“Ai được chọn làm lồng tiếng cũng oách”
NSND Trung Anh kể, anh đến với công việc lồng tiếng phim rất tình cờ và bất ngờ. Lúc đầu, anh nghĩ giọng mình không được hay nên không bao giờ nghĩ mình có thể làm được công việc này.
Tuy nhiên, vào năm 1997, khi tham gia phim nhựa “Đồng đội” của đạo diễn Hà Sơn, anh được đạo diễn yêu cầu phải tự lồng cho chính nhân vật của mình đóng. Lần đầu tiên bước vào phòng lồng tiếng có nhiều bỡ ngỡ nhưng rồi cũng hoàn thành công việc.
“Sau lần lồng tiếng đó, anh Trọng Phan thấy tôi lồng tiếng ổn nên cứ có việc lại gọi lên làm. Hồi đầu chủ yếu lồng tiếng phim nhựa, sau mới có phim truyền hình. Thời kỳ có phim truyền hình Việt Nam thì cũng chỉ phim ngắn tập. Tiếp đó là đến thời kỳ lồng tiếng phim nhập khẩu như: Ôshin, Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc, Cô chủ nhỏ, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Trở về Ê-đen... Thời đó lồng không biết bao nhiêu phim mà kể, ngày nào cũng có việc để làm.
Nhớ nhất là phim “Oshin” vì đó là phim truyền hình nước ngoài đầu tiên tập trung đông đảo diễn viên vào lồng tiếng. Và phim vốn dĩ mỗi tập chỉ 15 phút nhưng khi phát trên sóng truyền hình Việt Nam thì được gom 3 tập lại làm 1 nên mỗi tập dài 45 phút. Trong lần đầu tiên, 15 phút phim phải lồng tiếng một tuần mới xong, dù các nghệ sĩ làm từ 8h sáng tới 10h đêm.
Khi đó, các nghệ sĩ còn phải làm quen với thiết bị kỹ thuật số do phía Nhật mang sang lắp đặt. Phim huy động tới cả trăm nghệ sĩ lồng tiếng trong đó có NSND Trọng Khôi, NSND Trần Nhượng, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Hương Dung, NSƯT Đỗ Kỷ, NSND Lan Hương, NSƯT Trung Hiếu, cố NSƯT Văn Hiệp, NSƯT Lan Hương - Bích Ngọc, NSƯT Bích Thủy - Bích Ngọc, NSƯT Phú Thăng... cùng nhiều diễn viên lồng tiếng nhí. Có những tập phải lồng đi lồng lại vì người này đạt thì người kia chưa đạt nên phải lồng lại từ đầu.
Trong các phim đó, nhiều khi một phim mà tôi phải lồng nhiều vai. Trong bối cảnh làm ra đồng tiền khó khăn thì công việc lồng tiếng phim giúp chúng tôi có thu nhập tốt”, NSND Trung Ah nói thêm.
Nam nghệ sĩ kể, thời đầu lồng tiếng phim truyền hình rất vui. Thời đó còn chạy băng từ nên rất hiếm kênh để lồng và diễn viên phải tập trung rất đông để lồng. Phòng bên cạnh phòng thu là phòng chờ lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Về sau nhiều kênh nên ai đến lồng xong lại về.
“Ai được chọn làm công việc lồng tiếng thời đó cũng oách vì vừa vui, vừa có việc làm, vừa có thu nhập tốt. Bối cảnh thời đó, phim không nhiều, thỉnh thoảng mới có một phim nên lồng tiếng là công việc thường xuyên của những diễn viên sân khấu như chúng tôi. Mà ngày xưa cũng không có nhiều người lồng tiếng lắm đâu”.
“Nghề lồng tiếng là nghề tình cảm bị cưỡng bức”
Cặp vợ chồng Lan Hương - Đỗ Kỷ cũng là giọng lồng nổi tiếng của hàng loạt bộ phim ăn khách. Chính NSND Lan Hương là người đã lồng tiếng cho nhân vật bà Vi do NSƯT Hoàng Yến thể hiện trong phim “Của để dành” năm 1998.
Ngoài ra, chị từng lồng tiếng cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Thu An, NSƯT Thanh Hiền... Mỗi nghệ sĩ lại có một cái “e” riêng, người lồng tiếng vừa phải hiểu nhân vật vừa phải hiểu diễn viên mà mình lồng tiếng.
“Tôi thấy công việc này rất thú vị và bổ trợ cho diễn xuất của mình rất nhiều. Nhiều trường hợp, người lồng tiếng khiến vai diễn thành công hơn, góp phần đẩy cảm xúc của người xem đến cao trào.
Nhiều người bảo, đây là nghề tình cảm bị cưỡng bức, phản xạ bị cưỡng bức cũng đúng. Người lồng tiếng phải đẩy cảm xúc một cách thụ động theo diễn viên. Không phải ai là diễn viên cũng lồng tiếng được.
Có người có tình cảm nhưng không bắt được lời, hoặc bắt được lời lại không có cảm xúc. Trong thời gian cực ngắn phải thuộc lời thoại, tình cảm nhưng phải quên ngay khi sang phân đoạn khác. Có khi đang vui vẻ lại phải chuyển sang cảm xúc đau khổ.
Nhưng người lồng tiếng trước hết phải vượt qua cảm giác một mình trong phòng thu, tự biên tự diễn. Vào trong đấy, tất cả im phăng phắc. Có người lần đầu vào không nói được, mở miệng là nhân vật nói xong, hình ảnh trôi đi mất rồi”, NSND Lan Hương nói.
Theo nữ nghệ sĩ, để lồng tiếng tốt, người làm nghề cần phải tìm hiểu cá tính nhân vật, bước chuyển tâm lý trong vai diễn. Không phải cứ đeo tai nghe vào và đọc theo lời, như thế chỉ gọi là “thợ đọc”. Cần phải thể hiện tình cảm giống như nhân vật. Bên cạnh việc tạo cảm xúc như thật, người lồng tiếng còn phải luôn giữ được tiếng nói rõ ràng. Dù có khóc cũng phải giữ ở mức để khán giả vừa thấy có cảm xúc, vừa nghe được lời của nhân vật mà không bị méo mó.
NSƯT Hương Dung cũng là giọng lồng trở nên thân thiết với khán gián giả truyền hình từ những năm thập niên 80. Kể từ vai lồng tiếng đầu tiên là lồng tiếng cho nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ (do nghệ sĩ Lê Vân đóng) trong phim “Đêm hội Long Trì” của đạo diễn Hải Ninh, cho đến nay, số phim mà Hương Dung tham gia lồng tiếng đã lên tới hàng trăm.
Có thể kể đến những phim nổi tiếng như: Mẹ chồng tôi, Mùa lá rụng trong vườn, Tia nắng mong manh, Đường đời, Mùa lá rụng, Chuyện phố phường, Lập trình cho trái tim... Đặc biệt, trong serie phim “Cảnh sát hình sự”, hầu hết các phần đều có chị tham gia lồng tiếng cho các nhân vật nữ trung tuổi như: “Phía sau một cái chết”, “Cô gái đến từ Băng Cốc”...
Các bạn nghề của chị vẫn thường đùa: “Cứ ca nào “khó đỡ” đều rơi vào tay Hương Dung cả”. Thậm chí, có phim, Hương Dung người Bắc nhưng lồng tiếng Quảng Bình rất ngọt, chữa cháy cho một đoàn phim đang thiếu chất giọng này. Lần khác là một vai hề phải hát lời cổ, chị cũng thành công nhờ vốn tích lũy từ chính những gì đã quan sát, nghe, xem, học theo.
Theo NSƯT Hương Dung, lồng tiếng phim đã bồi đắp cho chị nhiều kinh nghiệm để giảng dạy lớp diễn viên trẻ. Khi lồng tiếng, không có nhân vật nào khó cả, chỉ khó khi nghệ sĩ không chịu tích lũy, đầu tư và quan sát. Với nữ nghệ sĩ, những vai có tính cách mạnh sẽ khó hơn chút vì phải truyền tải cảm xúc của nhân vật đến khán giả.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn