NSND, Đạo diễn Lê Thi - Tổng đạo diễn bộ phim cho biết, kịch bản phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” đã được chuẩn bị từ 6-7 năm trước và dự án chính thức được bấm máy năm 2008. Đoàn làm phim được chia thành 10 ê-kíp, mỗi ê-kíp có 5 người.
Thưa ông, “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” được xem là một bộ phim tài liệu đồ sộ nhất từ trước tới nay. Ông có thể nói gì về quá trình thực hiện bộ phim này?
Chúng ta phải khẳng định làm phim về Đảng thì xuyên suốt đó là phải trung thực. Từ trung thực này, chúng ta chỉ đạo các mối làm đúng lịch sử. Nói các vấn đề không né tránh nhưng nói đến đâu đều phải có giới hạn.
Kịch bản đã được nhà văn Hà Đình Cẩn chuẩn bị rất cẩn thận và đã được các nhà nghiên cứu góp ý rất kỹ rồi. Kịch bản trước khi đưa vào làm phim cũng đã được duyệt rất nhiều lần và chỗ nào cần chỉnh sửa đều được cân nhắc.
Người viết kịch bản chọn các sự kiện tiêu biểu của từng năm để kể lại trong từng tập phim. Những năm có nhiều sự kiện lớn được thiết kế kéo dài trong hai tập. Vì đây là phim tài liệu được làm theo dạng biên niên sử, phản ánh sự phát triển trường tồn của dân tộc, của Đảng và đất nước; khẳng định vai trò quyết định của sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, sự phấn đấu, hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta... nên đi theo tiến trình thời gian và tất cả các sự kiện đều có sự liên kết với nhau.
Việc tìm ra được những cái mới đưa vào phim là rất khó. Và lại càng không thể phát triển theo kiểu “rẽ ngang, rẽ dọc” như xu hướng làm phim tài liệu hiện nay. Cái cốt yếu khi làm phim này đó là dù hạn chế về tính nghệ thuật nhưng lại đảm bảo về tính xác thực của lịch sử.
Nghĩa là chúng ta làm phim theo kiểu truyền thống, tức có kịch bản đầy đủ hết rồi mới bắt tay vào làm?
Đây là một bộ phim tài liệu có khối lượng nội dung đồ sộ, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong một quá trình dài lịch sử, được tổ chức sản xuất trên diện rộng trong nước và nước ngoài.
Phim được hoàn thành với sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban, bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị trong cả nước; sự cộng tác, đóng góp ý kiến của các hãng phim, các đài truyền hình, các chuyên gia điện ảnh, các nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu..., một số trung tâm lưu trữ, cơ quan điện ảnh, truyền hình nước ngoài như: Thư viện Quốc hội, Trung tâm Việt Nam (Hoa Kỳ); Trung tâm lưu trữ Đảng Cộng sản Pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Trung tâm Điện ảnh (Pháp), Trung tâm lưu trữ tại Nga, Australia và một số nước… Trong phim nhiều tư liệu, hình ảnh, tài liệu quý lần đầu sẽ được giới thiệu ở Việt Nam.
Tôi với tư cách Tổng đạo diễn sẽ chắp mối lại từ đề cương kịch bản đã được duyệt và phân công cụ thể cho từng ê-kíp để các ê-kíp không chồng chéo với nhau mà vẫn xuyên suốt cách thể hiện. Đây là làm theo kiểu chính sử nên cách làm vẫn áp dụng cách truyền thống.
Vậy khi thực hiện bộ phim này, ê-kíp đã gặp phải những khó khăn gì?
Làm phim này có rất nhiều cái dễ mà cũng rất nhiều cái khó. Ví dụ, có những năm không đủ vấn đề để dàn trải trong 30 phút. Vậy thì chúng ta phải tính toán làm sao để đủ thời lượng quy định của một tập phim. Chúng ta được phép dàn trải một số vấn đề nhưng không được dàn trải quá dông dài và phải chọn lọc trúng vấn đề chứ không thể làm theo cảm tính.
Theo như tôi thấy, thời kỳ chiến tranh còn dễ làm vì Đảng ra Nghị quyết liên tục nhưng đến thời kỳ hoà bình thì 5 năm mới có một Nghị quyết mới. Thành thử ra, cân đối làm sao để hài hoà là rất khó.
Thách thức nhất của Tổng đạo diễn trong phim tài liệu này là gì?
Là làm sao liên kết các vấn đề lại với nhau để người ta đỡ chán.
Nhà sản xuất có tiết lộ, bộ phim này phim khai thác được khá nhiều tư liệu và phát hiện ra nhiều tư liệu mới. Vậy những tư liệu đó có làm thay đổi kịch bản không, thưa ông?
Tôi thấy những tư liệu chúng ta tìm thấy không làm thay đổi gì nhiều so với kịch bản ban đầu. Ví dụ, năm 1968, khi chúng ta chiến đấu với địch, chúng ta chỉ có một ít tư liệu từ phía ta thì nay tìm thêm được nhiều tư liệu hơn của cả hai phía: ta - địch. Tuy nhiên, khi có nhiều tư liệu hơn thì chúng ta cũng phải cân nhắc, tiết chế, gia giảm làm sao để thật sự hài hoà.
Vì thế, với tư cách là Tổng đạo diễn, tôi phải biết khống chế đạo diễn để họ ý thức hơn khi làm những tập phim này.
Chất lượng tư liệu hình ảnh tìm được ở nước ngoài có tốt không thưa NSND Lê Thi?
Tư liệu chúng ta tìm thấy ở nước ngoài rất đẹp, nước ngoài họ giữ tốt hơn, màu sắc vẫn đang rất nét. Nhưng vì thế mà có những tập phim bắt buộc phải có sự trộn lẫn không được tương xứng. Ví như khi nói về địch thì phim màu còn khi nói về ta lại đen trắng. Chúng ta phải chấp nhận điều này miễn sao giữ được tính trung thực trong từng thước phim.
Ở thời điểm hiện tại, Hội đồng duyệt đã duyệt đến 50 tập, tức đến năm 1975 rồi. Theo kế hoạch của năm 2020 thì sẽ phát sóng 50 tập phim, trong thời gian này sẽ thực hiện “cuốn chiếu” hết 40 tập còn lại để phát trong năm 2021.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn