Phim Việt ẵm giải quốc tế nhưng lại  bị “lép vế” trên sân nhà?

Thứ năm - 30/05/2019 07:53
(Dân trí) - Từ việc bộ phim đoạt khá nhiều giải thưởng quốc tế, “Vợ ba” phải dừng chiếu sau vài ngày chiếu rạp vì áp lực dư luận có thể thấy không ít bộ phim Việt “xuất ngoại” được hoan nghênh nhưng lại bị chê trách, “ghẻ lạnh” khi tiếp cận khán giả trong nước...

Nhiều bộ phim Việt “rinh” giải quốc tế

Điện ảnh châu Á vừa có niềm vui lớn khi bộ phim “Ký sinh trùng” (Parasite) của đạo diễn Hàn Quốc, Bong Joon Ho giành giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan phim Cannes – Cành Cọ Vàng.

Đại diện cho Việt Nam tại LHP Cannes năm nay là hai bộ phim: “Trống đợi” của đạo diễn Lê Hữu Đăng Khoa và “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân.

“Trống đợi” là phim ngắn thuộc dạng thể nghiệm về đề tài tình cảm xã hội, được trình chiếu tại “Góc phim ngắn”; phim “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” được lựa chọn công chiếu tại hạng mục quan trọng Tuần lễ đạo diễn - một nhánh của LHP Cannes, nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật gồm phim truyện dài, phim tài liệu, phim ngắn không tranh giải chính.

Phim Việt ẵm giải quốc tế nhưng lại  bị “lép vế” trên sân nhà?

Đạo diễn Thiên Ân (trái) và một thành viên ê-kíp nhận giải ở hạng mục Illy Award - một nhánh của LHP Cannes.

Vượt qua 9 đề cử đến từ nhiều quốc gia khác, phim ngắn “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đã giành giải Illy Award dành cho phim ngắn xuất sắc nhất tại hạng mục Directors' Fortnight, thuộc Tuần lễ đạo diễn trong khuôn khổ LHP Cannes 2019.

Trước đó, cũng có một số phim Việt ghi dấu ấn tại một số kỳ LHP quốc tế như phim: “Đảo của dân ngụ cư”, “Vợ ba” còn có “Song Lang”, “Cô Ba Sài Gòn”...

Bộ phim đang gây ồn ào dư luận vì sử dụng diễn viên 13 tuổi đóng “cảnh nóng”, “Vợ ba” trước khi bị dừng chiếu tại Việt Nam cũng đã từng giành giải Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) do NETPAC tài trợ trong khuôn khổ LHP Toronto (Canada) diễn ra vào tháng 9/2018. Bộ phim của nữ đạo diễn Việt kiều Nguyễn Phương Anh còn giành giải Phim xuất sắc nhất, trị giá 71.000 USD tại LHP Kolkata (Ấn Độ).

Đầu tháng 9/2018, bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” của nữ đạo diễn Hồng Ánh nhận được 2 giải thưởng gồm “Best story - Câu chuyện sáng tạo nhất” và nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm được vinh danh tại hạng mục “Giải đặc biệt của giám khảo” dành cho diễn viên xuất sắc tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58 tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc).

Tại LHP Efebo d'Oro (Italia) vào tháng 11/2018, vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, bộ phim này lại một lần nữa “rinh” về giải thưởng lớn Best Film based on a book. Trước đó, bộ phim này từng nhận được 8 đề cử tại LHP quốc tế ASEAN và nhận giải “Bộ phim xuất sắc nhất”, “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” và “Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất”. Ngoài ra, phim còn lọt vào vòng tranh giải tại LHP quốc tế Brisbane 2017 (Australia)...

Cũng tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58, phim “Cô Ba Sài Gòn” của Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn “rinh” giải “Trang phục đẹp nhất”. Đồng thời, bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng được Hội đồng tuyển chọn phim Việt Nam chọn tham dự Oscar 2019 ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.

Phim Việt ẵm giải quốc tế nhưng lại  bị “lép vế” trên sân nhà? - Ảnh minh hoạ 2
Một cảnh phim "Cô Ba Sài Gòn"

Tại LHP quốc tế Tokyo diễn ra đầu tháng 11/2018, diễn viên Liên Bỉnh Phát, người vào vai Dũng “thiên lôi” trong phim “Song Lang” được nhận giải thưởng “Viên ngọc quý Tokyo” (Tokyo Gemstone Awards) cùng 2 diễn viên Nhật Bản.

Ngoài ra còn có bộ phim “Ở đây có nắng” của đạo diễn trẻ Đỗ Nam, “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng, “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi... cũng tham dự và giành một số giải quốc tế.

...Bế tắc thị trường trong nước

Nhưng có một thực tế đáng buồn là, nhiều phim Việt xuất ngoại đoạt giải thưởng quốc tế nhưng khi quay trở lại thị trường trong nước thì lại bị khán giả không mấy mặn mà. Không chỉ khó khăn trong việc kéo khán giả đến rạp, có bộ phim còn bị “soi”, bị chỉ trích...

Điển hình như bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh. Dù giành được một số giải thưởng quốc tế, được báo chí quốc tế khen ngợi nhưng khi “Vợ ba” vừa ra rạp tại Việt Nam vài ngày đã bị dư luận lên án mạnh mẽ.

Sự phản ứng của người xem phim không chỉ dừng ở việc nhà sản xuất sử dụng diễn viên dưới 13 tuổi tham gia những cảnh quay nhạy cảm, không phù hợp mà còn bởi vì nội dung phim bị cho rằng khác xa thực tế của xã hội Việt Nam...

Trước làn sóng chỉ trích nhắm vào bộ phim, trước sức ép từ dư luận, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của nữ diễn viên nhí, ngày 20/5, nhà sản xuất phải xin dừng công chiếu bộ phim.

Phim Việt ẵm giải quốc tế nhưng lại  bị “lép vế” trên sân nhà? - Ảnh minh hoạ 3
Phim "Vợ ba" bị chỉ trích vì sử dụng trẻ em 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm.

Một loạt bộ phim trước đó như “Đảo ngụ cư”, “Song Lang”, “Cha cõng con”... cũng được giới phê bình điện ảnh trong nước ghi nhận và giành giải thưởng quốc tế nhưng không thể làm nên kỳ tích tại các phòng vé trong nước.

Có ý kiến cho rằng, những bộ phim đoạt giải quốc tế bị khán giả “lạnh nhạt” vì tâm lý e ngại phim khó xem. Một số bộ phim dòng nghệ thuật được các nhà làm phim khai thác những vấn đề xã hội quá gai góc, thậm chí là xa lạ với khán giả. Ý kiến khác thì cho rằng, một phần khiến các bộ phim xuất ngoại khó tiếp cận với phần đông khán giả trong nước vì không được quảng bá rầm rộ, nhiều chiêu trò như dòng phim giải trí.

Nhìn sang một số nền điện ảnh thế giới, có thể thấy xu hướng các nhà làm phim đã bắt đầu kéo gần dòng phim nghệ thuật và giải trí. Nhiều bộ phim giành giải thưởng lớn ở các LHP như Oscar, Cannes… đều nhận được sự đón nhận của khán giả trên thế giới. Cách làm phim nhiều ẩn dụ, nội dung nặng về ý tưởng, mang nhiều tính thể nghiệm không còn là sự lựa chọn của nhiều đạo diễn.

Có thể thấy rằng, việc ngày càng nhiều phim Việt đoạt giải thưởng quốc tế là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, làm sao để những bộ phim vừa được đánh giá cao vừa hấp dẫn, gần gũi với khán giả lại là bài toàn khó.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn phim “Những người viết huyền thoại” đoạt giải Bông Sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 18 cho rằng: “Tác phẩm điện ảnh luôn cần cả hai yếu tố: nghệ thuật và giải trí. Hai yếu tố này phải đồng nhất chứ không thể phân định rạch ròi. Cảm xúc của khán giả, của người xem là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu khi thực hiện một bộ phim”.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân kiêm nữ chính phim “Hai Phượng”- bộ phim không chỉ đoạt kỷ lục tại phòng vé Việt Nam, thu về 135 tỷ đồng sau 2 tuần ra rạp mà còn gây ấn tượng khi công chiếu đồng thời tại Mỹ cũng thừa nhận để làm một bộ phim dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí là vô cùng khó. Khán giả đôi khi chỉ thích xem những cái vui vẻ trước mắt, ngại xem những bộ phim cần độ “tĩnh” để thưởng thức.

“Tôi nghĩ đã là một nhà làm phim thì chỉ muốn làm sao để bộ phim của mình được tỏa sáng, được khán giả ghi nhận trước. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn kêu gọi khán giả người Việt ủng hộ phim Việt bởi họ là người quyết định sự sống còn của bộ phim. Nếu khán giả không yêu mến thì phim sẽ không có cơ hội thu hồi vốn hoặc tỏa sáng trên mặt bằng thị trường. Nếu phim Việt không được ủng hộ và tỏa sáng thì các nhà sản xuất khó có thể sản xuất phim nữa, tình trạng này kéo dài thì tương lai sẽ không còn phim Việt để xem. Vì thế tôi cũng muốn khán giả có tinh thần người Việt Nam hãy ủng hộ cho phim Việt Nam”, đả nữ bày tỏ với báo chí khi được hỏi về việc phim Việt “lép vế” ngay trên sân nhà.

Nguyễn Hằng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây