Một bài kiểm tra y tế sẽ giúp phát hiện “tình yêu đích thực”. Điều này nhiều khả năng sẽ trở thành sự thật vào khoảng năm 2028. Một trong những nhà nghiên cứu thần kinh học hàng đầu thế giới vừa kết luận.
Bài kiểm tra nhẹ nhàng này sẽ giúp phát hiện ra tình yêu đích thực bằng sự hiện diện của những “hợp chất tình yêu” vốn chỉ xuất hiện trong não khi người ta… đang yêu. Tất cả có thể được thực hiện thông qua một cuộc nội soi cắt lớp.
Khi bài kiểm tra này thực sự xuất hiện trong danh mục xét nghiệm tại các bệnh viện, người ta sẽ có thể kiểm tra để chắc chắn rằng mình đã cưới đúng người mình yêu hay chưa, hoặc để biết chắc xem mối quan hệ của mình có thực sự sâu nặng hay không. Bác sĩ thần kinh học người Mỹ - Fred Nour - vừa chia sẻ thông tin thú vị này.
Bài kiểm tra phát hiện “tình yêu đích thực” sẽ xuất hiện trong vòng một thập kỷ tới. Đó sẽ là một bài kiểm tra nhẹ nhàng cho phép nhận biết chính xác xem tình cảm của bạn dành cho “người ta” có thực sự sâu nặng hay không.
Bài kiểm tra sẽ phát hiện ra những hợp chất trong não bộ - vốn chỉ có thể sinh ra trong những hoàn cảnh đặc biệt, như khi một người thực sự đang yêu. Bác sĩ Fred Nour đã chia sẻ thông tin thú vị về bài xét nghiệm “tình yêu đích thực” này vào đúng dịp Valentine năm nay, khi ông cho ra mắt đầu sách mới có tên “Tình yêu đích thực: Tình yêu lý giải bởi khoa học”.
Bác sĩ Fred Nour chia sẻ: “Về mặt lý thuyết, bài kiểm tra này có thể đưa lại câu trả lời cho việc bạn có đang thực sự yêu hay không. Nếu các hợp chất đặc trưng được sản sinh trong não bộ khi yêu không hiện diện ở nồng độ cao trong não của bạn, vậy thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng bạn đang không thực sự yêu say đắm lắm đâu.
“Theo khoa học, khi bạn yêu thật, não bạn sẽ có những biểu hiện khác thường. Ngược lại, bạn cũng có thể sử dụng bài kiểm tra này để biết người ấy của mình có đang say mê mình nhiều hay không”.
Theo bác sĩ Fred Nour, những hợp chất “tình yêu” đặc trưng sản sinh trong não bộ khi một người đang “say tình” có vai trò quan trọng trong việc gắn kết hai con người về lâu dài. Trong khi các công nghệ y khoa đang ngày càng phát triển hiện đại, bác sĩ Nour tin rằng những bài “kiểm tra tình yêu”, cho kết quả lấy ngay một cách đơn giản, sẽ xuất hiện trong nay mai.
5 giai đoạn tình yêu và những tác động tới cơ thể
Các nhà tâm lý học từ lâu đã thống nhất về cơ bản rằng tình yêu có 5 giai đoạn chính, gồm: bồn chồn, gây dựng, đồng bộ, trung thực và bền vững.
Mỗi giai đoạn tình cảm lại có những tác động khác nhau đối với tâm lý và thể chất của chúng ta. Nghiên cứu đã được công bố hồi năm 2014 bởi chuyên trang hẹn hò của Mỹ - eHarmony.
Giai đoạn bồn chồn: Lúc này sự say mê đang ở mức cuồng nhiệt, bạn bị thu hút mãnh liệt về phía đối phương, với những triệu chứng rõ rệt như giảm cân (30% người tham gia khảo sát có hiện tượng này), làm việc kém năng suất (39%).
Về mặt sinh học, trong giai đoạn ban đầu này của việc hẹn hò, cả nam và nữ đều sản sinh ra nhiều hormone testosterone và oestrogen hơn. Kết quả là tới 56% những người mới ở giai đoạn đầu của tình yêu bỗng thấy mình “có cảm hứng” hơn hẳn.
Giai đoạn gây dựng: Sau những hấp dẫn ban đầu, chúng ta bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về nhau, những choáng váng ban đầu dần biến mất, chúng ta bắt đầu thực sự gây dựng tình cảm. Lúc này, cơ thể cho ra hợp chất thần kinh có tên gọi monoamines khiến nhịp tim của chúng ta đập nhanh hơn, khiến chúng ta có những hưng phấn mạnh.
Ở giai đoạn này, đặc trưng tâm lý của bạn là vui vẻ, hạnh phúc nhưng cũng thường lo lắng, bất an nhẹ, bắt đầu từ giai đoạn này, đầu óc bạn không chỉ nghĩ tới mỗi chuyện yêu đương nữa. 44% trong số chúng ta thường bị khó ngủ, mất ngủ, thiếu ngủ trong giai đoạn này; 29% gặp khó khăn trong việc tập trung.
Giai đoạn đồng bộ: Đến giai đoạn này, chúng ta bắt đầu thường xuyên suy nghĩ về việc liệu người kia có phải là người thực sự dành cho mình hay không. Giai đoạn ba này khiến các cặp đôi bắt đầu suy nghĩ bằng lý trí nhiều hơn về mối quan hệ của mình, cân nhắc xem mọi thứ có đúng đắn không.
Lúc này, người ta bắt đầu suy nghĩ về tương lai của mối quan hệ, bắt đầu hình thành nên những giới hạn, quy tắc… khiến đôi bên đều cảm thấy căng thẳng hơn. Sự căng thẳng này dù không thực sự phổ biến, nhưng có khoảng 27% trong số chúng ta rơi vào trường hợp cảm thấy áp lực.
Giai đoạn trung thực: Lúc này, người ta bắt đầu bộc lộ những nét chân thực nhất ở bản thân mình, vì vậy, đôi bên bắt đầu thực sự cảm thấy căng thẳng, lo lắng.
Giai đoạn này khiến cho những hình ảnh hoàn hảo mà mỗi chúng ta đều kỳ công gây dựng với thế giới bên ngoài bớt đi vẻ “lung linh, lấp lánh”. Khi hai người bắt đầu cởi mở, thành thật với nhau, thì đồng thời, cảm giác nghi ngờ và buồn bã cũng xuất hiện ở khoảng 15% những người tham gia khảo sát.
Giai đoạn bền vững: Nếu một cặp đôi có thể cân bằng những cảm xúc thăng trầm ở bốn giai đoạn trên, và họ vẫn muốn ở bên nhau, thì giai đoạn thứ năm và cũng là giai đoạn cuối cùng - gắn kết bền vững - sẽ đưa lại sự tin tưởng và thân thiết đặc biệt hơn cả những giai đoạn trước đó. Nhờ vậy, có khoảng 23% cặp đôi sẽ cảm thấy hạnh phúc, thăng hoa hơn.
Lúc này, những cặp đôi vẫn giữ được sự hưng phấn, hứng thú dành cho nhau sau tất cả, sẽ có sự gia tăng của hormone vasopressin và oxytocin, khiến cho cả hai bên đều cảm thấy gắn kết hơn hẳn. Đây chính là lúc chúng ta cảm nhận sự hài lòng, viên mãn đích thực trong mối quan hệ của mình.
Céline Dion - Because You Loved Me
Tác giả: Bích Ngọc Theo Today/Wall Street Journal
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn