Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành thành phố và đặc biệt có các giáo sư, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành của trung ương trong lĩnh vực này cùng tham dự.
Trên cơ sở phát hiện mới đây của người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, các cấp ngành liên quan đã quyết định khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26-46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo.
Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy, các cọc gỗ này có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII. Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn và nhấn chìm toàn bộ quân Nguyên Mông xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tùng Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, việc bãi cọc bằng gỗ phát tích tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là sự kiện đặc biệt quan trọng của thành phố bởi có nhiều liên quan đến 3 cuộc chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử của cha ông ta gồm: Ngô Quyền đánh thắng quânNam Hán năm 938; Lê Đại Hành đại thắng quân Tống vào năm 981 và năm 1288 Trần Hưng Đạo đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Cũng theo ông Tùng, Hội nghị diễn ra hôm 21/12 sẽ là cơ sở khoa học để giúp thành phố Hải Phòng triển khai các công việc tiếp theo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học cũng đã đưa ra nhiều ý kiến cũng như cung cấp nhiều chứng cứ liên quan đến việc khẳng định giá trị quan trọng cần được bảo tồn của di tích trên.
Phát biểu kết luận Hôi nghị, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy khẳng định, việc phát hiện, khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên là việc làm vô cùng ý nghĩa, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều. Đây là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền TP Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau.
Ông Lê Văn Thành cũng đề nghị các cấp, các ngành thành phố liên quan cần phối hợp với Viện Khảo cổ học hoàn thiện các thủ tục để tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Đồng thời khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc; tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật, nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các di tích trong khu vực.
An Nhiên
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn