Kịch bản vở diễn “Di họa” lấy bối cảnh thời phong kiến trong xã hội Việt Nam xưa, phơi bày những thối nát, bất công đè nén lên thân phận người dân. Trong đó xoay quanh câu chuyện đầy xót xa về cuộc đời cô gái tên Hòa.
Mang cái tên yên bình, nhưng cuộc đời Hòa từ bé đã chịu nhiều bất hạnh. Lão Đại - tên địa chủ giàu có khét tiếng của vùng vì muốn cưới mẹ Hòa làm vợ lẽ đã âm mưu hãm hại bố ruột cô. Quá uất ức, mẹ Hòa đã dùng dao cứa tay tử tự, Hòa sau đó được một người đàn bà trong làng nhận nuôi khi mới được vài tháng tuổi.
Lớn lên với vẻ ngoài xinh đẹp, Hòa đã nuôi kế hoạch trả thù. Cô đồng ý làm vợ lẽ lão Đại, quyết tâm vén bức màn bóng tối, vạch trần những tội ác của tên địa chủ khét tiếng, lấy lại công bằng cho bố mẹ.
Tuy nhiên, hành trình của cô đầy rẫy sự giằng xé giữa mối thù và lòng trắc ẩn. Để đạt được mục tiêu của mình, cô gái ngây thơ trong sáng ngày nào cũng bất chấp những âm mưu, thủ đoạn. Hòa đã gài bẫy khiến người vợ cả của lão Đại phải chịu cảnh ruồng rẫy, bị tống vào ngục giam.
Sự hận thù đã khiến Hòa không còn là mình, cô ngập sâu trong những toan tính, để rồi cuối cùng, chính đứa con trai trong bụng cô vì những tranh đấu quyền lực mà khi sinh ra đã là đứa trẻ dị dạng. Quân – người con trai cả của lão Đại, hết lòng giúp đỡ Hòa cũng phải chịu một cái chết đầy tức tưởi.
Lão Đại cuối cùng cũng phải trả giá cho những tội ác của mình thế nhưng đây cũng là lúc Hòa bừng tỉnh. Cô nhận ra, lấy sự hận thù để trả thù thì vòng luẩn quẩn này sẽ còn kéo dài không có hồi kết.
Đề tài xã hội phong kiến không phải là mới nhưng các bạn trẻ trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội đã có những góc nhìn riêng, gửi đến những thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn, đặc biệt đề cao hạnh phúc, quyền tự do cá nhân, giúp khán giả phần nào hiểu thêm về những lễ giáo phong kiến mang tính cổ hủ, lạc hậu mà người dân Việt Nam phải gánh chịu.
Nội dung vở kịch khá đơn giản, nhưng được xây dựng có cao trào, nút thắt và gợi mở đưa khán giả đi hết cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Các diễn viên từ các tuyến nhân vật phụ như: người hầu, chàng lính đến các tuyến chính như: Hòa, lão Đại, người vợ cả… đều diễn khá tròn vai, thể hiện tốt diễn biến tâm lý trong từng phân cảnh.
Đó là một Hòa với nhiều giằng xé về nội tâm, một lão Đại âm mưu, thủ đoạn tàn ác hay một người vợ cả sắc sảo, nghiệt ngã nhưng cũng đầy bất hạnh, rồi Quân - chàng trai với vẻ thư sinh nhưng nhu nhược. Sự biến hóa trong lối diễn, nhập tâm trong từng phân cảnh của các diễn viên trẻ đã mang lại thành công cho vở Di họa và truyền tải được thông điệp đến khán giả. Ngoài ra, một vài phân đoạn được dàn dựng bối cảnh khá công phu đưa người xem như được trở về thời phong kiến xưa như: phân cảnh đám cưới của Hòa, lão Đại; cảnh không gian trong nhà địa chủ…
Di họa vẫn còn một vài sai sót nhỏ về: phục trang, đạo cụ hay cách trình diễn nhưng nhìn tổng thể đây là một tác phẩm có sự đầu tư, dàn dựng và diễn xuất tốt đối với những diễn viên không chuyên.
Nhà hát Tuổi trẻ trong buổi trình diễn vở Di họa không còn một chỗ trống. NSND Lê Tiến Thọ Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, ông đã rất bất ngờ khi xem vở kịch đặc biệt là ấn tượng với lối diễn tự nhiên, hết mình trên sân khấu của những bạn trẻ trường THPT chuyên Amsterdam.
“Phải nói rằng, hình thức nhân vật trong vở Di họa được xây dựng rất khó, để tạo ra một ông Đại, một cô Hòa, một người vợ cả hay thậm chí là người con trai của lão Đại không phải đơn giản nhưng các diễn viên diễn rất nhiệt tình, diễn rất tròn vai, chuyên nghiệp đã mang đến những ấn tượng cho người xem”, NSND Lê Tiến Thọ nói.
Được biết, Câu lạc bộ Kịch nghệ Life’s So Drama là CLB nhạc kịch duy nhất của Trường chuyên Amsterdam Hà Nội. Các thành viên tham gia CLB đều là các bạn trẻ, yêu thích đam mê diễn xuất và mong muốn góp phần đưa người trẻ đến gần hơn với môn nghệ thuật thứ 5 này. Trước vở Di họa, CLB Life’s So Drama cũng đã trình diễn các vở Frollo (năm 2016), vở Đoạn tuyệt (2018) trước công chúng.
Hà Trang
Ảnh, video: Toàn Vũ
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn