Người nghệ sĩ không bao giờ bị ai trách móc, oán giận
Những ngày qua, thông tin NSND Đoàn Dũng đang phải chiến đấu trên giường bệnh để giành giật lại sự sống và phải nằm trong phòng cách ly vì nhiễm trùng thần kinh đã khiến không ít người trong giới bàng hoàng. Nhà viết kịch Lê Chí Trung kể rằng, nửa tháng trước, NSND Đoàn Dũng anh còn bảo với ông “không thèm chạy thận, mặc cho số trời..”, ông còn đùa lại “Vớ vẩn, anh phải cố sống cho đủ 100”.
“Hơn nửa thế kỷ sân khấu Việt Nam, nếu có một nghệ sĩ mà khi nhắc đến tên hầu như không ai trách móc, oán giận thì đó là NSND Ðoàn Dũng.
Lạ một cái anh không phải loại người lành như đất mà luôn ăn nói oang oang, thẳng thắn, đốp chát.. Thậm chí “nổ” hơn đại bác trong tất cả các cuộc hội họp liên quan đến đời sống nhọc nhằn của sân khấu, con người và thời đại”, nhà viết kịch Lê Chí Trung nói.
Nhà viết kịch Lê Chí Trung kể thêm: “Nhớ có một dạo, tôi từng là kẻ ngoại đạo duy nhất được mời “ghế xúp” trong buổi họp mặt của lớp diễn viên khóa I Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam tại nhà anh Dũng ở Sài Gòn. Hôm đó cô giáo Thanh Đương (vợ anh) thổi xôi đậu xanh và nấu bún riêu cua rất ngon.
Nhìn cảnh Ðoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang, Trần Minh Ngọc, Nguyệt Ánh, Thế Anh... chan húp xì xoạp rồi huyên thuyên “mày tao chi tớ”, nói cười ha hả như sợ ai cướp lời mà phát thèm. Dường như đâu đó là tấm chân tình cố hương và bạn bè nghệ sĩ với nhiều tiếc nuối tuổi xuân. Lớp trẻ bây giờ có thể nhiều người không biết ngày ấy mấy ông bà này ghê gớm lắm.
Tôi không quên một lần chen chúc đi xem bóng đá ở sân vận động Hàng Ðẫy, Hà Nội. NSND Thế Anh (đang nổi như cồn sau vai Trung úy Phương phim “Nổi gió”) dẫn 4-5 cô đào Nhà hát Kịch Việt Nam đẹp như tiên sa cá lặn bước đi ngời ngời giữa đường Trịnh Hoài Ðức.
Có lẽ không chỉ một cậu choai là tôi mà hàng trăm khán giả ngơ ngác, đắm đuối nhìn theo. Cái hào quang nghệ thuật thời bấy giờ sao mà thánh thiện và đắm say lòng người một cách vô cùng trong trẻo. Và ở cái thời hoàng kim rực rỡ của sân khấu ấy, Ðoàn Dũng đã là một diễn viên vơ-đét trên sân khấu “Nhà hát anh cả đỏ” - Nhà hát Kịch Việt Nam”, nhà viết kịch Lê Chí Trung hoài niệm.
Dáng vẻ Trương Phi nhưng lại mang tâm hồn trẻ thơ
NSND Doãn Châu từng dí dỏm khi tả về NSND Ðoàn Dũng, to béo, phục phịch, râu ria xồm xoàm. Bề ngoài trông có dáng vẻ Trương Phi võ biền hơn là một nghệ sĩ nhưng con người đó lại rất dễ xúc cảm. Ðôi khi rất mau nước mắt... Người đàn ông xù xì luôn đặt tình nghĩa, trọng chữ tín lên trên hết. Có lẽ cũng chính vì thế mà NSND Ðoàn Dũng đã tạo nên một hình ảnh và phẩm chất độc đáo của một nghệ sĩ sân khấu - điện ảnh.
Ngay cả cái tên Ðoàn Dũng cũng không phải do cha mẹ đặt mà ông ghép từ họ của người con gái ông yêu đơn phương thuở học trò.
“Tên thật của anh là Nguyễn Anh Dũng. Từ ngày còn cắp sách đi học ở Trường Ngô Sĩ Liên trên phố Hàm Long (Hà Nội) cậu Dũng “bệu” (biệt danh thời còn nhỏ của NSND Đoàn Dũng) đã rất khác người, đầy chất lãng mạn. Cậu sớm thương thầm một cô bé kém mình một tuổi tên là Ðoàn Quế Hương.
Nhưng rồi cuộc tình đơn phương thầm lặng cũng chẳng đi đến đâu vì đó chỉ là những trò mơ mộng viển vông của tuổi học trò. Tuy nhiên, hình ảnh của cô bé họ Đoàn mãi vẩn vơ trong đầu Dũng “bệu”, tới mức để ghi nhớ nó, người đàn ông xù xì đã ghép đôi tên mình và họ của cô bé năm xưa thành nghệ danh Ðoàn Dũng.
Lấy tên một cô gái chưa từng được nắm tay ghép với tên mình thành nghệ danh thì đúng là ông Ðoàn Dũng lãng mạn còn hơn Nguyễn Bính.
Năm tháng qua đi, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh Ðoàn Dũng trong ngày cha vợ tôi là nhà văn, nhà viết kịch Ngọc Linh mất. Ðâu khoảng bốn, năm giờ sáng, khi nghe đạo diễn Doãn Hoàng Giang từ Hà Nội gọi vào báo tin, anh phóng ào xe đến, không một câu chào hỏi, run run giở tấm khăn trắng còn đang đắp trên mặt người bạn nghề và khóc “hu hu” như đứa trẻ. Tôi cảm anh từ đó và tâm niệm có ngày sẽ đặt bút viết về người đàn ông này.
Ðoàn Dũng sống rất thủy chung với nghề, với thầy, với bạn bè, với đồng nghiệp và gia đình. Nếu có một người bạn, một đồng nghiệp hay một học trò chỉ cần thốt lên “Anh Dũng ơi, hãy cứu tôi” thì anh luôn là người đầu tiên có mặt và xòe rộng đôi cánh như con đại bàng che chở.
Buồn cười là nhiều khi anh không phải con đại bàng, gươm cùn mà anh rút ra chỉ là thanh gươm gỗ của chàng Ðông Ki Sốt... Anh chỉ có một tấm chân tình trẻ thơ của người nghệ sĩ.
Với Ðoàn Dũng gần như không có khái niệm kẻ thù. Ai anh cũng coi là bạn, cứ bỗ bã, chân thành trong mọi ngữ cảnh và mọi đối tượng mà anh quan hệ. Người ta biết nhiều về Ðoàn Dũng với tư cách là một diễn viên sân khấu - điện ảnh, một thầy hiệu trưởng khả kính của Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhưng ít ai biết Ðoàn Dũng làm thơ tình rất hay theo phong vị thơ Ðường. Và đặc biệt cái ông hộ pháp, râu ria xồm xoàm ấy lại rất hay... khóc nhè”, nhà viết kịch Lê Chí Trung kể.
Ðồng nghiệp có rất nhiều giai thoại về NSND Ðoàn Dũng. Lâu không gặp thầy, gặp bạn, khóc. Nằm bệnh lâu ngày, xa sân khấu, nhớ, khóc. Nhận điện thoại của bạn, khóc. Tết nhớ thầy, nhớ bạn, khóc. Ðón Nhà hát Kịch Việt Nam vào diễn ở Sài Gòn, khóc. Vợ hiểu lầm, khóc... Và đặc biệt là tình cảm với Hà Nội. Hà Nội là tất cả những gì tốt đẹp của cuộc đời ông. Chỉ cần xem trên tivi thấy Hà Nội mùa đông trở gió mùa là cũng đủ cả đêm ông trằn trọc, nhớ thương và... khóc.
Nhà viết kịch Lê Chí Trung cho rằng, ở cái tuổi ngoài 80, NSND Ðoàn Dũng đã sống trọn đời mình bởi chữ danh của người nghệ sĩ. Trải qua biết bao vinh nhục với nghề, ông vẫn mang một tâm hồn và cách ứng xử rất trẻ thơ. Có lẽ tất cả sự sâu sắc, bản lĩnh ông dồn hết cho các vai diễn của mình và tâm huyết đào tạo, dạy dỗ cho biết bao tài năng trẻ.
“Gần đây anh luôn xưng hô với tôi “Bồ thế này, bồ thế kia...”. Tôi cảm thấy vinh hạnh được anh coi là bạn tri âm bởi anh lớn hơn tôi bằng khoảng tuổi trăng tròn thiếu nữ. Dân nghệ sĩ chúng tôi nhiều khi hơi cổ quái, tôi chơi rất thân với những người bạn tâm giao của bố vợ tôi như đạo diễn Đình Quang, Văn Thơm, Doãn Hoàng Giang, Ðoàn Dũng, Thế Ngữ... và các ông ấy rất tự hào khi được chơi với bọn trẻ, bởi luôn tin mình còn trẻ.
Nếu nói một câu ngắn gọn về Ðoàn Dũng, tôi không sợ bị đồng nghiệp cả nước chê trách, bắt bẻ, anh là một trong những người sống đẹp nhất, nghệ sĩ nhất trong giới nghệ sĩ...”.
NSND Đoàn Dũng tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam khóa đầu tiên. Ông từng là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 4 năm 1997. Thời trẻ, ông đã đi nghiên cứu ở các nước: Liên Xô, Đức, Trung Quốc, Úc, Pháp... về nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và công tác đào tạo.
NSND Đoàn Dũng đã diễn xuất sắc trong các vở: Một đêm giông tố, Đêm đen, Nhân chứng và lịch sử, Người cha thô bạo, Người cầm súng, Những bông hoa anh túc... Trong vở “Vụ án người đốt đền”, một đỉnh cao của sân khấu kịch cổ điển, NSND Đoàn Dũng đã biến hóa, nhấn nhá lời thoại, xử lý tiếng cười vô cùng phong phú, lúc thành tiếng lúc không.
Ông đã khéo kết hợp nhuần nhuyễn những biểu hiện tâm lý chặt chẽ của sân khấu phương Tây và tính cách điệu, tượng trưng của sân khấu truyền thống trong việc xử lý đạo cụ. Những động tác cắn đồng xu gợi cho người xem cảm giác về cái thật giả, đỏ đen, gian manh, cơ hội, tham vọng, đê hèn, cờ bạc bịp... mà đến ngày nay vẫn là bài học về biểu diễn cho các nghệ sĩ trẻ.
Ông còn đóng các phim: Biển lửa, Rừng O Thắm, Bức tường không xây, Ngõ hẹp, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... Trong phim “Thủ lĩnh áo nâu”, NSD Đoàn Dũng đóng vai Đề Thám. Khi con gái cụ Đề Thám - bà Hoàng Thị Thế về Việt Nam, bà cứ rưng rưng nắm chặt tay NSND Đoàn Dũng mà bảo “Con ơi, trông con rất giống ông, giống cái thần của ông...”. Đó là một kỷ niệm thành công về điện ảnh mà ông không sao quên được.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn