Chuyện cầu thủ ở đội tuổi dưới 22 trở thành tuyển thủ quốc gia ở các nền bóng đá trên thế giới là chuyện bình thường. Nhưng khác biệt rất lớn giữa các nền bóng đá trên thế giới, so với bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ, khi một cầu thủ gia nhập đội tuyển quốc gia, đặc biệt là sau khi cầu thủ đấy trở thành ngôi sao, anh ta không quay lại khoác áo các đội bóng trẻ nữa, mà tập trung phục vụ đội tuyển quốc gia.
Ví dụ như Messi, Tevez, Aguero (Argentina), Owen, Rooney (Anh) đều nổi tiếng khi còn rất trẻ, gia nhập đội tuyển quốc gia lúc còn trong độ tuổi U, nhưng kể từ khi khoác áo đội tuyển quốc gia rồi, họ không quay về đá các giải U nữa.
Bóng đá Việt Nam có đặc thù rất khác, chúng ta vẫn cần thành tích tại SEA Games, vẫn cần khẳng định chỗ đứng ở các giải trẻ cấp châu lục, cụ thể là giải U23 châu Á, nên những cầu thủ dù đã thành danh, thành sao, kể cả đã là trụ cột của đội tuyển quốc gia, vẫn phải phục vụ cho các đội trẻ.
Ví dụ như ở đấu trường SEA Games, bóng đá Việt Nam cực kỳ khát khao bộ HCV nội dung bóng đá nam, sau những 60 năm chờ đợi, nên nếu không dùng Quang Hải hay Đoàn Văn Hậu (những tuyển thủ quốc gia trong độ tuổi có thể dự SEA Games) cũng không được.
Tương tự như thế là trường hợp sẽ xảy ra tại VCK giải U23 châu Á năm 2020, đội tuyển U23 Việt Nam cần bảo vệ hình ảnh của đội đương kim Á quân, nên vẫn cần các cầu thủ nêu trên.
Giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, sẽ kéo dài từ đầu tháng 9 năm nay, đến giữa năm sau. Nếu đội tuyển Việt Nam giành vé vào đến giai đoạn cuối cùng của vòng loại này, chúng ta sẽ đá tiếp đến tận cuối năm 2021.
Xen kẽ với vòng loại World Cup sẽ là SEA Games lần thứ 30 diễn ra vào cuối năm 2019, rồi VCK U23 châu Á vào đầu năm 2020.
Tức là các tuyển thủ quốc gia trong độ tuổi 22 như Quang Hải, như Đoàn Văn Hậu sẽ đá liên tục cho cả 3 đội tuyển, gồm đội tuyển quốc gia (vòng loại World Cup), đội tuyển “U22+2” (SEA Games) và đội tuyển U23 (VCK U23 châu Á), cộng thêm hàng chục trận đấu cho CLB chủ quản của họ tại V-League, cúp quốc gia và AFC Cup, nơi họ cũng đang là trụ cột.
8 trận đấu tại vòng loại World Cup, 6 trận ở SEA Games (nếu “U22+2” Việt Nam vào chung kết), 6 trận tại VCK U23 châu Á (nếu U23 Việt Nam vào chung kết), 9 trận tại V-League từ nay đến cuối mùa, tối đa 3 trận tại cúp quốc gia, từ 2 – 8 trận tại AFC Cup từ nay đến hết năm, tổng cộng vài chục trận đấu đang chờ những cầu thủ như Quang Hải, hay Đoàn Văn Hậu.
Nguy cơ quá tải là nguy cơ đang hiển hiện trước mắt các cầu thủ này, mà trường hợp của trung vệ Trần Đình Trọng (một cầu thủ khác cũng trong lứa của Quang Hải) là một ví dụ điển hình: Rất mong manh và rất dễ chấn thương rồi tái phát chấn thương do phải thi đấu liên tục trong năm ngoái.
Không chỉ có Quang Hải và Đoàn Văn Hậu (CLB Hà Nội), một vài cầu thủ khác trong lứa tuổi 22 như Huỳnh Tấn Sinh (Quảng Nam), Nguyễn Thành Chung (CLB Hà Nội), Nguyễn Hoàng Đức (Viettel)… cũng đối diện với khả năng tương tự, khi họ đều có khả năng đá chính ở đội tuyển quốc gia, đồng thời đã là trụ cột của các đội tuyển U23 và “U22+2” Việt Nam.
Việc điều tiết cho các cầu thủ này, giúp họ tránh quá tải sẽ là bài toán được đặt ra với những nhà chuyên môn trong nước, không chỉ ở cấp độ đội tuyển quốc gia, mà còn ở cấp độ CLB. Nhưng đây chắc chắn là bài toán cực kỳ hóc búa, bởi mùa giải 2019 đang bước vào giai đoạn quyết định, trong khi tất cả các đội bóng đều đang cần người, cho mục tiêu sống còn của từng đội!
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn