“Thần đồng piano” Lang Lang “gây thương nhớ” trên sân khấu Nhà hát lớn

Thứ bảy - 01/09/2018 11:57
2 năm qua, Lang Lang mắc chứng viêm gân tay rất nguy hiểm, buộc phải nghỉ ngơi. Đầu năm nay, bác sĩ mới đồng ý cho Lang Lang biểu diễn trở lại nhưng vô cùng chọn lọc. Chính điều này khiến cho buổi biểu diễn hiếm hoi của Lang Lang tại Hà Nội đêm qua càng ý nghĩa hơn.

Đêm qua (31/8), trong tiết trời mùa thu Hà Nội, “thần đồng piano” Lang Lang đã tái ngộ khán giả Việt sau 15 năm. Lang Lang đã mang đến những tuyệt phẩm pinao trong một đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

“Tôi rất hạnh phúc khi trở lại Hà Nội - Việt Nam, đất nước tuyệt vời mà tôi vô cùng yêu thích sau 15 năm”, Lang Lang cảm ơn khán giả và kì vọng sẽ được ủng hộ nhiệt tình cho màn trình diễn ngay sau đó của anh.

“Thần đồng piano” Lang Lang “gây thương nhớ” trên sân khấu Nhà hát lớn
Đứng bên ban công Nhà hát Lớn, Lang Lang có những cảm xúc đặc biệt về Hà Nội sau 15 năm trở lại.

“Thần đồng piano” gửi lời chào đặc biệt đến các khán giả yêu nhạc và cách khán giả Thủ đô phủ kín khán phòng cũng là lời tri ân đặc biệt đến người nghệ sĩ tài năng có công lớn trong việc đưa hơi thở của thế kỉ 21 vào âm nhạc cổ điển.

Đây là lần thứ hai Lang Lang đến Hà Nội. Trước đó, anh đã từng tới Thủ đô biểu diễn hồi năm 2003 cùng cha. Lang Lang thấy Hà Nội đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. “Khi tôi vừa bước xuống sân bay, tôi bị choáng ngợp bởi sân bay mới, cây cầu mới, mọi thứ đã thay đổi, đẹp hơn rất nhiều”, Lang Lang chia sẻ.

“Bật mí thêm một chút là cả cha và mẹ tôi đều dành rất nhiều tình cảm của mình cho Việt Nam. Chuyến lưu diễn vào năm 2003, tôi có đi cùng cha nhưng rất tiếc lần này ông bận nên chỉ có mẹ tôi đi cùng. Ngay khi đến Việt Nam, tôi đã gửi những tấm hình chụp ảnh đất nước các bạn cho cha tôi, ông ấy đã rất xúc động và hy vọng sẽ sớm được quay trở lại đây”, Lang Lang có những tâm sự thú vị trong hậu trường.

“Thần đồng piano” Lang Lang “gây thương nhớ” trên sân khấu Nhà hát lớn - Ảnh minh hoạ 2
Lang Lang dẫn dắt khán giả đắm chìm trong âm nhạc đẳng cấp thế giới.

Sự nghiệp kéo dài tương đương với tuổi đời, cuộc sống gắn liền với những chuyến lưu diễn và hoạt động xã hội nhưng 2 năm qua, Lang Lang mắc phải chứng viêm gân tay rất nguy hiểm, buộc phải nghỉ ngơi. Đầu năm nay, bác sĩ mới đồng ý cho Lang Lang biểu diễn trở lại nhưng phải vô cùng chọn lọc. Chính điều này khiến cho buổi biểu diễn hiếm hoi của Lang Lang tại Hà Nội càng trở nên có ý nghĩa hơn.

Lang Lang đã cùng Hublot đưa âm nhạc cổ điển kết hợp cùng những chất liệu tiên phong và các kĩ nghệ cơ khí siêu phức tạp, là minh chứng cho tinh thần “Art of Fusion”.

Anh đã chinh phục trái tim khán giả yêu nhạc bằng những tuyệt phẩm bất hủ của những nhà soạn nhạc lừng danh Frédéric Chopin, Ren Guang, Franz Schubert, Mily Balakirev, Lü Wencheng như: Walts Op. 64, No. 2; E’tude Op. 10, No. 5; Co; Autumn Moon Over The Calm Lake,…

“Thần đồng piano” Lang Lang “gây thương nhớ” trên sân khấu Nhà hát lớn - Ảnh minh hoạ 3
Anh phiêu diêu trong từng nốt nhạc bằng xúc cảm. Lang Lang từng bị gọi là "kẻ điên khùng chơi nhạc" nhưng anh không ngại.

Khán giả Thủ đô đã có cơ hội chìm đắm trong không gian âm nhạc đẳng cấp thế giới trong tiết trời mùa thu tuyệt đẹp. Thời tiết dường như cũng ủng hộ người nghệ sĩ tài năng thăng hoa khi tiết trời tạnh ráo, mát mẻ sau chuỗi ngày mưa dầm dề.

Ở tuổi 36, âm nhạc của Lang Lang thiên về cảm xúc hơn là phô diễn kỹ thuật. “Một nhà soạn nhạc vĩ đại trên thế giới đã từng nói rằng: “Khi viết ra một bản nhạc thì đó chính là cách chúng ta, đem tất cả linh hồn của con người, cỏ cây, vạn vật vào trong một tác phẩm và sống với những linh hồn đó trong khoảng thời gian đó”, Lang Lang xúc động nói.

Vì luôn hướng đến những cách tân mới mẻ trong âm nhạc cổ điển, Lang Lang từng bị gọi là "kẻ điên khùng chơi nhạc" nhưng anh không ngại. Theo anh, nếu muốn thành công, nghệ sĩ không thể là bản sao của ai khác.

“Với tôi, cảm xúc chính là sự kiến tạo lại, sáng tạo lại mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống và không có bất cứ một giới hạn về không gian, thời gian nào cả”, Lang Lang chia sẻ.

“Thần đồng piano” Lang Lang “gây thương nhớ” trên sân khấu Nhà hát lớn - Ảnh minh hoạ 4
Lang Lang và cậu học trò 12 tuổi (ngoài cùng bên trái) đã đem đến một màn kết hợp tuyệt vời.

Lang Lang và cậu học trò 12 tuổi đã thăng hoa trong tiết mục chơi chung Military March. Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng cậu học trò trưởng thành từ Quỹ tài năng của Lang Lang đã bộc lộ được tài năng thiên phú đặc biệt của mình và có màn kết hợp ăn ý cùng thầy.

Đây cũng là tiết mục khép lại đêm diễn. Được xuất bản tại Áo vào năm 1826, Military March còn được biết đến với tên gọi “Hành khúc Schubert”. Tác phẩm vốn được viết cho đàn piano với 4 tay và đã được nhiều nhà soạn nhạc chuyển biên cho nhiều hình thức biểu diễn và nhạc cụ khác nhau.

Sau khi hoàn thành buổi biểu diễn, Lang Lang sẽ có thời gian đi thăm Hà Nội và khám phá những loại hình nghệ thuật đặc biệt.

“Thần đồng piano” Lang Lang “gây thương nhớ” trên sân khấu Nhà hát lớn - Ảnh minh hoạ 5
Lang Lang luôn khuyến khích và hỗ trợ những tài năng âm nhạc trẻ.

Lang Lang sinh ngày 14/6/1982 tại thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Từ khi mới lên 3, Lang Lang đã bắt đầu làm quen với những phím đàn và chưa đầy 2 năm sau đó, cậu bé người Mãn Châu khi ấy chính thức biểu diễn trước công chúng, giành chiến thắng đầu tiên ở cuộc thi cấp thành phố nơi quê nhà.

Lang Lang từng được tạp chí Time của Mỹ bình chọn nằm trong Top 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Anh cũng đứng chung sân khấu Grammy với những tên tuổi âm nhạc lớn của thế giới, biểu diễn tauh Thế vận hội Olympic, FIFA World Cup và gala dinner của giải Nobel.

Tác giả: Phương Hoàng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây