Không bao giờ chấp nhận cuộc sống chung chồng
Trước những ồn ào liên quan đến chuyện phát ngôn của diễn viên Kiều Thanh, chị là người ra mặt phản đối chuyện người thứ 3. Chưa bao giờ thấy chị phản ứng quyết liệt như thế trước một vấn đề của người khác?
Tôi không bao giờ ủng hộ chuyện vi phạm pháp luật và vi phạm đạo lý cả. Vẫn biết, trong cuộc sống không ai hoàn hảo. Có những câu chuyện đổ vỡ mà phía sau là những nỗi niềm khó nói.
Tuy nhiên, “chuyện người thứ 3” là chuyện không gì có thể biện minh được. Người ta có thể lấy “năm thê bảy thiếp”, “chồng chín, chồng mười”… nhưng đó là khi đã hoàn toàn chia tay với người cũ. Chẳng hạn, NSND Lê Hùng là một người nổi tiếng trong giới sân khấu vì lấy nhiều vợ. Nhưng đó là khi anh ấy đã chia tay người vợ này thì anh mới đến với người vợ khác.
Người ta có quyền đi tìm hạnh phúc và đến với người yêu thương mình bằng cả trái tim nhưng không có nghĩa là khi người ta vẫn đang có vợ, có chồng. Đạo lý của chúng ta ngày nay không chấp nhận chuyện người thứ 3.
Tất nhiên những gì chị nói là suy nghĩ của số đông. Nhưng không phải ai cũng dám nói ra quan điểm của mình. Chị có sợ việc mình nói ra sẽ dễ bị ghét?
Không, quan điểm của mình thì mình được quyền nói ra chứ. Mình lựa chọn cách sống nào thì phải chịu trách nhiệm với cách sống đó chứ. Tôi rất ủng hộ chuyện hai người giải thoát cho nhau khi hôn nhân không còn hạnh phúc. Có nhiều bạn trong từng rụt rè tâm sự với tôi chuyện bỏ chồng và họ đã rất ngạc nhiên khi thấy tôi cười rất to sau lúc nghe chuyện họ kể.
Tôi nói với họ: “Cô đoán kiểu gì rồi chuyện này cũng xảy ra. Cuộc sống hôn nhân mà như “địa ngục” thì chia tay cũng là để giải thoát cho cả hai chứ không riêng gì mình”. Mặc dù gia đình tôi rất truyền thống nhưng tôi lại có suy nghĩ rất cởi mở.
Nghĩa là giả xử chuyện đó xuất hiện trong gia đình mình, chị cũng sẽ không bao giờ nhân nhượng?
Trước đây, khi nói chuyện với bạn bè, tôi vẫn thường đùa rằng: “Nếu bố cháu có con riêng ở ngoài thì tôi chấp nhận cho chồng đưa con về nuôi rồi thả cho chị ấy đi lấy ai thì lấy chứ mang chị ấy về ở cùng nhà là không bao giờ có. Nếu bố cháu không chấp nhận chuyện đó thì bố cháu đi hẳn với người ta”. Chỉ có thể chọn một trong hai cách chứ không thể chung vợ chung chồng. Tôi thấy cảnh đó không được văn minh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong số các nghệ sĩ không có cuộc sống may mắn như mình, họ là những phụ nữ đáng thương chứ không phải đáng trách. Nhưng có một số người chọn con đường đi không thuận chiều và không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Trong đạo Phật, người ta gọi việc làm người thứ 3, chen chân vào hôn nhân của người khác là người gây nghiệp.
Văn hoá công sở hiện nay có khá nhiều vấn đề cần phải lên án
Chị đã nghỉ hưu nhưng hoạt động nghệ thuật còn mãnh liệt hơn lúc trước. Có vẻ như chị không chịu được cảm giác nhớ nghề?
Đúng là như vậy đấy. Nghề thực ra là một cái nghiệp đã gắn với mình. Khi có bất cứ lời mời nào tôi đều tham gia nếu hoạt động đó có ích cho cộng đồng. Thời gian vừa qua tôi tham gia khá nhiều sự kiện hướng tới cộng đồng.
Lý do gì khiến chị quyết định nhận vai diễn trưởng phòng cực đoan và cay nghiệt trong “Những nhân viên gương mẫu” khi bản thân vai diễn này có những nét tương đồng với phim “Sống chung với mẹ chồng”?
Phim này nói tới văn hóa ứng xử nơi công sở. Văn hoá công sở hiện nay có khá nhiều vấn đề cần phải lên án, phê phán. Có rất nhiều nhân viên cơ quan đến văn phòng chỉ để giữ ghế, để đỡ tiền điện và biến văn phòng thành nhà bếp...
Chúng ta mới thoát khỏi thời bao cấp nhưng văn hóa từ thời bao cấp còn rơi rớt lại rất nhiều. Bệnh công thần rất nặng. Ví dụ nhân vật của tôi cậy chồng làm to không biết sợ ai cả. Đó là một sự thiếu văn minh trong cuộc sống hiện đại bây giờ.
Một bạn trẻ học, có tài có khả năng sức sáng tạo thì phải được tôn trọng chứ không thể bạn chỉ đến rót nước, pha trà, chào hỏi... Văn hóa đó mình không ủng hộ chút nào thế nên khi nhận kịch bản tôi thấy ngay những gì tôi từng trải qua trong đó.
Tòa soạn tạp chí chỉ là cái cớ thôi, còn cái chính muốn phản ánh là văn hóa công sở, làm sao cho văn minh mới có hiệu quả. Bạn có thể 3 ngày không đến cơ quan nhưng công việc của bạn hoàn thành 100% thì không ai chê trách gì cả. Bạn không cần ngày nào cũng đến cơ quan chấm công để không có thời gian đi thực tế, thu thập tài liệu. Tôi nghĩ hiệu quả công việc mới quan trọng.
Nhiều nghệ sĩ khi đã có một vai đóng đinh sâu trong lòng khán giả thì không dám đóng vai tương tự vì sợ không vượt qua được hoặc không có gì mới mẻ so với vai trước. Chị có vẻ như đi ngược với quan điểm này?
Tôi có quan điểm khác với nhiều nghệ sĩ. Trước cũng có người hỏi tôi “Tại sao chị vẫn mãi đóng những vai đào thương, khổ sở, vất vả như thế?”. Thậm chí, họ hàng nhà mình có người hỏi “Tại sao chị đóng những vai vô duyên, chồng chết, chồng bỏ, chị có thể đóng vai khác được không?”.
Tôi bảo bình thường thôi, mình đang làm nghề mà. Các số phận và đời sống tâm lý của con người rất phong phú, chỉ một dạng vai mình khai thác hết đời cũng chưa hết các khía cạnh tâm lý của dạng người như vậy. Chẳng hạn nói về tình cảm của người phụ nữ Việt Nam thì nói mãi không hết tình cảm người mẹ, có rất nhiều sắc thái.
Chuyển sang khía cạnh khác cũng thế thôi, bà Phương trong “Sống chung với mẹ chồng”, bà Như Ý trong “Những nhân viên gương mẫu” hay rất nhiều bà khác cũng chưa khai thác được hết góc khuất, những thói xấu hoặc những điều ta cần tránh.
Thực ra biên kịch cũng chỉ có một nhóm người, đạo diễn cũng vậy. Chúng tôi khai thác điều chúng tôi thấy, còn rất nhiều điều các bạn biết mà chúng tôi thì không. Chúng tôi phải dành cho những vai khác, phim khác, làm sao mà nhàm chán được.
Nhiều người nghĩ đơn giản vậy nhưng với diễn viên chuyên nghiệp mình làm cả đời chưa hết chứ đừng nói 1-2 vai. Ví dụ vai mẹ chồng tôi đóng nhưng nhiều người vẫn bảo “chị thua xa mẹ chồng em”. Có nhiều khía cạnh mình chưa biết mà, làm sao mà lo.
Khó khăn lớn nhất khi chị đóng vai này là gì?
Khó khăn nhất là tuổi tôi chênh lệch quá nhiều so với các bạn trẻ. Tôi có nói đùa là sao không mời tôi đóng mẹ của nhân viên mà lại đóng nhân viên, nhân viên gì ở tầm này nữa. Tôi không tham hoặc ham hố gì khi nhận vai. Có người cứ được mời là thích rồi nhưng tôi không như thế. Tuy nhiên, các bạn ấy bảo tin tôi, khi được đặt lòng tin thì tôi nhận lời và có trách nhiệm làm tốt.
Thực ra tôi muốn tạo hình của mình xấu hơn bởi thế hệ của tôi nhiều chị em phụ nữ còn chủ quan với cách ăn mặc, không để ý đến bản thân, ứng xử mang màu sắc cũ khiến cho các bạn trẻ khó gần. Nhưng đạo diễn nói là nên tiết chế để bộ phim gần gũi khán giả hơn.
Trong phim này có lý do để bà Như Ý khó tính là vì chồng bà làm to nhưng không có con cái. Người phụ nữ như thế thì khô khan, cứng nhắc. Tất cả đều có lý do của nó. Bà ấy cậy có học thức, bắt nạt các bạn trẻ. Mối quan hệ giữa hai thế hệ rất rõ.
"Ở nhà, anh Kỷ gia trưởng lắm đấy!"
Càng có tuổi, chị với chồng là NSƯT Đỗ Kỷ đi đâu cũng “như hình với bóng”. Phải chăng, thời trẻ ít bên nhau nên bây giờ cả hai luôn muốn bù đắp cho nhau?
Không phải, tôi ở cạnh anh Kỷ như một thói quen. Hai người chơi với nhau bắt đầu bước chân vào Nhà hát Kịch Việt Nam. Lúc đó hai người thân nhau vì chung quãng đường về nhà. Tôi sống bên nhau quen rồi, từ xưa đến nay vẫn thế.
Hiện giờ đi cùng nhau ít hơn vì anh ấy ở cơ quan khác. Trước đây, khi cùng chung nhà hát, anh ấy thường xuyên chở tôi đi làm vì khả năng đi xe đạp của tôi không cao, tay lái yếu.
Tôi chuyển sang đi xe máy cũng thường bị ngã nên bị anh ấy trêu: “Này, Hương Bông ơi! học lại tiếng Việt đi. Chữ “giường” với “đường” khác hẳn nhau mà cứ mỗi lần lôi xe ra đi lại nằm ệch ra thế”. Anh ấy nói vậy đấy. Anh không bận gì thì thường chở tôi đi cho an toàn. Chúng tôi gặp nhau từ năm 1978, năm nay là 40 năm bên nhau rồi.
Chị có sợ anh ghen nếu được mời đóng phim có cảnh tình cảm với người khác?
Không, anh không ghen, cả trước đây cũng vậy, chúng tôi hiểu nhau mà.
Bí quyết gì để chị giữ được cuộc hôn nhân bên nhau 40 năm mà đi đâu cũng có nhau?
À, bởi anh ấy chở đi thì khỏi phải lo lắng, đi ra đường lủng củng rồi ngã thì anh ấy lại phải chăm sóc (cười).
Chị có nghĩ mình át được vía chồng nên điều khiển được chồng?
Không hiểu có phải thế không. Ở nhà anh Kỷ gia trưởng lắm đấy. Anh là người truyền thống, làm gì thì làm nhưng những việc trong nhà phải hoàn tất, đối nội đối ngoại phải tròn trịa, chu đáo.
Trông tôi thế này thôi chứ mọi việc gia đình tôi lo được hết đấy. Cưới hỏi tôi đều lo toan được. Không có sự phân biệt bên nội bên ngoại…Có những người xích mích với anh Kỷ, không thể nói chuyện được toàn phải nói với tôi. Tôi là người hòa giải những mâu thuẫn trong nhà.
Bận rộn hơn nhưng lại xinh đẹp. Có vẻ như anh ấy thường “kè kè” cũng là để giữ vợ và để đỡ phải ghen?
Anh ấy bảo nhờ anh tôi mới được thế (cười). Mà đúng thế thật, ở nhà tôi thì không phân biệt việc chồng hay vợ đâu, thấy việc thì ai cũng làm. Thi thoảng tôi giúp con chăm cháu nhưng mà con dâu tôi cũng biết ý lắm, sợ chúng tôi vất vả nên thi thoảng mới nhờ ông bà hỗ trợ, chăm cháu.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn