Trong 65 năm qua (15/3/1953 - 15/3/2018), nền điện ảnh Việt Nam đã đồng hành cùng sự phát triển của đất nước từ thời kỳ kháng chiến, đấu tranh và thống nhất đất nước đến thời kỳ đổi mới và hội nhập. Hai hãng phim và hai cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý, nhiều tập thể và cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập.
64 nghệ sĩ được phong tặng NSND, 245 nghệ sĩ được phong tặng NSUT, 5 tác giả được tao tặng giải thường HCM và 46 tác giả được trao tặng giải thưởng nhà nước về VHNT. Hàng trăm tác phẩm điện ảnh có chất lượng được đánh cao qua các giải thưởng trong nước ở các hạng mục của giải thưởng Bông Sen Vàng, bông Sen Bạc và Cánh diều vàng.
Trong năm 2017, cả nước đã có hơn 467 đơn vị sản xuất phim, 6 doanh nghiệp phát hành phim trong nước, 3 doanh nghiệp phát hành phim nước ngoài, hơn 700 phòng chiếu phim hiện đại với hơn 111 nghìn ghế, thu hút hơn 45 triệu lượt khán giả đến xem và đạt doanh thu hơn 3000 tỷ đồng.
Với sự đặc thù là một ngành nghệ thuật có tính quốc tế cao, điện ảnh Việt Nam cho ra đời nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình. Nhiều bộ phim được vinh danh tại các liên hoan phim quốc tế và trong khu vực. Điện ảnh đã khai thác sâu sắc những vấn đề gia đình, xã hội và quốc tế để đưa vào phim Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ghi nhận những đóng góp của Điện ảnh Việt Nam. Nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã thể hiện được bản sắc văn hóa của dân tộc, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam anh hùng, bản lĩnh và đoàn kết. Nhiều bộ phim đã thực sự trở thành những tác phẩm điện ảnh kinh điển trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, ghi dấu ấn mạnh mẽ về một nền điện ảnh trẻ nhưng đã có ý chí và uy tín nhất định trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, ngành điện ảnh Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất và tổ chức thực hiện các dự ản sản xuất, phát hành phim theo mô hình xã hội hóa, thu về những thành công đáng khích lệ về ý nghĩa xã hội và giá trị kinh tế. Trong thời gian tới, ngành điện ảnh cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất những vấn đề có tính chất chiến lược để điện ảnh Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim, tiếp tục xây dựng nền điện ảnh Việt Nam trở thành một trong những ngành văn hóa mũi nhọn.
“Huân chương Lao động hạng Nhì mà Nhà nước trao tặng cho Cục điện ảnh là phần thưởng cao quý ghi nhận sự nỗ lực và phấn đấu của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục điện ảnh trong thời gian vừa qua. Bộ VHTT&DL luôn đánh giá cao những đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ Cục điện ảnh cho nước nhà trong thời gian vừa qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
NSND Trà Giang, đại diện cho lớp nghệ sĩ trưởng thành trong Điện ảnh Cách mạng nghẹn ngào phát biểu: “...Chúng tôi tự hào vì trong hai cuộc kháng chiến rất ác liệt, chúng tôi chưa bao giờ chùng bước. Với ý chí đã được rèn luyện, với tình yêu bền vững và lòng tự trọng sâu sắc của người nghệ sĩ, chúng tôi đã nỗ lực vượt qua mọi vất vả, gian nguy… Thành tựu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam do nhiều thế hệ nghệ sĩ cống hiến trong suốt 65 năm qua không chỉ dừng lại ở hàng nghìn phim truyện, phim tài liệu và hoạt hình mà những tác phẩm đó đã trở thành những tài sản vô cùng quý giá của nhân dân, đất nước…”.
Trải qua 23 năm gắn bó với điện ảnh, NSƯT Hồng Ánh chia sẻ: “Tôi luôn trân trọng những đóng góp của thế hệ đi trước và lấy đó để nhắc nhở bản thân phải luôn trau dồi và phấn đấu tiến lên trên con đường mà mình đã chọn đó là sự nghiệp điện ảnh”.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn