Nghệ sĩ Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ gạo cội của làng sân khấu vừa có quyết định chính thức được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ông nhận được danh hiệu cao quý này khi đã bước vào tuổi 90, mắt đã mờ, tay run, chân yếu…
Bây giờ, mỗi ngày, ông được con dâu thứ 3 chở ra cửa hàng ở ga Trần Quý Cáp - Hà Nội để trò chuyện cho đỡ cô đơn. Người nghệ sĩ chuyên trị vai hiền khổ trên màn ảnh dù đã “cửu thập lai hy” nhưng vẫn minh mẫn và vui vẻ. Gặp ai ông cũng đôn đả và hiền hậu tiếp đón dù nói chuyện không được lâu như trước.
Cảm xúc của ông như thế nào khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khi đã ở tuổi “cửu thập cổ lai hy”?
Thú thật, tôi cũng mới chỉ nghe người ta nói tôi đã có quyết định chính thức được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân chứ cũng chưa được cầm trên tay tờ quyết định đó. Mọi người cứ chúc mừng ầm ĩ cả lên chứ nào đã có ai thông báo tường tận cả cho mình biết đâu.
Mà mấy chục năm làm nghề, từ hồi còn ở sân khấu kịch Hà Nội cho đến khi chuyển sang đóng phim truyền hình… tôi cũng chưa bao giờ mong mình được cái nọ, được cái kia cả. Tôi chỉ mong làm sao để hoàn thành thật tốt những vai diễn mà người ta mời mình tham gia.
Nếu được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận rồi phong tặng danh hiệu cho tôi thì tôi cũng mừng còn nếu không được cũng chẳng sao cả. Với tôi, danh hiệu cao quý nhất vẫn là sự kính trọng, yêu mến của nhân dân, đồng nghiệp… Tôi chẳng để tâm chuyện mình được phong tặng danh hiệu sớm - muộn gì đâu.
Vậy ai là người đã hỗ trợ ông trong việc làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần này, thưa ông?
Hồ sơ của tôi là do Nhà hát Kịch Hà Nội cử cậu Lộc bên phòng hành chính của Nhà hát đến làm cho tôi. Các anh ấy làm rồi gửi nộp cho tôi chứ tôi cũng không rành về mấy cái này. Với lại, giờ tuổi cao sức yếu rồi, có đi lại được như trước đâu mà cũng nhìn không rõ nữa nên ai giúp cho việc gì thì cảm ơn người ta thôi.
Ông còn nhớ những vai diễn đầu tiên của mình trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội lúc mới bước vào nghề không?
Có chứ, cái gì có thể quên chứ những kỷ niệm đó không thể quên được. Nhà tôi vốn không có ai hoạt động nghệ thuật cả. Ngày đó, tôi đang mưu sinh bằng nghề khâu giày và đã có một vợ ba con. Thời điểm đó, việc đóng giày vất vả mà thu nhập ít ỏi lắm. Nhiều khi thu nhập không đủ nuôi gia đình.
Những năm 60, tôi may gặp giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, thấy tôi làm công việc khâu giày cực nhọc quá nên anh ấy viết cho tôi mấy chữ bảo tôi qua gặp trưởng Đoàn kịch Hà Nội. Tôi còn nhớ lúc đó ông ấy viết thư vào tờ lịch cũ. Khi chuyển qua đóng kịch, lương bậc 2 của tôi mỗi tháng cũng được 40 đồng, đong được mấy yến gạo, đủ để nuôi cả nhà mấy miệng ăn.
Mặc dù tôi không được đào tạo chính quy nghề diễn xuất mà chỉ là dân nghiệp dư bước qua nhưng tôi rất yêu thích công việc này vì được đóng nhiều dạng vai khác nhau nhau, được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc. Lúc vui tươi, lúc buồn bã, lúc hạnh phúc, lúc đắng cay…
Trong những năm đầu đến với sân khấu, vai sang nhất và cũng là vai tôi thích nhất là Nguyễn Trãi trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”. Trong tập sách “Người Hà Nội”, anh Lưu Quang Vũ có viết: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.
Thời đó, vở kịch này đắt khách lắm, dù đang chiến tranh nhưng chúng tôi vẫn phải diễn ngày 3 suất: sáng, chiều, tối. Nhiều khi diễn xong suất cuối mà mệt không nói ra hơi, chỉ biết cúi đầu cảm ơn khán giả. Đưa vở về diễn ở các vùng nông thôn cũng được khán giả chào đón và yêu mến lắm.
Sau này, khi nghỉ hưu năm 1989, tôi chuyển qua đóng phim truyền hình nhiều hơn. Lúc ấy 60 tuổi, tôi không như bây giờ đâu, trông "khang trang" lắm, trông tôi có vẻ được (cười). Anh em quý, họ bảo nhau, có vai nào thì gọi thằng Hạnh, cho nó đi làm để nuôi vợ con. Vai tôi nhớ nhất trong lĩnh vực phim truyền hình là vai ông Khiển trong phim “Người cầu may”. Những năm gần đây tôi được người ta mời đóng cả phim truyền hình lẫn phim điện ảnh nhưng cũng chỉ những vai nho nhỏ thôi.
Khi thấy ông tình tứ với các bạn diễn trên sân khấu trong những màn hoá thân thành các nhân vật, bà xã ông có bao giờ ghen không?
Ôi, bà ấy ghen kinh lắm. Tôi còn nhớ, khi tôi đóng với bạn diễn trong vở “Lam Sơn tụ nghĩa”, có lần diễn ở rạp Đại Nam, bà ấy mài cả con dao đứng trước cửa rạp để đánh ghen. May hôm đó có cô ruột tôi đi xem vở, tôi phải nhờ cô tôi ra dàn xếp bà ấy mới chịu về để cho tôi lên sân khấu. Cô tôi bảo: “Mày về ngay, để nó đi làm kiếm tiền nuôi mấy mẹ con chứ”. Bà ấy ghen thế nên tôi đâu dám có tình ý với ai (cười). Bây giờ thì bà ấy đã đi xa được 10 năm rồi.
Tại sao trong số các con, ông không hướng cho ai theo nghiệp của mình?
Nghề này có một cái lạ là nghề đi tìm người chứ người không thể đi tìm được nghề. Có dạy bằng mấy cũng chẳng được. Dạy hàng trăm người cũng chỉ có vài người ra hồn thôi. Phải trong tâm rất quý nghề và phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ mới trụ được.
Thời điểm này sức khoẻ của ông thế nào, thưa ông?
Sức khoẻ của tôi bây giờ cũng kém đi nhiều lắm. Mỗi bữa ăn được lưng bát cơm, sáng lưng bát, chiều lưng bát, trưa ăn quà với con dâu ở cửa hàng. Nhiều người bảo tôi ăn tốt vào mới khoẻ nhưng tôi không ăn được. Cách đây một năm, mỗi bữa tôi còn ăn được vài bát phở, còn bây giờ tôi chỉ ăn được có nửa bát mà cũng vất vả lắm. Đến tuổi này rồi, sức khoẻ mỗi lúc một yếu dần đi như ngọn đèn hết dầu ấy.
Vậy bây giờ người ta mời ông đóng phim thì ông còn tham gia được nữa không?
Tình yêu của tôi đối với sân khấu và phim ảnh thì không bao giờ vơi cạn. Nhưng có tuổi rồi nên nếu người ta mời vai ngăn ngắn mà có xe đến chở thì tôi có thể tham gia được chứ vai dài là tôi không kham nổi. Ngày xưa, cứ ai mời đóng phim tôi nhận hết, theo đoàn phim cả năm cũng không ngại, ngày nào cũng “phi ngựa chiến” (cách NSND Trần Hạnh gọi chiếc xe cúp 82 - PV) đến phim trường, chẳng hề hấn gì hết.
Bây giờ mắt bên phải của tôi là hoàn toàn không nhìn thấy gì, mắt bên trái chỉ còn 40%. Mỗi lần người ta đưa kịch bản mời tôi đóng tôi toàn phải nhờ con dâu đọc cho nghe còn mình ngồi nhẩm để thuộc thoại. Bình thường nhìn mọi thứ xung quanh cũng chỉ là cái bóng thôi chứ không rõ hình hài và màu sắc nữa.
Chân tay đi lại cũng run rẩy và yếu lắm. Tay phải cũng không nắm được thì nữa. Nhiều khi các con phải bê cơm đến tận giường cho tôi vì sợ tôi đi lại vấp ngã. Lương hưu bây giờ tôi không thể đi nhận được vì không ký nổi. Tôi phải làm giấy uỷ quyền nhờ con dâu đi nhận hộ.
Ở tuổi này rồi, sức khoẻ ngày một yếu, phim cũng không tham gia được nhiều... mà cũng không giúp được con cháu nhiều như trước, ông có cảm thấy buồn không?
Có chứ, buồn chứ. Bây giờ sức khoẻ ngày càng yếu, không giúp được con cháu như trước, lại còn phải nhờ vả các con, tôi buồn lắm. Tôi bây giờ đang ở với vợ chồng cô con dâu thứ 3. Tôi may mắn có được cô con dâu rất yêu thương tôi. Theo dõi và chăm sóc cho tôi từng bữa ăn giấc ngủ.
Tôi bây giờ cũng chẳng ước mong gì cả, chỉ mong cái mắt nó sáng lên và tay nó cứng hơn để đỡ phải phiền con phiền cháu. Tôi mổ đục thuỷ tinh thể cách đây 10 năm nhưng bây giờ thì mờ tịt.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929. Ông đã có được những vai diễn xuất sắc trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc.
Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 70, đầu 80 của thế kỷ trước, khi vào vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ “Lam Sơn tụ nghĩa” (huy chương vàng Liên hoan Kịch toàn quốc), đảm nhận một vai chính trong vở "Tiền tuyến gọi" hay trong "Âm mưu và tình yêu" được dựng bởi đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.
Trong tập sách Người Hà Nội, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".
Trần Hạnh được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình như vai ông bí thư đảng ủy trong phim “Làng nổi”, bố An trong phim “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “Tướng về hưu”, ông Khiển trong phim “Người cầu may”, ông Lâm trong phim “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong phim “Hãy tha thứ cho em”.... Năm 1984, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Hà Tùng Long
Ảnh, clip: Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn