Thần đồng thơ tiết lộ về tập thơ đầu tay gửi Bác Hồ

Thứ hai - 18/05/2020 03:19
(Dân trí) - Nhà thơ Trần Đăng Khoa không ngờ rằng những bài thơ đầu tiên của mình đã đến tay Bác Hồ trong thời bom đạn, được Bác đọc và sau này được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
"Hạt gạo làng ta" - Minh Trang và Đội Vàng Anh

Tác giả bài thơ “Ảnh Bác”, "Hạt gạo làng ta"... chia sẻ kỷ niệm xúc động về Bác Hồ cũng như tiết lộ, những bài thơ đầu tiên ông viết ngày nhỏ cũng là viết về Bác.

Xuất hiện trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh- Hành trình khát vọng năm 2020” với vai trò khách mời, Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ kỷ niệm thú vị về Bác Hồ.

Thần đồng thơ tiết lộ về tập thơ đầu tay gửi Bác Hồ
Thần đồng thơ tiết lộ về tập thơ đầu tay gửi Bác Hồ - Ảnh minh hoạ 2

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ kỷ niệm về Bác Hồ tại chương trình "Hồ Chí Minh- Hành trình khát vọng năm 2020". (Ảnh: Ngọc Khánh)

Năm 1968, ở trường nơi Trần Đăng Khoa đang học, được phát động phong trào viết thư cho Bác Hồ, báo cáo thành tích làm việc tốt với Bác, hoặc kể chuyện người tốt, việc tốt nơi mình đang sống. Khi cô giáo yêu cầu mỗi học sinh trong lớp đều phải viết thư gửi Bác, thì Trần Đăng Khoa thực thà thưa với cô rằng, Khoa chưa làm được việc gì tốt xứng đáng để báo cáo Bác Hồ. Cô giáo đã động viên Trần Đăng Khoa viết thư kể chuyện làm thơ cho Bác nghe.

 “Cô giáo nói: “Bác Hồ nói: “Trẻ em  như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Em không chỉ biết ăn ngủ mà còn làm thơ nữa. Thế thì tốt quá! Em hãy viết thư kể chuyện làm thơ cho Bác nghe.

Và tập thơ đầu tay của tôi “Từ góc sân nhà em”, sau này tập thơ tiếp theo là “Góc sân và khoảng trời”. Tôi gói tập thơ đầu tay được mình chép cẩn thận vào giấy báo, cắt mảnh giấy dán vào đấy với địa chỉ như thế này: “Kính gửi Bác Hồ kính yêu, địa chỉ: Hà Nội...”. Phong bì có dán tem và tôi đưa vào hộp thư là thùng sắt tây treo ở Ủy ban xã”, nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại.

Không ngờ là tập thơ “Từ góc sân nhà em” đã đến tận tay Bác Hồ và được Bác đọc. Sau này, tập thơ được chuyển vào Bảo tàng Hồ Chí Minh. Có thông tin cho rằng đây là bản thảo thơ duy nhất còn tồn tại từ những ngày Trần Đăng Khoa làm thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những bài thơ của thần đồng thơ thời đó được đọc trên đài, được đăng báo, hoặc sau này in thành tập sách, nhưng bản thảo gốc thì giờ không còn.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ thêm, những bài thơ đầu tiên ông sáng tác cũng là viết về Bác Hồ: “Tôi viết nhiều lắm. Trong đó bài “Ảnh Bác” là bài thơ đầu tiên tôi viết về Bác vào ngày 19/5/1966 in trên báo Văn nghệ, ở mục Nhi đồng làm thơ. Ở dưới có ghi rõ: Trần Đăng Khoa, 8 tuổi, lớp 2, học sinh cô giáo Cúc. Báo Nhân dân cũng in lại bài thơ đó với mục Nhi đồng làm thơ. Tôi không ngờ tập thơ của mình đến được tay Bác Hồ”.

Và nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng hé lộ và lần “hụt”, không được gặp mặt Bác Hồ. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa vào ngày 30/5/1969, cũng là năm cuối cùng của Bác thì anh cùng với một số bạn thiếu nhi nữa được về Hà Nội.

“Khi được tin tôi về Hà Nội, cô Thu Trà bấy giờ là Phó chủ tịch Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương có báo cáo với Bác. Bác có nói cho Khoa đến gặp Bác nhưng không đi riêng sợ cháu kiêu, cho nên cho cháu Khoa đi lẫn với các cháu thiếu nhi trường Nhạc viện Hà Nội.

Các bạn thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội đã gặp Bác vào dịp 1/6/1969 và sau này có bộ phim “Bác Hồ của chúng em”. Ngày đó Bác cũng ốm rồi.

Tôi đi một mình thì không được, các cô không yên tâm nên tôi không được đến gặp Bác Hồ hôm đó. Nhưng ngày hôm sau tôi mới biết khi cả đoàn kéo vào nhà nhà thơ Tố Hữu. Chú Tố Hữu nói, Bác Hồ rất tiếc là không gặp được gặp cháu nhưng Bác có nhờ chú Tố Hữu nhắn lại với cháu: “Cháu phải chịu khó học tập, là con ngoan của bố mẹ và cháu ngoan Bác Hồ. Hãy làm cháu ngoan Bác Hồ trước rồi làm nhà thơ nổi tiếng sau...”, tác giả bài thơ “Hạt gạo làng ta” nhớ lại. Tiếc rằng, mùa thu năm 1969, Bác Hồ đã ra đi. Và Trần Đăng Khoa không còn cơ hội để gặp mặt Bác nữa.

Thần đồng thơ tiết lộ về tập thơ đầu tay gửi Bác Hồ - Ảnh minh hoạ 3

Nhà thơ Trần Đăng Khoa năm 1968 trong bộ phim tài liệu "The petit monde de Khoa".

Trần Đăng Khoa sinh ngày 26/4/1958, quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông nguyên là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam.

Hiện nay, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp VHNT Hà Nội. Ông cũng là Trưởng Ban Chung khảo, Hội đồng Giám khảo Quốc gia của cuộc thi Viết thư quốc tế UPU tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay...

Từ nhỏ, ông đã được nhiều người cho là thần đồng thơ văn. Lên 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo. Năm 1968, khi mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên của ông: “Từ góc sân nhà em” (tập thơ tiếp theo là “Góc sân và khoảng trời”) được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản. Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” gồm 107 bài thơ, tái bản khoảng 30 lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới.

Có lẽ tác phẩm nhiều người biết đến nhất của ông là bài thơ “Hạt gạo làng ta”, sáng tác năm 1968, được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính, sau được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc (1971).

Ngoài ra Trần Đăng Khoa còn có các tác phẩm như: Trường ca “Đi đánh thần Hạn” (1970), Tuyển tập thơ Trần Đăng Khoa (1970), “Trường ca Trừng phạt” (1973), Trường ca “Khúc hát người anh hùng” (1974), tập thơ “Bên cửa sổ máy bay” (1986), “Chân dung và đối thoại” (1998), tập truyện- ký “Đảo chìm” (2000)...

Ảnh Bác

Nhà em treo ảnh Bác Hồ

Bên trên là một lá cờ đỏ tươi

Ngày ngày Bác mỉm miệng cười

Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà

Ngoài sân có mấy con gà

Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi

Em nghe như Bác dạy lời

Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa

Trồng rau, quét bếp, đuổi gà

Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi

Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em...


Trần Đăng Khoa- 1966

Nguyễn Hằng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây