“Trên đời chẳng có mấy thứ ấm áp hơn cái ôm của một người bà.”
Còn nhớ một đêm năm tôi bảy tuổi, tôi đang say ngủ thì choàng tỉnh giấc, lồm cồm bò xuống giường rồi nhón chân khẽ bước xuống cầu thang tìm bà. Bà tôi thường thức khuya để xem hết chương trình ti-vi yêu thích. Nhưng đêm đó, tôi tìm mãi mà chẳng thấy bà đâu. “Bà ơi”, tôi khẽ gọi, và tim tôi đập từng nhịp sợ hãi. Chưa khi nào tôi cất tiếng gọi mà bà không trả lời. Tôi vừa mếu máo khóc vừa chạy khắp các phòng để tìm bà. Một lát sau, khi chợt nhớ ra bà đã đi chơi xa cùng mấy người bạn thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm, dù nước mắt vẫn còn rơi lã chã.
Tôi trở về phòng và cuộn tròn trong tấm chăn len do chính tay bà đan. Tấm chăn đó mềm mại và ấm áp hệt như những cái ôm bà dành cho tôi. “Ngày mai là bà về rồi”, tôi tự an ủi. “Bà sẽ không bao giờ bỏ mình mà đi đâu.”
Bà đã sống cùng gia đình tôi trước cả khi tôi ra đời. Năm tôi học lớp Năm, gia đình tôi chuyển sang căn nhà mới rộng hơn và mẹ tôi phải đi làm thêm để phụ cha trả tiền nhà. Vì vậy, phần lớn thời gian tôi đều quấn quýt bên bà.
Sau giờ học, đa số bạn bè của tôi phải trở về căn nhà trống vắng vì cả cha và mẹ đều đi làm. Chỉ có tôi là đứa may mắn vì sau mỗi giờ tan học, tôi luôn có bà đứng chờ ở cửa với ly sữa và miếng bánh chuối thơm ngon. Tôi ngồi lọt thỏm trong ghế bành, vừa ăn bánh vừa vui vẻ kể chuyện ở lớp cho bà nghe. Sau đó, bà cháu tôi chơi vài ván đô-mi-nô. Lúc nào bà cũng nhường tôi thắng - ít nhất là cho đến khi tôi thật sự chơi giỏi trò này.
Cũng như bao đứa trẻ khác, thỉnh thoảng tôi có những ngày không vui ở trường hoặc đánh nhau với mấy đứa bạn. Hoặc có thể hôm đó tôi buồn vì cha mẹ không mua cho tôi chiếc xe đạp mà tôi thích nhất trên đời. Không cần biết lý do gì, cứ mỗi lần có chuyện buồn là tôi lại tìm đến vòng tay yêu thương và cái ôm ấm áp của bà. Đối với tôi, cảm giác đó thật tuyệt vời. “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”, bà luôn nhẹ nhàng an ủi mỗi khi ôm tôi vào lòng, và tôi luôn tin vào lời động viên của bà.
Thế rồi một ngày năm tôi 17 tuổi, mọi chuyện không còn ổn nữa. Bà lên cơn đau tim phải nhập viện, và bác sĩ nói rằng sức khỏe của bà yếu đến mức bà phải ở luôn trong bệnh viện.
Tôi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ sống bên bà. Đó là những đêm tôi chìm vào giấc ngủ trong tiếng bà rì rầm cầu nguyện ở phòng kế bên, tôi còn loáng thoáng nghe bà nhắc đến tên tôi trong những lời cầu nguyện đó. Vào cái đêm bà phải nhập viện, tôi cũng cầu nguyện với Thượng đế. Tôi nói rằng tôi rất thương bà và cầu xin Thượng đế đừng mang bà rời xa tôi vì tôi rất sợ phải sống xa bà mãi mãi.
Nhưng ước nguyện của tôi đã không được đáp lại. Bà tôi qua đời vài tuần sau đó. Vào đêm bà ra đi và nhiều đêm sau đó nữa, tôi đã vùi đầu vào gối mà khóc cho tới khi thiếp đi vì mệt. Cuối cùng, vào một buổi sáng, tôi quyết định gấp cẩn thận tấm chăn len bà đan và đưa nó cho mẹ. “Con không thể chịu nổi cảm giác ở cạnh bà mà không thể nói chuyện với bà hay được bà ôm ấp”, tôi nức nở. Mẹ tôi đem cất tấm chăn ấy đi, và sau này, khi tôi đã thật sự trưởng thành thì mẹ mới trao lại cho tôi. Cho đến bây giờ, nó vẫn là một trong những tài sản quý giá nhất của tôi.
Tôi nhớ bà vô cùng, nhớ tiếng cười vui vẻ và nhớ những lời dạy quý giá của bà. Bà đã không thể chứng kiến tôi tốt nghiệp trung học và cũng không có mặt để chúc mừng hạnh phúc trong ngày cưới của tôi. Nhưng sau đó, có một việc xảy ra giúp tôi nhận ra rằng bà chưa bao giờ rời xa mà vẫn luôn dõi theo tôi.
Một năm sau ngày cưới, vợ chồng tôi chuyển đến sống ở một thành phố khác, cách nhà cha mẹ tôi khá xa. Thời điểm đó cũng là lúc vợ tôi mang thai đứa con đầu lòng. Tuy nhiên, trường hợp của vợ tôi là ca mang thai khó với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Suốt khoảng thời gian đó, vợ tôi gần như phải nằm hẳn trong bệnh viện, còn tôi phải ra vào viện chăm sóc vợ nhiều đến mức trước ngày con tôi ra đời vài tuần, tôi bị sa thải do nghỉ việc quá nhiều.
Gần đến ngày sinh, vợ tôi gặp tình trạng huyết áp cao bất thường khi mang thai. Hôm vợ tôi sinh con, bác sĩ không cho tôi vào phòng sinh vì sợ rằng mẹ con cô ấy không qua khỏi. Tôi bồn chồn đi tới đi lui trong phòng chờ khi y tá thông báo rằng hy vọng sống của con tôi là rất thấp và huyết áp của vợ tôi đang tăng rất cao. Cha mẹ tôi đang trên đường đến bệnh viện nhưng họ vẫn chưa tới nơi. Tôi chỉ có một mình và chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng đến thế.
Bỗng nhiên trong giây phút rối bời những âu lo đó, tôi cảm nhận được hơi ấm quen thuộc của vòng tay bà. “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, tôi nghe như tiếng bà nói khẽ bên tai. Bà đến thật nhanh và đi cũng thật vội vàng. Sau đó, căn phòng chờ lại im ắng trở lại.
Cùng lúc đó, bác sĩ vừa hoàn thành ca mổ bắt con khẩn cấp cho vợ tôi. Ngay khi thằng bé vừa chào đời, tim của con đã đập mạnh và ổn định. Và chỉ trong vài phút sau khi sinh, huyết áp của vợ tôi bắt đầu giảm xuống. Cả vợ và con tôi đều đã qua cơn nguy kịch.
“Cháu cảm ơn bà”, tôi thì thầm khi ngắm nhìn cậu con trai xinh xắn mà chúng tôi đặt tên là Christian qua cửa kính phòng sơ sinh. “Ước gì bà có mặt ở đây để chia sẻ với cháu niềm hạnh phúc này.”
Khoảng hai tuần sau, khi vợ chồng tôi đang ở trong nhà chăm con thì nghe tiếng gõ cửa. Anh bưu tá trao cho tôi một bưu phẩm có đề dòng chữ “Quà cho đứa chắt đặc biệt của bà”. Bên trong hộp quà là một tấm chăn trẻ em được đan bằng tay và một đôi giày len xinh xắn.
Sống mũi tôi cay xè và mắt thì nhòe đi khi tôi đọc dòng chữ ghi trên tấm thiệp.
Bà biết mình sẽ không thể có mặt vào ngày chắt của bà ra đời, vậy nên bà đã nhờ người đan tấm chăn này cho chắt. Còn đôi giày này là tự bà làm lấy trước khi đi xa.
Ký tên,
Bà cố của con
Sau này tôi được biết là trong những ngày cuối đời, mắt bà rất yếu nên bà phải nhờ dì tôi làm giúp cái chăn ấy. Nhưng bà đã tự tay đan đôi giày cho đứa chắt mà bà sẽ không bao giờ được biết mặt, và bà đã miệt mài đan nó bằng tất cả tình yêu thương trong những tuần ngắn ngủi trước khi qua đời.
Trích sách “HGTH - Tình yêu thương gia đình”
Sách do First News thực hiện
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn