NSƯT Trần Lực bày tỏ: “Cô là diễn viên thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, cùng thời với bố mẹ tôi (bên sân khấu). Tôi đóng cùng cô phim “Tiếng gọi cuối mùa đông” (đạo diễn Cường Việt), “Bà tôi” (đạo diễn Mạnh Cao). Cả hai phim đều đóng con trai cô, đi bộ đội để lại mẹ già thui thủi một mình ở hậu phương.
Bộ phim đầu tiên tôi đạo diễn “Cô bé bên hồ” cô đóng vai bà. Tất cả những nhân vật cô diễn đều toát lên vẻ dịu dàng nhưng cũng rất mạnh mẽ, dám chấp nhận và nhận thiệt thòi về mình như những nhười phụ nữ Việt Nam xưa. Các nhân vật của cô đi vào lòng người bởi lối diễn xuất chân thành, mộc mạc, mạch lạc và đầy cảm xúc.
Ngoài đời, cô đối xử với tôi như người thân trong nhà. Lần nào gặp cô cũng vồn vã hỏi thăm bố Bảng thế nào, mẹ Xuân có khoẻ không và mỗi lần gặp cô lại kể những kỷ niệm thời xa xưa với bố mẹ tôi. Khi chia tay bao giờ cô cũng gửi lời thăm hỏi, chúc sức khỏe bố mẹ tôi.
Cô có cuộc sống hạnh phúc với gia đình chồng và hai người con đều theo sân khấu, truyền hình. Cô có cuộc sống đẹp với bạn bè, đồng nghiệp, yêu thương mọi người và ngược lại bạn bè ai cũng yêu thương cô. Và sự nghiệp - nghề diễn viên của cô rất rất thành công. Hiếm người có tuổi nghề lâu dài bền vững như cô”.
NSND Minh Hằng chia sẻ: “Tôi từng đóng chung với NSƯT Hoàng Yến mấy phim nhưng bộ phim nhớ nhất là “Trạng Quỳnh”. Trong phim, NSND Hoàng Dũng đóng Trạng Quỳnh, NSƯT Hoàng Yến đóng mẹ Trạng Quỳnh và tôi đóng vai vợ Trạng Quỳnh. Tôi nhớ mãi cái cảnh hai mẹ con tiễn Trạng Quỳnh hồi cung đầy bùi ngùi và quyến luyến. Cả hai mẹ con đều khóc khi chia tay người đàn ông mình yêu thương nhất, cảnh này đẹp vô cùng.
Thời điểm đó tôi mới chỉ khoảng 21 - 22 tuổi thôi, xinh xắn lắm. Cô Hoàng Yến thời đó cũng còn trẻ và đằm thắm lắm. Tôi vẫn giữ bức ảnh hai cô cháu đóng chung với nhau ngày đó nhưng tiếc là mấy hôm nay có việc ở xa nhà nên chưa về tìm lại được.
Tôi cũng nhiều lần gặp cô ở ngoài đời. Cô là một người rất tình cảm, nhân hậu và tốt bụng. Tình cảm dành cho mọi người không phân biệt. Tôi nhớ mãi, khi đi quay phim ngoài trời nắng nóng, cô không chỉ quạt cho mình mà còn quạt cho mọi người. Cứ mỗi lần quạt, cô gọi tôi lại gần: “Con gái ơi, lại đây mẹ quạt cho nào”. Cô quạt rồi lấy tay xoa xoa lưng cho tôi như mẹ đang vỗ về con gái của mình vậy. Lần nào gặp, cô cháu cũng trò chuyện vồn vã và thân mật lắm. Trong lòng tôi luôn dành cho cô Hoàng Yến một tình cảm rất trìu mến, khác hẳn với những người khác.
NSƯT Hà Vy bộc bạch: “Vô cùng thương tiếc nghệ sĩ Hoàng Yến, một con người tâm - tài - đức của ngành sân khấu - điện ảnh Việt Nam. Một nghệ sĩ tài năng nhưng kém may mắn và chịu nhiều thiệt thòi. Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cùng đợt với tôi (đợt 4/1997). Danh hiệu này lẽ ra đến với bà sớm hơn nhiều so với hàng con cháu.
Những vai mà bà đóng, dù chỉ xuất hiện vài phút trên màn ảnh nhưng còn xuất sắc hơn nhiều vai chính. Nhưng điều giá trị hơn cả là cái tên Hoàng Yến mãi trong trí nhớ, trong tim mọi người với sự trân trọng, yêu quí. Yêu những vai diễn và tư cách sống của bà. Xin được thắp nén tâm nhang thành kính tiễn biệt bà, cầu mong bà sớm về miền cực lạc”.
NSƯT Minh Vượng cũng tâm sự: “NSƯT Hoàng Yến sống giản dị, khiêm nhường... giống như các vai mà bao năm chị vẫn đóng. Chẳng bao giờ tôi quên hình ảnh chị trong vai người bà tảo tần, lam lũ, ngồi quạt cho đứa cháu giữa trưa. Lúc ấy, đang bố trí máy quay, ánh sáng... chị bảo: “Ngồi xích cái lưng lại đây nhân tiện chị quạt cho mát, ướt hết áo rồi”.
Là người lịch lãm, nhẹ nhàng và là diễn viên gạo cội của điện ảnh nhưng chị khiêm tốn, bình dị, yêu thương bảo ban lớp đàn em, đàn cháu... Nhẫn nại thoại lời khi chúng tôi vấp váp. Chị là người mà tôi yêu kính, học hỏi rất nhiều.
Suốt từ chiều qua tôi bần thần nhớ về chị, cố lục lọi trong tâm trí những phim chị đã làm. Và tôi cứ băn khoăn mãi, tại sao một người cần mẫn, chăm chỉ, yêu nghề, tài năng, có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà như chị Hoàng Yến mà đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vừa rồi, không ai nghĩ đến chị. Lúc đó, chị đã 88 tuổi rồi. Giá như đợt vừa rồi chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân như bác Trần Hạnh thì bây giờ chị ra đi mà người ở lại vẫn cảm thấy mãn nguyện không.
Với tôi, chị là tấm gương sáng đáng để các thế hệ hậu sinh học hỏi về lòng yêu nghề, sự sáng tạo và cống hiến thầm lặng cho nghệ thuật”.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn