Ngày 15/1, Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) đã tổ chức gặp gỡ và phân phối quyền liên quan cho các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc uỷ quyền cho APPA.
NSND Thanh Hoa, chủ tịch APPA cho biết, sau 3 năm thành lập, Hội hoạt động tự chủ hoàn toàn về kinh phí cùng với sự nỗ lực bản thân của Lãnh đạo Hội và các thành viên khác, hiện tại đã có hơn 1000 thành viên tham gia và có 70 nghệ sĩ đã uỷ quyền cho APPA các quyền liên quan.
Theo NSND Thanh Hoa, APPA không chỉ bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc là thu tiền về mà còn chú trọng bảo vệ đời tư của nghệ sĩ. Mọi hình ảnh, đời tư của người nghệ sĩ cần được bảo vệ trước sự soi mói, xâm phậm.
“Ví như trường hợp của Văn Mai Hương bị xâm phạm đời tư, bị đánh cắp hình ảnh riêng tư tại nhà riêng vừa qua, chúng tôi cũng rất muốn lên tiếng bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc nhưng vì cô ấy không là thành viên của APPA, không uỷ quyền cho APPA bảo vệ các quyền liên quan thì chúng tôi không thể tự ý làm được. Cái khó ở chỗ đó, hội nghề nghiệp là ngôi nhà chung, chúng tôi biết nhiều ca sĩ có công ty riêng, nhưng chúng tôi rất muốn các ca sĩ vì một tiếng nói chung, thống nhất thì nên tích cực tham gia vào Hội”, NSND Thanh Hoa chia sẻ.
Bên cạnh đó, NSND Thanh Hoa cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc thực hiện bản quyền, tác quyền và quyền liên quan (trong đó có hoạt động biểu diễn, ghi âm, quyền tác giả) ở Việt Nam. Bà cho rằng, một phần là do các đơn vị không có thói quen trả tiền sử dụng các sản phẩm của nghệ sĩ biểu diễn; phần khác là do chính các nghệ sĩ xem nhẹ.
NSND Thanh Hoa khẳng định: “Trong quá trình đòi quyền lợi cho các nghệ sĩ biểu diễn, APPA Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì chưa có hệ thống kiểm soát số lượng các ca khúc của các nghệ sĩ trong những lĩnh vực kinh doanh như karaoke, nhà hàng, khách sạn… Nếu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, mỗi nhạc sĩ có một tác phẩm riêng thì việc thu tiền sử dụng quyền tác giả nó dễ dàng hơn. Nhưng đây là việc cần phải làm. Các nghệ sĩ biểu diễn cần được bảo vệ quyền lợi khi lao động nghệ thuật của họ được các đơn vị khác sử dụng để kinh doanh”.
Đại diện APPA cũng cho biết thêm, năm 2019, APPA Việt Nam nhận được từ Đài Tiếng nói Việt Nam tiền chi trả cho quyền liên quan. Hai mạng viễn thông lớn của Việt Nam cũng ký cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trả phí cho các nghệ sĩ.
Từ năm 2020, những hãng viễn thông này sẽ thực hiện chi trả theo danh sách sử dụng các sản phẩm của nghệ sĩ trong lĩnh vực kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ… Được biết, mức chi trả sẽ bằng 50% so với chi trả tác quyền cho các tác giả.
Cũng nhân dịp tổng kết năm, APPA đã trao đợt 1 gọi là “hỗ trợ” từ số thu phí tiền liên quan cho 26 nghệ sĩ.
Hiện tại, ở Việt Nam có ba tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan đến âm nhạc là: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) - bảo vệ quyền lợi cho đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca nhạc và Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA).
Bài và ảnh: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn