Sáng 21/9, nhiều nghệ sĩ gạo cội của làng điện ảnh Việt như: NSƯT Đức Lưu, NSƯT Thanh Tú, NSND Nguyễn Hữu Tuấn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn Nhuệ Giang, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân… và nhiều cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ những trăn trở về lùm xùm liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam.
Tại sự kiện này, nhiều nghệ sĩ đã có những phát biểu hết sức tâm huyết về sự sống còn của “anh cả đỏ” của làng điện ảnh Việt, tức Hãng phim truyện Việt Nam. Trong đó, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ - đạo diễn phim “Cuộc đời của Yến” đã gửi đến toàn thể các nghệ sỹ một tâm thư chứa chất nỗi niềm của mình về câu chuyện này.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ viết: “Tôi là đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, một trong những thành viên trẻ nhất của Hãng phim truyện Việt Nam. Tôi là một người tuyệt đối ủng hộ việc cổ phần hoá. Tôi cũng từng đăng bài trên trang cá nhân để thể hiện sự ủng hộ đó, cũng như bày tỏ việc không đồng tình với ý kiến một số nghệ sĩ muốn ngăn cản quá trình cổ phần này. Bởi vậy, tôi đã rất hy vọng vào một sự phát triển mới cho Hãng của mình sau đại hội cổ đông hồi tháng 5/2017.
Tuy nhiên, sau khi công ty chính thức đi vào hoạt động như một công ty tư nhân, tôi bắt đầu cảm thấy không ổn. Sự không ổn này bắt đầu từ những quyết định của Ban lãnh đạo.
Đầu tiên là quyết định thành lập đoàn phim “Người yêu ơi”. Tôi không nói về những người trong ê-kíp mà nói về việc Ban lãnh đạo bắt họ hoàn thiện bộ phim chỉ sau chưa đầy 4 tháng, khi đoàn phim còn chưa chọn được bối cảnh, chưa casting diễn viên và kịch bản phân cảnh vẫn đang sửa. Sau đó, trong cuộc họp khối nghệ thuật với HĐQT, tôi có nói về việc này nhưng cho đến giờ vẫn chưa hề có quyết định thay thế và có vẻ như những gì tôi nói hôm đó, cũng không ai trong HĐQT còn nhớ.
Quyết định thứ hai là việc bắt tất cả mọi người trong Hãng phải đi làm tại cơ quan 8 tiếng một ngày. Tôi sẽ không nói lại việc này nữa vì trong cuộc họp với khối nghệ thuật, anh Nguyễn Thuỷ Nguyên (Chủ tịch Tổng Cty Vận tải thuỷ - đơn vị cổ đông chiến lược - PV) cũng đã đính chính lại rằng, giờ làm việc chỉ dành cho khối hành chính hoặc những ai cần lương theo bậc nhà nước (dù thực ra hơn 20 người khối hành chính đi làm đúng giờ cũng chưa hề nhận được lương đầy đủ như cam kết).
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là những quyết định sai thường chỉ được sửa bằng lời nói, chứ không hề có quyết định thay thế. Việc này khiến cho những nghệ sĩ tâm huyết và tất cả mọi người trong Hãng cảm thấy không được tôn trọng.
Tôi vẫn nhớ cũng trong cuộc họp đầy ấm áp, cởi mở, thân tình đó, anh Nguyên đã chia sẻ, các anh là những người ngoại đạo, cần sự giúp đỡ của chúng tôi. Và việc trước mắt là thành lập một Hội đồng thẩm định và phát triển dự án phim của Hãng.
Chúng tôi vô cùng hào hứng và ngay sáng hôm sau đã họp toàn khối nghệ thuật, bầu ra Hội đồng để đưa lên Ban lãnh đạo. Vậy mà từ đó đến nay, gần 2 tháng, chúng tôi vẫn không nhận được hồi âm. Cho đến cuộc họp ngày 19/9 vừa qua, trước báo giới, anh Nguyên nói việc chúng tôi tự bầu ra chủ tịch Hội đồng là sai nguyên tắc và chúng tôi làm vậy còn cần gì anh ấy nữa?.
Tôi thực sự choáng váng vì câu trả lời này. Bởi tôi nhớ như in sự cầu thị của anh Nguyên trong cuộc họp với khối nghệ thuật và sự mong muốn được chúng tôi cùng chia sẻ, gánh vác hãng. Bản thân anh Nguyên cũng không biết tên tuổi, nghề nghiệp của rất nhiều người trong Hãng, càng không biết họ đã từng làm phim gì, cống hiến ra sao, kinh nghiệm thế nào. Thế nên việc chúng tôi tự bầu ra hội đồng và tự bầu chủ tịch hội đồng liệu có phải là thất lễ với anh? Hay đó là sự nhiệt tình, chân thành mà chúng tôi đang muốn mang lại? Và nếu chúng tôi, những người nghệ sĩ, theo ý anh là làm sai nguyên tắc, tại sao anh không nhắc nhở chúng tôi ngay mà đến cuộc họp với báo chí anh lại nói vậy, trong khi anh luôn nói rằng “chúng ta phải đóng cửa bảo nhau trước”.
Gần 2 tháng trời, bản thân tôi có thể viết xong bản nháp của một kịch bản phim điện ảnh. Còn nếu Hội đồng được triển khai, chúng tôi có thể tìm và phát triển số lượng kịch bản còn lớn hơn rất nhiều. Nhưng rút cuộc, chúng tôi chỉ biết chờ đợi và chờ đợi, để rồi nhận được câu trả lời đầy bất ngờ cho lý do của việc chờ đợi đó.
Rồi cũng trong cuộc họp với khối nghệ thuật đó, anh Nguyên nói sẽ làm việc và kí hợp đồng với từng người trong Hãng, nhưng đến giờ và có lẽ còn lâu nữa, điều đó vẫn chưa thể thành hiện thực.
Một đạo diễn trẻ như tôi, không dưới 5 lời mời làm phim mỗi tháng, nhưng tôi đã từ chối tất cả để đợi Hãng cổ phần xong xuôi, để sẵn sàng lao vào góp sức. Như anh Nguyên nói: “Các đạo diễn ngon mà chúng tôi không biết giữ thì bên khác nó cắp mất ngay”. Thật tiếc, sự chờ đợi, hy vọng cũng chỉ có hạn và tôi cũng bị “cắp mất” vào cuối tháng 8 vừa rồi từ một “bên khác”. Bởi nếu tôi không ký hợp đồng làm phim ở ngoài, chắc tôi sẽ không đủ sức mà viết những lời này.
Trên đây là những ý kiến, tâm trạng của một người ở Hãng như tôi. Đó không phải là tất cả nhưng đó là những gì tôi thấy buồn nhất trong những tháng qua. Với những nghệ sĩ, điều họ cần là sự lắng nghe và sau đó là hành động, chứ họ không cần những lời hứa suông, không cần những thứ ngọt ngào viễn vông. Tôi cũng không mong sẽ đến ngày tôi được “tu nghiệp” ngay tại Hãng bởi những đạo diễn Hollywood như anh Nguyên hứa hẹn. Tôi chỉ cần Hãng trở lại bản đồ điện ảnh nước nhà và sáng lấp lánh như xưa”.
Do bận việc nên nam đạo diễn này đã không đến được mà nhờ một nữ đồng nghiệp đọc hộ tại sự kiện này. Những lời nỗi niềm và trăn trở của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã khiến nhiều nghệ sĩ lớn tuổi rơm rớm nước mắt.
Tác giả: Hà Tùng Long (ghi)
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn