Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời vào ngày 7/1 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 72 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với người thân, đồng nghiệp và người yêu nhạc.
Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25/8/1947 tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông là người đa tài khi làm thơ, sáng tác âm nhạc, vẽ tranh và viết báo. Ông từng là Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).
Một số tập thơ và trường ca nổi tiếng của ông như: Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao, Biển mặn. Một số ca khúc gắn với tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo như: Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi...
NSND Doãn Tần
NSND Doãn Tần mất hồi 23h30 phút ngày 17/3 vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 72 tuổi.
NSND Doãn Tần tên đầy đủ là Phan Doãn Tần, sinh năm 1947 tại Thái Bình. Ông được nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến và yêu mến qua ca khúc “Đường chúng ta đi” khi đang học năm nhất tại trường Âm nhạc Việt Nam.
Trong suốt sự nghiệp ca hát của mình, NSND Doãn Tần chủ yếu hát về các ca khúc dành cho người lính như: Cùng anh tiến quân trên đường dài, Chim yến bay, Sông Lô chiều cuối năm, Đường chúng ta đi...
Năm 2005, ông phát hành CD riêng đầu tiên mang tên “Đường chúng ta đi”. Ngoài ra ông còn tham gia giảng dạy âm nhạc trong quân đội. Với những cống hiến cho âm nhạc nước nhà, nghệ sĩ Doãn Tần được phong danh hiệu NSND vào năm 2007.
Nghệ sĩ hài Anh Vũ
Vào sáng 2/4, thông tin nghệ sĩ Anh Vũ đột tử ở tuổi 47 khi đang lưu diễn tại California - Mỹ khiến nhiều người bàng hoàng. Quan tài của nghệ sĩ được đưa về Việt Nam trưa ngày 9/4 và an táng vào ngày 12/4. Rất nhiều nghệ sĩ, người dân đã đến viếng anh trong suốt 4 ngày diễn ra tang lễ.
Anh Vũ sinh ngày 28/7/1972. Anh từng là PGĐ Sân khấu kịch Kim Châu, một trong những sân khấu cũ do bà “bầu” Hồng Vân quản lý.
Anh là diễn viên nổi tiếng của làng sân khấu phía Nam, tham gia hàng trăm tác phẩm, tiểu phẩm sân khấu như: Số đào hoa, Con nhà nghèo, Người vợ ma 2, Cậu Tèo về nước, Thay rể... Ngoài ra, anh được yêu thích qua nhiều vai phụ trên phim truyền hình, điện ảnh như seri Cổ tích Việt Nam, Một chuyến phiêu lưu khác, Gái ế kén chồng...
Trong đó, anh để lại nhiều dấu ấn qua vai má mì ở phim “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng. Anh từng đoạt các giải thưởng như: Diễn viên xuất sắc tại Gala cười 2004, Diễn viên được yêu thích nhất do Nhà hát Bến Thành tổ chức năm 2001, giải Cù Nèo Vàng năm 2004…
Nghệ sĩ Lê Bình
Nghệ sĩ Lê Bình trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện 175, TPHCM vào ngày 1/5. Trước đó, vào tháng 8/2018, ông phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn ba. Lúc đầu, nghệ sĩ cố gắng giữ tinh thần lạc quan để chống chọi với bệnh tật và giấu bệnh tình vì sợ làm phiền mọi người.
Lê Bình tên thật là Lê Thanh Sơn, sinh năm 1953 trong một gia đình gốc miền Tây Nam bộ. Từ một họa sĩ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, ông trở thành diễn viên, soạn giả, đạo diễn nhiều vở kịch. Tác phẩm của ông từng tham gia các liên hoan sân khấu quần chúng và chuyên nghiệp.
Ông được biết đến qua hàng loạt phim: Dòng sông không quên, Đất phương Nam, Đợi khách, Người đàn bà không hóa đá, Hải âu, Đèn không hắt bóng, Mùa len trâu, Cô gái xấu xí, Dưới cờ đại nghĩa... Do ngoại hình cao gầy, khuôn mặt hiền lành, ông thường được giao hóa thân những nhân vật khắc khổ, cam chịu...
“Trùm sò” Giang Châu
NSND Giang Châu đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 8/5, hưởng thọ 68 tuổi. Năm 2016, ông phát hiện mắc bệnh thoái hoá não, sau thời gian điều trị, ông phải ngồi xe lăn và mất dần trí nhớ.
Giang Châu là một trong những “Kép độc” của làng cải lương Việt Nam. Ông tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh 1952 tại Chợ Lách, Bến Tre. Nam nghệ sĩ được biết tới với nhiều vai diễn như: Trần Hùng (Tìm lại cuộc đời), Thừa (Tiếng hò sông Hậu), Út Chất (Ánh lửa rừng khuya), Thái Ngọc (Khách sạn Hào Hoa), Tâm (Tô Ánh Nguyệt)…. Vai diễn để đời của ông là vai Trùm Sò (Nghêu- Sò- Ốc- Hến).
Trong Lễ phong tặng, truy tặng NSND, NSƯT vào chiều 29/8 ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Giang Châu là một trong năm nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu NSND.
NSƯT Quang Thái
Nghệ sĩ Quang Thái qua đời vào ngày 17/6, hưởng thọ 83 tuổi. Theo lời con trai nghệ sĩ thì ông bị tai biến cách đây 3 năm và khoảng 1 tháng trước khi ông qua đời thì sức khỏe yếu dần.
Quang Thái tên đầy đủ là Bùi Quang Thái, sinh năm 1937. Ông được đánh giá là một trong những nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng ở Hà Nội ở khoảng thập niên 1970-1980.
Tên tuổi của ông gắn liền với hàng loạt vai diễn trong loạt tác phẩm lớn như: Phêđô trong Tập nhật ký bỏ quên, Pơtitông trong Ả cave nhà hàng Macxim, Tixafe trong Vụ án người đốt đền, Bottom trong Giấc mộng đêm hè…
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ Quang Thái diễn ra vào năm 1986, khi ông được mời vào vai Tư Chung trong bộ phim nổi tiếng Biệt động Sài Gòn. Mặc dù lúc đó đã 45 tuổi, nghệ sĩ vẫn lột tả được nét khí khái, hào hoa của nhân vật, mang đến vai diễn ấn tượng và thành công nhất trong sự nghiệp của mình.
NSND Anh Thế
NSND Thế Anh qua đời vào sáng 29/9 vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi. Sự ra đi đường đột của nam nghệ sĩ khiến nhiều nghệ sĩ vô cùng tiếc thương.
NSND Thế Anh tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1938 ở Từ Liêm, Hà Nội. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, ông về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông học cùng khóa với các nghệ sĩ: Ngọc Hiền, Trần Tiến, Cao Khương, Đoàn Dũng, Trọng Khôi, Thanh Tú, Mỹ Dung... Trên sân khấu, ông được nhớ đến vai nhân vật sĩ quan Mỹ trong vở “Đêm đen” của tác giả Ngô Y Linh.
Năm 1966, Thế Anh ghi dấu ấn với vai diễn điện ảnh đầu tiên trong phim “Nổi gió”. Hình ảnh chàng trung úy Phương đẹp trai, hào hoa một thời trở thành tiêu chuẩn để đánh giá vẻ đẹp của người đàn ông Việt Nam thập niên 1960. Năm 1977, ông đóng vai một thanh niên nghiện hút trong phim “Mối tình đầu”. Ngoài 50 tuổi, ông tham gia phim Gánh xiếc rong, Điện Biên Phủ, Đêm hội Long Trì...
Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu NSND. Năm 2003, ở tuổi 65, nghệ sĩ góp mặt trong phim truyền hình “Dốc tình” rồi dừng hẳn diễn xuất cho đến nay. Nghệ sĩ Thế Anh tìm niềm vui tuổi già ở việc viết sách và nghiên cứu phim ảnh.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Tác giả của ca khúc “Dư âm” qua đời tại nhà riêng vào chiều 26/12, hưởng thọ 94 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 tại Nghệ An. Ông là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ông nổi tiếng với những sáng tác như: Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre...
Ông còn viết một số ca khúc thiếu nhi như: Màu áo chú bộ đội, Tôi là gà trống, Gà mái mơ, Út cưng... Ông viết nhạc cho phim hoạt hình, múa rối và một số vở chèo: Đảo nổi, Sông Hồng (1967), Nguyễn Viết Xuân (1968). Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn