7 tỷ đồng vừa nêu là mức giá chỉ cho 2 lượt trận đấu tại King’s Cup, cụ thể là 2 trận có đội tuyển Việt Nam thi đấu. Chưa có bất kỳ giải đấu giao hữu nào lại có mức giá bản quyền truyền hình cao đến thế tại Việt Nam.
Cũng nhân mùa King’s Cup, đã có hãng lữ hành trong nước chào bán tour du lịch sang Thái Lan đúng dịp này, đi kèm việc xem trận Thái Lan – Việt Nam tại Buriram với giá xấp xỉ 14 triệu đồng, tức là cao khoảng gấp 1,5 cho đến gấp đôi giá tiền một tour du lịch/khách đến xứ sở Chùa Vàng cùng thời điểm.
King’s Cup chưa thấy phát huy giá trị về mặt chuyên môn, đối với những đội tham dự giải, trong đó có đội tuyển Việt Nam, nhưng đã nhanh chóng trở thành đề tài béo bở đối với các sản phẩn ăn theo giải đấu, ăn theo sức hút của đội tuyển Việt Nam.
So việc đá King's Cup với chuyện giả sử đội tuyển Việt Nam đá 2 trận giao hữu riêng lẻ, trong cùng thời điểm, có lẽ không có gì khác biệt.
King’s Cup, gọi là giải đấu, vì nó được tổ chức theo hình thức nối tiếp từ bán kết đến chung kết (hoặc tranh hạng ba – nếu thua ở bán kết), chứ về thực chất, cũng chỉ là 2 ngày đá 2 trận giao hữu riêng lẻ cho từng đội bóng, mà nhà tổ chức khôn khéo lồng vào đúng ngay ngày diễn ra hàng loạt các trận đấu quốc tế trên khắp thế giới, theo đúng lịch “FIFA Days” (những ngày FIFA cho phép các đội tuyển gom quân từ các CLB để đá giao hữu quốc tế).
King’s Cup, hay cụ thể là trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan vì thế có thật sự là trận “đại chiến” như quảng cáo của những nhà tổ chức, như cách thổi phồng của truyền thông nước chủ giải, hoặc khẩu hiệu gây sốc của một vài đơn vị lữ hành đang muốn thu lợi từ đội tuyển Việt Nam, hay không? - Là vấn đề rất đáng quan tâm.
Nếu thổi phồng và hiểu không đúng tính chất của cặp đấu này, của giải đấu này, rất dễ đẩy đội tuyển Việt Nam nói chung và các cầu thủ cũng như HLV Park Hang Seo vào thế khó, đẩy họ vào thế phải chịu áp lực không đáng!
Thắng hay thua trong một trận giao hữu, ở một giải mời chắc chắn không phải là chuyện lớn! Đẩy đội tuyển Việt Nam vào thế phải “đại chiến” với đối thủ, thay vì chỉ cần đá để rà soát đội hình, tìm nhân tố mới, lối chơi mới, thậm chí là tìm hiểu về đối phương, là làm hỏng tính chất cơ bản của mọi trận đấu giao hữu. Đồng thời, có nguy cơ đẩy các cầu thủ vào tình trạng quá tải và tình trạng chấn thương không cần thiết.
Chúng ta dần thấy rõ mục đích thương mại của nhà tổ chức giải, của truyền thông nước chủ giải mà vẫn lao theo họ là đẩy đội tuyển vào thế nan giải.
Dĩ nhiên, sử dụng hay không sử dụng dịch vụ với giá cao là quyền của từng người tiêu dùng, nhưng tốt nhất nên là người tiêu dùng thông minh để có những lựa chọn đúng đắn.
Đẩy trận tính chất của trận đấu này, giải đấu này đi quá xa so với tính chất giao hữu của nó e rằng chưa thấy lợi về mặt chuyên môn, có khi lại chỉ tổ “đục nước béo cò”!
Thiện Nhân
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn