Tại họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến việc thoái vốn cổ phần hoá ở Hãng phim truyện Việt Nam; kết quả xử lý bộ phim “Ròm”; phương án bảo vệ “chủ quyền” cho tà áo dài Việt... đã làm “nóng” cuộc họp.
Liên quan đến chuyện bộ phim “Ròm” sau khi bị xử phạt vì chưa được cấp phép phát hành và phổ biến đã đưa đi dự LHP Quốc tế Busan (Hàn Quốc) đã được cấp phép trở lại và đã tiêu huỷ “tang vật” như quyết định xử phạt, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhà sản xuất phim “Ròm” đã gửi bản phim có chỉnh sửa để xin được cấp phép phổ biến theo đúng quy trình. Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định phim đang trong quá trình xem xét.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, việc báo chí lên tiếng mạnh mẽ về những sai phạm của nhà sản xuất phim “Ròm” cũng sẽ góp phần tạo áp lực, cảnh tỉnh đối với nhà sản xuất… cần có định hướng, hành động đúng đắn, tuân thủ luật pháp.
“Trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình thực tiễn, Bộ VHTT&DL sẽ tham mưu để có những quy định xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật như trường hợp phim “Ròm”...”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về tình hình thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, vì Hãng phim truyện Việt Nam đã cổ phần hóa, hoạt động theo luật doanh nghiệp và các quy định của Bộ Tài chính. Vì thế, nếu báo chí muốn biết thông tin phải hỏi Hãng phim truyện Việt Nam.
“Hiện chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào từ hãng phim. Liên quan đến vụ việc hãng phim, Bộ đã nhận văn bản chỉ đạo của phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Chúng tôi đang làm rồi. Ai quan tâm đến văn bản này, sau cuộc họp lên phòng tôi cho xem văn bản, chúng tôi không thể công bố nội dung văn bản tại đây”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ xác định cụ thể số tiền hoàn trả nhà thầu chiến lược và báo cáo lộ trình. Hiện Bộ đang tập trung xử lý thoái vốn, sau khi xong, sẽ xử lý các cá nhân liên quan và báo cáo ban cán sự.
Tại buổi họp báo, Bộ VHTT&DL đã bình chọn 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu năm 2019 và chính thức công bố logo năm ASEAN 2020. Theo đó, mẫu được chọn là của tác giả Phạm Ngọc Thương (Long An). Logo ASEAN 2020 thể hiện hai nội dung: “Gắn kết và Chủ động thích ứng” (tiếng Anh: Cohesive and Responsive).
Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, trong năm 2019, lĩnh vực văn hóa, gia đình đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10), công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 8). Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL quyết định đã quyết định xếp hạng 37 di tích quốc gia, đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di tích, danh thắng tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch. Các hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” tiếp tục được hoàn thiện để trình UNESCO.
Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, đáp ứng đời sống tinh thần và tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân như: Ngày hội VHTT&DL các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên; Ngày hội VHTT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV; Ngày hội văn hóa Chăm tại tỉnh Phú Yên; Ngày hội VHTT&DL dân tộc Thái lần thứ II tại tỉnh Điện Biên, năm 2019. Ban hành Đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cho các thư viện trong cả nước triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019 được tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc đã thu hút hơn 536.000 bài dự thi trong cả nước, góp phần khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ. Các chỉ tiêu về hoạt động thư viện năm 2019 đã đạt và vượt so với kế hoạch. Mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì và có sự phát triển, cả nước đã có 24.080 thư viện (tăng 14% so với năm 2018)
Trong lĩnh vực điện ảnh, đã hoàn thiện trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chỉ đạo, tổ chức 05 đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI tại thành phố Vũng Tàu.
Năm 2019, cả nước có 264 đội chiếu phim lưu động, đã phục vụ khoảng 9 triệu lượt người xem. Thị trường phát hành phim thương mại có số lượng phòng chiếu là 1050 phòng tại 204 cụm rạp với hơn 148.500 ghế trên cả nước, ước tính doanh thu chiếu phim thương mại đạt hơn 4000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, đã thẩm định hồ sơ, ban hành 448 Giấy phép các loại cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; tổ chức 10 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.
Các đơn vị nghệ thuật Trung ương đẩy mạnh hoạt động tự chủ, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, kinh phí thu từ các buổi biểu diễn có bán vé ước đạt 72,3 tỷ đồng. Các đơn vị nghệ thuật địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn lưu động ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan; quản lý nhà nước về gia đình cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn