NSND Quang Thọ kể, ông đã có 4 lần sang Triều Tiên biểu diễn. Lần đầu, năm 1989, ông cùng 10 nghệ sĩ cùng đoàn nghệ thuật tổng hợp (lúc đó NSND Trung Kiên làm trưởng đoàn) được Bộ VHTT&DL Việt Nam cử đi tham gia Liên hoan nghệ thuật Quốc tế hữu nghị Mùa xuân Bình Nhưỡng.
Liên hoan này có tới 77 đoàn nghệ thuật của 77 quốc gia trên thế giới tham dự. Trong liên hoan này, ông thể hiện ca khúc “Bài ca trung thành” - ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và nhận được rất nhiều sự cổ vũ từ phía khán giả với những tràng pháo tay giòn giã.
“Dù đã 30 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi lần tham gia Liên hoan đó. Lúc đó, ông Kim Nhật Thành đã 77 tuổi và trong đêm chung kết (trước đó NSND Quang Thọ đã trải qua 3 vòng sát hạch) diễn ra vào ngày 15/4/1989 (ngày sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành), ông đã đến dự, xem các thí sinh biểu diễn.
Và thật bất ngờ là trong đêm hôm đó, người vỗ tay đầu tiên sau khi tôi dứt lời bài hát bằng tiếng Triều Tiên lại chính là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Và cả hội trường cũng vỗ tay không ngớt theo. Người dân Triều Tiên đã nói với tôi, họ ghi nhận tình cảm của tôi dành cho vị lãnh tụ của họ nhân dịp sinh nhật lần thứ 77 của vị Người thông qua một bài hát nổi tiếng”, NSND Quang Thọ chia sẻ.
Với tiết mục này, ông đã vinh dự nhận được cúp Vàng, trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên được giải vàng tại Liên hoan nghệ thuật Quốc tế hữu nghị Mùa xuân Bình Nhưỡng.
Theo NSND Quang Thọ, năm 1989, bài hát “Bài ca trung thành” có lời khá dài, gồm 3 đoạn. Đây là một bản chính ca của âm nhạc Triều Tiên. Để hát được bài hát này bằng tiếng Triều Tiên, trước khi sang Bình Nhưỡng tham dự Liên hoan, ông đã được người của Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam dạy ông phát âm tiếng Triều Tiên.
Khi đoàn Việt Nam sang đến Bình Nhưỡng, họ cũng đã yêu cầu giáo sư, nghệ sĩ của Nhạc viện Bình Nhưỡng đến nghe để chỉnh sửa những gì cần thiết cho ông. Ông còn nhớ, khi đó, các giáo sư – giảng viên thanh nhạc đến rất đông và có một nữ nhạc công đệm piano cho ông hát.
“Sau buổi tập hôm đó, không có một giáo sư hay giảng viên thanh nhạc nào phát biểu gì cả. Họ bảo với tôi, anh cứ việc hát như thế là được rồi. Họ đánh giá rất cao phần phát âm và phần âm nhạc mà tôi thể hiện. Khi làm việc với ông Tổng đạo diễn Liên hoan thì ông cũng gật đầu và bày tỏ sự tin tưởng đối với phần biểu diễn của tôi”, NSND Quang Thọ kể.
NSND Quang Thọ cho rằng, vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã có nhiều chuyên gia âm nhạc - múa của Triều Tiên sang dạy cho các nghệ sĩ Việt Nam.
“Trình độ âm nhạc của Triều Tiên thời đó rất cao. Họ có những dàn hợp xướng rất lớn. Kỹ thuật thanh nhạc và hợp xướng của họ đó đã vượt xa mình. Càng sau này, âm nhạc của họ càng phát triển. Những dàn hợp xướng của họ rất hoành tráng.
Văn hoá âm nhạc Triều Tiên có những chương trình lớn, đầy đủ dàn giao hưởng, ballet xuất sắc. Họ kết hợp được ballet cổ điển thế giới và múa dân gian nên có những vở múa rất hay. Và những vở có tính dân gian nhưng mang tính học thuật rất nổi tiếng. Đó là điều mà nghệ sĩ chúng tôi được chứng kiến khi tham gia liên hoan.
Họ đã cho nghệ sĩ khắp thế giới biết đến một chương trình nghệ thuật đặc biệt với 5000 diễn viên trên sân khấu. Đó là chương trình khổng lồ, tôi đi nhiều nước trên thế giới và chưa thấy bao giờ. Ở Triều Tiên, có ba nhà hát chứa được 5000 diễn viên trên sân khấu.
Nhạc viện của Triều Tiên rất lớn và quy mô. Âm nhạc rất phổ cập, họ đào tạo âm nhạc từ bé, từ năm các em thiếu nhi mới 6, 7 tuổi nên có nhiều nhân tài và nghệ sĩ”, NSND Quang Thọ kể thêm.
Và trong chương trình âm nhạc “Ánh dương mùa xuân” - chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tới đây, NSND Quang Thọ sẽ thể hiện lại ca khúc “Bài ca trung thành”. Ông cảm thấy rất vinh dự và hạnh phúc vì được thể hiện lại ca khúc ý nghĩa này.
NSND Thái Bảo cho biết, trong chương trình “Ánh dương mùa xuân” chị sẽ thể hiện ca khúc “Đam mê” ca ngợi lãnh tụ Kim Jong In, tác phẩm đã đem về cho chị cúp Bạc Liên hoan nghệ thuật hữu nghị Mùa Xuân tháng Tư Bình Nhưỡng (April Spring Friendship Art Festival-ASFAF) năm 2012.
“Đoàn Việt Nam năm đó có 4 ca sĩ tham gia gồm: Thái Bảo, Đức Long, Ngọc Khang, Tố Uyên. Gọi là Liên hoan nhưng thực chất là một cuộc thi âm nhạc với sự tham gia của 54 đoàn nghệ thuật đến từ quốc gia.
Trước đó, BTC đã gửi cho Đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam danh sách các bài hát bằng tiếng Triều Tiên mà ai tham gia cũng phải hát một trong số những bài đó. Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì Triều Tiên là đất nước chuyên hát dòng nhạc chính thống và cổ điển.
Tôi lo không biết có bài nào phù hợp với mình không và mình có đáp ứng được yêu cầu không. May mắn là khi tôi chọn ca khúc “Đam mê” do một nữ ca sĩ Triều Tiên thể hiện lại có giọng giống hệt tôi, thậm chí cô ấy còn hát thấp hơn tôi một tông giọng.
Tôi là người rất cẩn trọng khi hát tiếng nước ngoài nên đã tìm đến các lưu học sinh Triều Tiên tại Việt Nam để nhờ họ dạy thêm cho cách nhả chữ thật chính xác.
Chưa dừng lại ở đó, khi sang đến Triều Tiên, tôi lại lân la hỏi những người nghệ sĩ ở đây để cho tiết mục thật hoàn thiện. Tôi luôn sợ mình hát sai lời bởi với một bài hát ca ngợi lãnh tụ mà người dân Triều Tiên vô cùng tôn kính lại đi hát sai lời thì phản cảm lắm.
Và thật bất ngờ, hôm thi đầu tiên, vừa cất lên câu đầu tiên khán giả ngồi dưới đã vỗ tay rất to rồi. Tôi rất xúc động và lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu sao thi mà khán giả lại vỗ tay. Nhưng chính nhờ tiếng vỗ tay đó đã khích lệ sự tự tin của tôi lớn hơn. Khi hát xong bài thì khán giả vỗ tay liên tục không muốn tôi vào. Tôi vào đến cánh gà rồi mà khán giả vẫn vỗ tay không ngớt.
Khoảng vài tiếng sau, cô bé phiên dịch có nói với tôi là báo Nhân dân của Triều Tiên có viết một đoạn về tôi, nội dung đại ý là có ca sĩ đến từ Việt Nam hát ca khúc ca ngợi Chủ tịch Kim Jong In rất nồng nàn và cảm xúc, chạm đến trái tim của nhân dân Triều Tiên.
Nghe thế, tôi cảm thấy rất sung sướng và hãnh diện vì mình đã làm được điều mà mình không dám nghĩ tới. Lúc đó tôi không hề nghĩ tới chuyện mình được giải hay không được giả, chỉ cần được khán giả ngợi khen là đã hạnh phúc lắm rồi.
Khoảng 3 ngày sau, duy nhất mình tôi là đại diện cho đoàn Việt Nam được chọn vào gala. Đến ngày cuối, khi công bố kết quả thì tôi được trao cúp Bạc, các tiết mục đơn ca của cuộc thi thời đó không ai được vàng cả. Thành tích toàn đoàn thì được cúp Vàng”, NSND Thái Bảo kể.
Theo NSND Thái Bảo, sau khi thi xong (trong thời gian chờ đợi kết quả), BTC cho các nghệ sĩ tham gia Liên hoan đi xem một đêm biểu diễn rất lớn, hoành tráng... của Triều Tiên.
“Tôi đã thật sự choáng ngợp khi được xem đêm nhạc đó. Tôi nghĩ không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng phải tham khảo và học hỏi về sự chuyên nghiệp của họ. Cái sự đều tăm tắp và hoà quyện với nhau chắc chỉ có âm nhạc Triều Tiên mới làm được như thế.
Trên sân khấu âm nhạc Triều Tiên, một hợp xướng của họ có tới 300 người nhưng họ xếp đội hình rất gọn và 300 người đều tăm tắp như một người. Đều từ cách hoá trang, cách ăn mặc, cách mở khẩu hình, thần thái khi biểu diễn, động tác giơ tay... Cho đến bây giờ, kỷ niệm của lần biểu diễn đó và lần được xem biểu diễn đó tôi vẫn chưa thể quên”, NSND Thái Bảo kể thêm.
Nữ nghệ sĩ xứ Nghệ cho biết, lần này, khi thể hiện lại ca khúc “Đam mê” chị vui sướng, tự hào nhưng cũng cảm thấy rất hồi hộp. Vì đã 7 năm trôi qua lại hát bằng tiếng Triều Tiên nên chị phải tập lại từ đầu cùng dàn nhạc.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn