NSƯT Kim Xuân sinh ra trong gia đình có bố là một nghệ sĩ cải lương của đoàn hồ quảng Minh Tơ. Tuy nhiên, do giọng hát dù có hơi nhưng sức yếu nên chị không theo nghề của cha mà gắn bó với nghiệp diễn.
NSƯT Kim Xuân tham gia một lớp văn nghệ quần chúng ở trường Sân khấu - Điện ảnh. Hồi đó, cạnh trường Điện ảnh có Đoàn kịch Cửu Long Giang (tức Đoàn kịch Thành phố sau này) và ai học Sân khấu - Điện ảnh ra mà thi đỗ vào Đoàn kịch Cửu Long Giang là sự may mắn lớn lao. Và Kim Xuân đã nằm trong số những người may mắn ấy.
19 tuổi được tuyển vào đoàn, 20 tuổi nữ nghệ sĩ đã có vai chính đầu tiên trong vở “Tình ca” của đạo diễn Bạch Lan. Việc này đã trở thành một sự kiện, lần đầu tiên có một diễn viên trẻ được đứng trên sân khấu chính kịch đóng vai chính.
Khi làm nghề, chị là người may mắn, không chỉ ở Cửu Long Giang mà sau này về bất cứ đoàn kịch nào Kim Xuân cũng được ưu ái giao vai chính. Chị cũng được mời hợp tác trong những phim điện ảnh như: Lẵng hoa tình yêu, Mùi ngò gai, Dù gió có thổi...
Chị chia sẻ, ngày xưa, nhận được nhiều vai chính không có nghĩa là nhiều tiền. Nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề vì quá sợ cảnh nghèo đói. Chị nằm trong số ít người chịu khó bám sàn diễn, dù có lúc chị nghĩ tại sao mình dại dột đi theo nghề này.
Gia đình Kim Xuân không già, nhưng chị thích mọi thứ từ từ nên không vội bỏ nghề. Khoảng những năm 80, đói khổ quá, nghệ sĩ Bảo Quốc thấy thương Kim Xuân và Hữu Châu, bèn lập một nhóm hài cho hai người tham gia.
Đó là cách nghệ sĩ Bảo Quốc giúp để đồng nghiệp không bỏ nghề. Kim Xuân là kiểu đào đẹp, chạy ra sân khấu nói vài câu rồi thôi, không biết diễn hài.
Chị đi diễn hài được 3-4 năm thì được tác giả kịch bản Huỳnh Phúc Điền và đạo diễn Hoàng Phúc mời tham gia một vở kịch dự Liên hoan sân khấu toàn quốc. Cầm kịch bản của cậu thanh niên mới có hai mấy tuổi, chị đọc một mạch và nhận lời luôn.
Thời đó đi diễn hài là kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, trong khi ở sân khấu chính kịch, cát-sê một đêm diễn chỉ đủ ăn tô phở. Diễn chính kịch nghèo vậy thế nhưng vừa diễn hài được vài năm, kiếm được chút tiền nữ nghệ sĩ lại khát khao trở về chính kịch.
May sao, sau đợt hội diễn đó, sân khấu kịch 5B được nhiều người biết tới, có thêm sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang, sân khấu kịch Idecaf của Huỳnh Anh Tuấn... chị dần sống được với nghề.
Thời bao cấp được xóa bỏ, diễn viên có cơ hội nhận nhiều việc hơn, cả kịch lẫn phim. Những vai diễn trên màn ảnh của chị có một điểm chung là đậm chất Nam bộ.
Kim Xuân không tiêu cực khi nhìn nhận nghệ thuật nhưng chị vẫn thấy có không ít phim chạy theo thị hiếu rẻ tiền, bên cạnh những tác phẩm được coi là chỉn chu về tay nghề.
Thị trường phim hiện nay giống như vườn hoa, trong đó hoa có hương thơm rất ít, còn hoa có màu nhưng không hương lại nhiều. Nhưng chị tin, người làm nghệ thuật dễ dãi, chỉ tính toán làm sao cho có lời mà bất chấp tất cả thì họ sẽ bị mai một, sẽ sớm chìm ở đâu đó mà thôi.
Đa phần các nữ nghệ sỹ thường gặp nhiều khó khăn khi phải cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, trong khi chị lại chia sẻ rằng gia đình là nguồn động lực để chị thăng hoa trong sự nghiệp.
Hồi Kim Xuân còn trẻ, quãng mười chín, đôi mươi... ai hỏi điều gì là quan trọng, chị trả lời không đắn đo: “Nghệ thuật”. Lớn hơn chút nữa, ai hỏi điều gì là quan trọng, chị vẫn trả lời: “Nghệ thuật”.
Nhưng khi bước qua tuổi 30, trải qua bao cay đắng, ngọt bùi, có những lúc bị dồn đến chân tường, bị bủa vây với vô vàn khó khăn, chị nhận ra, chỉ có gia đình mới là “lời nói thật”, còn bất cứ sự ve vuốt nào từ bên ngoài cũng đều phải dè chừng.
Cuộc đời chị may mắn có gia đình hạnh phúc. Đổi lại, phần chị, ra ngoài làm việc, xong rồi bước vào nhà, đóng cổng lại thì là một người phụ nữ như bao người phụ nữ khác.
Và chị cũng nghĩ mình đừng nên làm điều gì khác biệt, mà hãy bình đẳng với mọi người trong nhà kể cả đứa cháu nội còn ít tuổi. Triết lý sống của chị là “Nghệ sĩ, bất cứ ai có một gia đình thật sự thì sẽ thăng hoa trong sự nghiệp”.
Mới đây, nữ nghệ sĩ được Sở Du lịch TP. HCM mời đảm nhận vai trò Đại sứ Lễ hội Áo dài 2019. Lễ hội Áo dài TP. HCM dẽ diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ 2/3 đến hết ngày 17/3.
NSƯT Kim Xuân bày tỏ: “Là người đồng hành cùng áo dài, quả thực tôi đã mặc áo dài suốt 40 năm. Tôi nhớ có những năm tháng mình tìm áo dài ở các trường học không ra, bây giờ thì cứ mỗi buổi chiều về thấy các em trong tà áo dài tung bay, những tà áo tung bay lúc tan trường như những cánh bướm rất là đẹp và điều đó làm tôi xúc động lắm”.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn