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra và câu chuyện ấy còn từng truyền cảm hứng cho những bộ phim được Hollywood thực hiện. Còn trong “The Irishman”, sự biến mất ấy là bởi chính Frank Sheeran đã ra tay.
Những phi vụ lớn nhỏ trong phim lúc được khắc họa bí ẩn mờ mịt; lúc lại phô trương bày đặt... Chuyện phim khá dài với nhiều tiểu tiết, nhưng chúng đều là bước đệm để đưa tới một thông điệp cao nhất và u ám nhất: Sự mất mát không tránh khỏi. Sự mất đi của những sinh mệnh trong phim, sự mất đi của nghĩa lý, của trải nghiệm, của ký ức... Sau cùng, chẳng còn lại gì nhiều cho Frank Sheeran.
“The Irishman” kể về sự vô nghĩa lý của thế giới gangster. Ngần ấy chuyện ghê rợn đã xảy ra, sau cùng, cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa, khi những tay gangster ngày ấy giờ móm mém, đuối sức vì tai biến, đi không vững, nhai không nổi bánh mì, bên tay liệt, bên tay run lập cập, chờ đến lượt mình được “gọi đi”.
Được khắc họa trong “The Irishman” chủ yếu là những phi vụ, nhưng xúc cảm của phim lại nằm ở sự thăng trầm trong tình bạn giữa ba nhân vật Frank Sheeran, Russell Bufalino và Jimmy Hoffa. Đây là bộ phim gangster ít đưa vào yếu tố xúc cảm nhất của đạo diễn Scorsese và vì vậy, nó là bộ phim sâu sắc, thấm thía nhất của ông.
Ở đây không có những nhân vật gangster “hào sảng”, mà chỉ có những con người bình thường lăn lộn trong thế giới ngầm. Nhân vật Jimmy Hoffa huênh hoang, thích thể hiện và cũng chấp nhặt tiểu tiết đến mức bệnh hoạn, hắn chỉ quan tâm đến tiền và quyền. Hai nhân vật Frank Sheeran và Russell Bufalino cũng chẳng “oai phong” gì hơn.
Bên cạnh những phân cảnh khắc họa Frank Sheeran khi đã già yếu và sống cô độc trong nhà dưỡng lão, bộ phim còn không ngừng khắc họa những chuyến hành trình mà Frank đồng hành cùng Russell và hai bà vợ của họ. Đó là những chuyến đi kết hợp xử lý công việc, trong chiếc xe hơi với hai cặp vợ chồng đều đã qua tuổi trung niên, họ thể hiện phông văn hóa - ứng xử rất bình thường.
Qua đó, người ta được thấy sự vô vị và những điều nhỏ nhặt trong đời sống riêng của những tay gangster sừng sỏ.
Trong phim có nhiều lời thoại... nhạt nhẽo, vô nghĩa một cách có chủ ý, người xem không bắt buộc phải theo dõi tập trung từng lời nói của các nhân vật, bởi chính những phút giây im lặng của nhân vật mới mang nhiều ý nghĩa. Dòng thời gian tuyến tính chỉ có một chiều, nhưng phim thì có thể khiến thời gian quay ngược.
Trong phim, đạo diễn sử dụng kỹ xảo “trẻ hóa” để đưa các diễn viên trở về thời tuổi trẻ, thời trung niên. Thực tế, trong phim, có những hình ảnh “chật chưỡng” khi gương mặt của các tài tử được trẻ hóa, nhưng hình thể của họ lại lộ rõ đó là cơ thể của các... ông lão.
Nhưng chính sự “chật chưỡng” đó lại khiến những cảnh phim trở nên... hợp lý, bởi người xem biết đó chính là những “lão già gân” của làng điện ảnh đang diễn xuất. Có những thứ thuộc về đẳng cấp, chỉ cần được thấy sự xuất hiện trong một khung hình của De Niro, Pesci, Pacino, người yêu điện ảnh đã nhìn thấy quyền lực của nghệ thuật diễn xuất.
Bài bình phim trên New York Times nhận định “The Irishman” không phải là bộ phim dễ thưởng thức, nó là món quà dành cho “mọt phim” đích thực.
Sau cùng, “The Irishman” còn là bộ phim về những giới hạn và sự mất mát. Bên cạnh câu chuyện về cuộc đời Frank Sheeran còn một câu chuyện khác, nó gần như không được Frank để ý tới cho đến khi ông ta đã quá già nua. Đó là cái giá mà những người phụ nữ từng xuất hiện trong cuộc đời ông ta phải trả, đặc biệt là cô con gái Peggy của ông ta.
Cô bé Peggy từ thuở nhỏ đã luôn kiệm lời, nhân vật Peggy hầu như im lặng bởi cô ghê sợ cha mình và những việc làm của ông, cũng như thế giới mà ông dấn thân vào. Cô ghê sợ ngay cả sự bảo vệ của cha mình bởi sự bảo vệ ấy luôn đồng nghĩa với bạo lực ghê rợn. Đây cũng là một điều hiếm thấy trong phim của đạo diễn Scorsese, bởi trước đây ông chưa khai thác khía cạnh này.
Tờ The Guardian nhận định “The Irishman” là bộ phim hay nhất trong sự nghiệp của Martin Scorsese. Xem bộ phim này giống như bạn theo dõi một vòng tròn khép lại. Đó là một bộ phim dài, đẹp buồn, như một lời sau cuối về thế giới gangster trên màn bạc.
Đạo diễn Martin Scorsese nói rằng đây có thể là phim cuối cùng ông thực hiện, bởi ông đã ở tuổi 77, nhưng cho dù ông không tiết lộ điều này, “The Irishman” vẫn là một lễ tang trọng thể, một nơi chốn an nghỉ sau cùng của thế giới gangster được khắc họa qua những bộ phim của ông. Phim nhìn lại toàn bộ sự nghiệt ngã và vô nghĩa trong thế giới ngầm.
Để một bộ phim trở thành một tượng đài điện ảnh không đơn giản. Tượng đài đòi hỏi phải vừa vững chãi, đủ tầm; vừa vượt trội về độ tinh tế, chất nghệ thuật. Và “The Irishman” đang được đánh giá là một tượng đài của thể loại phim gangster.
Bích Ngọc
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn