Ông bước về phía người thợ thứ nhất và hỏi, “Anh đang làm gì vậy?”. Người thợ thứ nhất trả lời có vẻ chán nản, “Ý ông là sao? Tôi đang làm gì hả? Ông không thấy hay sao? Tôi cắt đá. Tôi đến đây lúc bảy giờ sáng, về lúc sáu giờ chiều, và suốt cả ngày tôi toàn cắt đá”.
Vị khách đi đến chỗ anh thợ cắt đá thứ hai và hỏi, “Này anh bạn, tôi hỏi anh một câu được không? Anh đang làm gì vậy?”. Người thợ thứ hai đưa tay quệt mồ hôi trên trán và đáp, “Ông muốn biết tôi đang làm gì à? Tôi đang kiếm tiền lo sinh hoạt phí. Đó là những gì tôi đang làm. Tôi có đến mấy miệng ăn phải nuôi, tiền nhà phải trả, quần áo phải mua. Tôi làm việc để kiếm tiền thanh toán các hóa đơn”.
Vị khách đến bên anh thợ thứ ba và người này cũng đưa tay quệt mồ hôi, cầm lấy đồ nghề và chỉ về phía xa, nơi người ta đang xây một tòa nhà. “Ông muốn biết tôi đang làm gì à? Tôi đang góp phần xây Thánh đường kia kìa.” Với một nụ cười nhẹ nhàng và ánh mắt sáng lấp lánh, anh nói tiếp. “Đức Giám mục sẽ đến Thánh đường đó, truyền dạy cho chúng ta tất cả những gì ngài biết, và nhiều cuộc đời sẽ được thay đổi.” Anh dừng một chút rồi nói, “Ông muốn biết tôi đang làm gì à? Tôi đang góp phần thay đổi cuộc sống của các thế hệ tương lai”.
Theo đuổi công việc mơ ước (với kế hoạch cụ thể) là rất Oola. Nhưng nếu đó không phải là con đường của bạn, hãy làm công việc kiếm sống với niềm tự hào, giống như anh thợ cắt đá thứ ba vậy. Điều đó cũng rất Oola. Hãy làm việc để phục vụ người khác và bạn sẽ được phục vụ.
Sự nghiệp Oola là công việc, nghề nghiệp của bạn. Đa số mọi người dành khoảng một phần ba thời gian làm việc của mình để cống hiến cho lĩnh vực này. Nếu bạn làm công việc nội trợ thì thời gian đó gần như là 100%. Sự nghiệp Oola có hai phần: 1) công việc chính để kiếm sống, và 2) công việc mơ ước.
Đa số chúng ta đều có một công việc để kiếm sống. Nhiều người khát khao có được công việc mơ ước. Một vài người đủ may mắn để đạt được điều đó. Công việc kiếm sống là việc mà bạn làm để trang trải cuộc sống. Đó không phải là đam mê của bạn nhưng sẽ giúp bạn thanh toán hóa đơn sinh hoạt phí. Công việc mơ ước là việc mà bạn khao khát được làm. Nếu tiền không phải là vấn đề thì bạn sẽ muốn làm gì? Bạn cảm thấy thôi thúc làm điều gì?
Đối với một số người thì đó là khởi nghiệp, trở thành tác giả, ở nhà chăm con, làm bác sĩ, hay thậm chí là trở thành lính cứu hỏa. Trong quyển sách bán chạy Quitter (tạm dịch: Kẻ bỏ việc), tác giả Jon Acuff đề cập đến áp lực mà nhiều người trong chúng ta cảm thấy giữa công việc kiếm sống và công việc ước mơ, đó là khoảng cách giữa việc bạn phải làm và việc bạn thích làm. Ông khuyến khích chúng ta theo đuổi công việc mà mình mơ ước, nhưng chỉ khi ta có một kế hoạch rõ ràng. Chúng tôi từng biết nhiều người đã bỏ công việc kiếm sống trong một phút chán chường để theo đuổi công việc mơ ước mà lại chẳng có kế hoạch nào để nối liền khoảng cách giữa hai công việc. Đó là một quyết định không ổn lắm.
Theo đuổi điều mình yêu thích là rất Oola. Nhưng hãy nhớ ba điểm sau đây: Cần xác định việc bạn muốn làm, cần tìm cách để bạn được trả lương cho công việc đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho quá trình chuyển đổi.
Bí quyết dành cho sự nghiệp thành công:
Nếu bạn có một công việc, hãy biết ơn vì điều đó, hãy làm việc tận tâm hoặc thôi việc. Biết đâu được? Có thể nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và bạn sẽ thăng tiến. Còn nếu công việc kiếm sống của bạn hoàn toàn không mang đến cảm giác thỏa mãn và chỉ là bước đệm để bạn tiến tới công việc mơ ước của mình thì cũng chẳng sao. Chúng tôi khuyến khích bạn theo đuổi công việc mơ ước của mình, nhưng chỉ khi bạn có kế hoạch chu đáo. Đừng vội chuyển đổi nếu bạn chưa có cách ứng phó với sự biến động về tài chính mà quá trình này gây ra.
Thời thế thay đổi, công việc cũng thay đổi. Để tiến lên, bạn cần nắm bắt thông tin. Hãy đi trước đón đầu. Dù là trong công việc kiếm sống hay công việc ước mơ, hãy luôn nhìn xa trông rộng. Hãy đọc, tìm người cố vấn, xây dựng mạng lưới quan hệ, học hỏi và phát triển. Việc này sẽ củng cố vị trí hiện tại của bạn và mở ra nhiều cơ hội mới.
Bất kể bạn làm gì, hãy luôn nhìn nhận vấn đề từ góc độ phục vụ người khác. Hãy nhớ câu chuyện ba người thợ cắt đá. Họ làm cùng một công việc nhưng với những góc nhìn hoàn toàn khác nhau. Cả ba người đều nhận số tiền lương bằng nhau, nhưng người thợ cắt đá làm việc với suy nghĩ rằng anh đang thay đổi cuộc sống và phục vụ người khác sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn. Hãy là người thợ cắt đá thứ ba.
Nếu không nhìn thấy lối thoát, hoặc nếu bạn hài lòng với công việc kiếm sống của mình, không có gì phải lo lắng. Lao động là vinh quang. Nếu bạn xác định mình sẽ làm công việc này, hãy làm với phong cách riêng của bạn.
Trích “Tìm bình yên giữa vạn biến”
First News phát hành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn