Thời điểm năm 2018, cho dù không được đặt chỉ tiêu quá cao ở Asian Games trên đất Indonesia, chỉ chung chung là “tiến xa nhất có thể”, nhưng HLV Park Hang Seo không có tư tưởng đá cho xong, trước khi nghiêm túc làm nên lịch sử, đưa đội Olympic Việt Nam khi đó vào bán kết.
Chính thành công đó của thầy Park khiến cho một bộ phận làm chuyên môn của VFF như bừng tỉnh, từ đó mở ra những mục tiêu xa hơn của bóng đá Việt Nam ở các giải đấu tầm châu lục trở lên, thay vì chỉ nhắm vào đấu trường AFF Cup như hồi năm 2018.
Năm nay, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ đá hai giải tiếng tăm, một ở tầm châu Á là vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, và một ở tầm Đông Nam Á là AFF Cup 2020.
Mục tiêu mà VFF đặt ra cho HLV Park Hang Seo là thành công lớn ở cả hai đấu trường vừa nêu. Với vòng loại World Cup, đội tuyển Việt Nam phải qua được giai đoạn vòng loại thứ 2 khu vực châu Á hiện tại. Còn với AFF Cup 2020, đội bóng của vị HLV người Hàn Quốc phải vô địch.
Khác xa với năm 2018, Asian Games và AFF Cup cách nhau đến vài tháng và HLV Park Hang Seo sử dụng hai đội hình khác nhau cho hai giải đấu: Đội tuyển quốc gia cho AFF Cup và đội Olympic, tức U23 có tăng cường 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi, cho Á vận hội.
Trong khi đó, cuối năm nay, vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup diễn ra sát nhau, và thầy Park buộc phải sử dụng một đội hình cho cả hai giải đấu đấy.
Dự kiến giữa tháng 10 đội tuyển Việt Nam sẽ có trận đấu làm khách trên sân của Malaysia. Đến giữa tháng 11 sẽ là trận đấu với Indonesia trên sân nhà, trước khi có trận chốt vòng loại World Cup trong năm 2020, gặp UAE ở sân đối phương vào ngày 17/11.
Đến ngày 23/11, đội tuyển Việt Nam sẽ bắt đầu hành trình bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup. Tức HLV Park Hang Seo và các học trò chỉ có 5 ngày vừa hồi phục, vừa di chuyển và vừa chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á, sau khi kết thúc nhiệm vụ tại vòng loại World Cup.
Quyết tâm ở mọi sân chơi mà đội tuyển góp mặt là điều bình thường và nên làm. Nhưng ngay cả khi quyết tâm thì cũng không nhất thiết phải sử dụng một lực lượng cho những giải đấu khác nhau mà cần linh hoạt tuỳ từng thời điểm.
Có thể thông cảm cho VFF, bởi áp lực phải có thành tích đối với đội tuyển rất quan trọng, nhất là để tránh sức ép từ phía dư luận.
Tuy nhiên, việc chạy theo thành tích cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu tiên có thể vắt kiệt sức các cầu thủ, quá tải về mặt thể lực lẫn tâm lý. Thứ hai, có thể đánh mất cơ hội tăng cường kinh nghiệm và tính cọ xát cho lực lượng cầu thủ trẻ hơn, vốn rất cần các sân chơi như thế này để trui rèn, trong hoàn cảnh nhiều đội bóng ở Đông Nam Á sẽ không dùng lực lượng mạnh nhất cho AFF Cup 2020.
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn